Thứ 5, 25/04/2024 18:41:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:35, 10/10/2013 GMT+7

Những bất cập trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo

Thứ 5, 10/10/2013 | 10:35:00 30,153 lượt xem

Chưa bao giờ vấn đề tôn giáo lại trở nên nhạy cảm, mang tính toàn cầu như hiện nay. Trên thế giới, những cuộc chiến tranh tôn giáo đã cướp đi sinh mạng của hàng vạn người. Còn ở trong nước, từ mấy tuần qua, sự kiện một số công dân là chức sắc, chức việc và giáo dân tại giáo xứ Trại Gáo, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An gây rối, bắt giữ người trái phép, hành hung người thi hành công vụ, chiếm trụ sở UBND xã... vẫn gây xôn xao dư luận. Theo dõi toàn bộ diễn biến sự việc, có thể thấy rõ việc đòi “trả tự do” cho hai giáo dân vi phạm pháp luật bị chính quyền xã bắt giam chỉ là cái cớ để những kẻ có mưu đồ lợi dụng tôn giáo thực hiện mục đích chống phá Đảng và Nhà nước ta. Ngay trong tỉnh, một số kẻ cơ hội cũng đã có những động thái lợi dụng tình hình, kích động tín đồ phát ngôn hoặc có những hành vi chống lại chính quyền các cấp. Ai cũng rõ đằng sau những vụ việc có yếu tố tôn giáo là thế lực nào và họ gây ra vụ việc nhằm mục đích gì!


TÌNH HÌNH TÔN GIÁO TRONG TỈNH

Với gần 20% số dân trong tỉnh là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỷ lệ đồng bào DTTS ở Bình Phước không cao, nhưng khá phức tạp. Hầu hết đồng bào bản địa theo đạo Tin lành và thường sinh sống ở những vùng sâu, hẻo lánh. Toàn tỉnh hiện có 8 tôn giáo đang hoạt động với tổng số 211.967 tín đồ, chiếm gần 23% số dân trong tỉnh, trong đó có 239 chức sắc, 737 chức việc, 171 cơ sở thờ tự hợp pháp. Bình Phước lại có tới 260km đường biên giới với nước bạn Campuchia, là những yếu tố mà các thế lực thù địch luôn lợi dụng, khai thác để tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, chính quyền địa phương.


Ông Nguyễn Hữu Tư, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh tặng quà Tòa giám mục Buôn Ma Thuột nhân Giáng sinh năm 2012 - Ảnh: Nhất Sơn

Những năm qua, Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo trong tỉnh hoạt động, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân nói chung và đồng bào theo đạo nói riêng trong khuôn khổ pháp luật. Từ năm 2004 (sau khi có Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo) đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận cho thành lập 80 cơ sở tôn giáo, tổ chức 54 lớp bồi dưỡng cho người chuyên hoạt động tôn giáo; tạo điều kiện cho 75 công dân đi học tại các trường đào tạo của các tôn giáo; 162 trường hợp phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử; nhận 181 hồ sơ xin phép xây dựng và đã xem xét, cấp đất cho 165 cơ sở tôn giáo với diện tích 1.141.170m2.

Các cấp ủy đảng, chính quyền và MTTQ đã thực hiện tốt chính sách tôn giáo, tăng cường đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng đồng bào DTTS. Đại đa số chức sắc, tín đồ phấn khởi trước những thành tựu của tỉnh. Những ngày lễ của các tôn giáo được tổ chức trang trọng, thu hút đông đảo tín đồ và các tầng lớp nhân dân tham dự. Các tổ chức và tín đồ tôn giáo đã chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước và phong trào hành động cách mạng tại địa phương. Nhiều cơ sở tôn giáo đã trực tiếp tham gia và động viên tín đồ tham gia các hoạt động cứu trợ, nhân đạo, đóng góp tích cực vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Những nỗ lực và thành quả của Đảng, Nhà nước các cấp trong phát triển kinh tế -xã hội vùng có đạo đã rõ. Tuy nhiên, một số kẻ xấu đã lợi dụng những yếu tố đặc thù của tỉnh như: Dân tộc, biên giới, tôn giáo, tiếp giáp các tỉnh Tây nguyên và công tác thu hồi đất phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội để tổ chức các hoạt động tôn giáo trái pháp luật. Chúng lôi kéo, kích động người dân tham gia khiếu kiện đông người, vượt cấp hoặc có những hành động khiêu khích, chống đối chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ tôn giáo. Đạo Tin lành, trong đó có một số hệ phái Tin lành chưa được công nhận pháp nhân phát triển mạnh trong vùng đồng bào dân tộc bản địa, đã làm phai nhạt nhiều phong tục, tập quán, nét văn hóa truyền thống của đồng bào như: Tục cúng lúa mới, lễ hội Cồng chiêng, lễ hội đâm trâu. Mâu thuẫn giữa hai họ đạo Cao Đài ở Chơn Thành và Cao Đài ở Lộc Ninh tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện một số tà đạo như: Thanh Hải vô thượng sư, Pháp luân công, Thiên Nhơn, Nhất quán đạo... có xu hướng phát triển ở các xã, thôn, ấp vùng sâu.


