Thứ 7, 20/04/2024 21:24:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:33, 12/08/2014 GMT+7

Những bất cập trong một dự luật

Thứ 3, 12/08/2014 | 10:33:00 130 lượt xem
BP - Dự thảo Luật Căn cước công dân đã được Bộ Công an công bố để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Luật này quy định về căn cước công dân và cơ sở dữ liệu căn cước công dân; việc cấp, quản lý, sử dụng giấy tờ về căn cước công dân; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến căn cước công dân; bảo đảm điều kiện cho hoạt động quản lý căn cước công dân.

Theo dự thảo luật thì mỗi công dân ngay sau khi sinh ra sẽ được cấp thẻ căn cước và thẻ này sẽ thay cho giấy khai sinh, giấy chứng minh nhân dân với số định danh gồm 12 chữ số. Theo đánh giá của Bộ Công an, khi dự luật này được thông qua sẽ là một sự cải cách lớn về thủ tục hành chính, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân. Vì theo dự thảo luật thì thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng nhận về căn cước, số định danh cá nhân, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc, quê quán, nơi đăng ký thường trú, quốc tịch... của người được cấp thẻ trong các giao dịch có liên quan trên lãnh thổ của Việt Nam. Và đây là một sự tiến bộ trong công tác quản lý hành chính.

Tuy nhiên, ngay sau khi dự thảo luật này được công bố, dư luận xã hội đã nảy sinh không ít ý kiến trái chiều, thậm chí là không đồng tình, vì nội dung của dự luật còn quá nhiều điều bất cập, nhiều vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng. Thứ nhất là khi có Luật Căn cước công dân thì sẽ loại bỏ bao nhiêu giấy tờ và còn tồn tại bao nhiêu giấy tờ liên quan đến cá nhân. Và đến nay, cơ quan soạn thảo là Bộ Công an vẫn chưa đưa ra câu trả lời thỏa đáng.

Thứ hai là việc thay thế một số loại giấy tờ cá nhân bằng thẻ căn cước vào lúc này là không hợp lý vì ngân sách nhà nước và người dân sẽ phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để làm khoảng trên 21 triệu thẻ căn cước công dân cho toàn bộ số người dưới 15 tuổi (chiếm 24% dân số) để cất giữ, không sử dụng vào việc quan hệ giao dịch gì mang tính phổ biến trong cuộc sống. Chưa kể khi dự luật được thông qua thì tất cả các bộ, ban, ngành ở trung ương; các sở, ngành, tổ chức đoàn thể và UBND các cấp ở địa phương sẽ phải thay đổi toàn bộ hồ sơ, lý lịch và những giấy tờ đã in sẵn để thay từ chứng minh nhân dân thành căn cước công dân... sẽ rất tốn kém. Cùng với đó là các văn bản, giấy tờ lưu trữ rồi đây sẽ lẫn lộn, trùng lắp, trong khi bản chất giữa căn cước công dân và chứng minh nhân dân vẫn không có gì thay đổi.

Thứ ba là việc cấp thẻ căn cước công dân sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian bao lâu thì xong? Việc thực hiện đồng bộ và hợp nhất các loại giấy tờ chứng minh khác sẽ mang lại hiệu quả chính trị, kinh tế, xã hội như thế nào... Đến nay chưa cơ quan nào thẩm định được. Vì thế, việc này trước hết sẽ tác động tiêu cực không nhỏ đối với đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất - kinh doanh và tính an toàn pháp lý của công dân. Và đã có người cho rằng với những bất cập trên giống như chúng ta đang bàn chuyện đập bỏ ngôi nhà cũ, rồi xây nhà mới khi không biết được thiết kế của ngôi nhà mới ra sao, tiền xây dựng lấy ở đâu, người thầu xây dựng có năng lực thi