NHỮNG BẤT CẬP TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ
NHÀ NƯỚC VỀ TÔN GIÁO

Từ tình hình thực tế đã nêu, vấn đề đặt ra đối với chính quyền các cấp trong cả nước và ở Bình Phước nói riêng là quản lý hoạt động tôn giáo như thế nào để vừa bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, vừa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Thực tế cho thấy công tác quản lý nhà nước về tôn giáo hiện nay đang có những bất cập. Về tổ chức bộ máy, việc sáp nhập cơ quan tôn giáo vào cơ quan nội vụ - dù đã qua một thời gian, vẫn khiến nhiều người hiểu rằng, sự quan tâm đầu tư của Nhà nước đối với lĩnh vực này đang giảm dần. Rõ ràng, từ một cơ quan tương đương một sở thành cơ quan tương đương một phòng trực thuộc sở, những suy nghĩ như thế cũng là dễ hiểu.

Ông Nguyễn Hữu Tư, Phó giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh cho biết: Hiện phụ cấp của cán bộ tôn giáo cấp tỉnh, huyện, xã ở Bình Phước tương đương 0,6, 0,5 và 0,4 mức lương cơ bản (Đà Nẵng, Nghệ An là 1,0). Thu nhập của cán bộ tôn giáo cấp xã hiện là 1,27 triệu đồng/tháng. Thu nhập thấp nhưng tính chất công việc phức tạp, lại thường phải làm việc trong những ngày nghỉ, lễ (vì các lễ hội tôn giáo thường diễn ra trong ngày nghỉ, lễ) nên nhiều người làm được thời gian ngắn rồi bỏ việc. 9 tháng của năm 2011 đã có 31 người nghỉ việc hoặc chuyển sang làm việc khác và từ đầu năm 2013 đến nay đã có 14 cán bộ tôn giáo cấp xã nghỉ việc.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Tư, cán bộ tôn giáo dù là cấp tỉnh hay cấp huyện, xã cũng chỉ qua một khóa bồi dưỡng nghiệp vụ 6 tháng và hằng năm được bồi dưỡng “nhắc lại” từ 1 tuần đến 10 ngày.

Thời điểm hiện tại, Ban Tôn giáo tỉnh có 14 cán bộ phụ trách công tác tôn giáo với 3 phòng ban, trong đó chỉ có 6 chuyên viên thuộc 2 phòng nghiệp vụ. Từ khi nhập vào cơ quan nội vụ, ở cấp tỉnh vẫn còn “dễ thở” bởi có tài khoản và con dấu riêng. Còn ở cấp huyện, bộ phận tôn giáo có 1 phó phòng phụ trách và 1 chuyên viên. Nhưng có huyện chỉ có 1 phó phòng phụ trách, không có chuyên viên. Có huyện bố trí cán bộ dự án sang làm công tác tôn giáo.  Từ khi nhập với Phòng nội vụ, kinh phí hoạt động được cấp chung với các hoạt động khác trong Phòng nội vụ, trong khi hoạt động tôn giáo là hoạt động đặc thù. Theo quy định, mỗi xã có 1 cán bộ phụ trách tôn giáo, nhưng hiện toàn tỉnh chỉ có 103 cán bộ tôn giáo/111 xã, phường, thị trấn. Hầu hết chưa được đào tạo và thiếu kinh nghiệm nên không tham mưu được với lãnh đạo địa phương trong giải quyết các vấn đề về tôn giáo.

Một điều bất cập nữa là hệ thống quản lý nhà nước về tôn giáo đã trải rộng từ trung ương đến địa phương, nhưng cả nước chưa có trường hoặc khoa đào tạo cán bộ làm công tác tôn giáo. Những cán bộ lãnh đạo cơ quan tôn giáo từ cấp tỉnh đến cấp huyện chưa được đào tạo bài bản, nếu có cũng chỉ là đào tạo cao cấp, cử nhân chính trị hoặc các chuyên ngành thuộc lĩnh vực khoa học - xã hội. Trong khi đó, những người đứng đầu các cơ sở tôn giáo thường được trang bị rất kỹ về lý luận cơ bản. Không chỉ hiểu biết nhiều lĩnh vực, nhất là tâm lý con người, họ còn tạo được sự thu hút từ ngoại hình, giọng nói. Vì thế, không riêng gì ở Bình Phước đã phổ biến tình trạng người làm công tác tôn giáo nhưng lại ngại tiếp xúc với những người đứng đầu cơ sở tôn giáo. Có nơi, vì khó quản lý nên kìm hãm nhu cầu hoạt động tôn giáo chính đáng của người dân hoặc ngược lại là làm ngơ khi có những biểu hiện hoạt động tôn giáo không đúng quy định của pháp luật. Trong khi các thế lực phản động, những kẻ cơ hội chính trị thì chỉ rình chờ những cái cớ rất nhỏ trong lĩnh vực tôn giáo để thực hiện ý đồ chính trị là chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Là một hình thái ý thức xã hội đặc biệt, mỗi tôn giáo ngay từ khi ra đời đã chứa đựng mục đích tốt đẹp là mang lại sự công bằng, bác ái, hướng thiện cho con người, là nơi để con người gửi gắm niềm tin mang tính thiêng. Tôn giáo vừa giúp con người điều chỉnh hành vi, vừa có khả năng gắn kết cộng đồng và chuyển giao văn hóa. Tuy nhiên, những chức năng tốt đẹp ấy của tôn giáo đã và đang bị những kẻ cơ hội lợi dụng, biến thành những hoạt động gây khó khăn, bất ổn cho chính quyền các cấp. Bởi thế, hơn lúc nào hết, sự thận trọng, kỹ càng trong xử lý các vụ việc có yếu tố tôn giáo cần được chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm, lưu ý.

Linh Tâm

  • Từ khóa
9016

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu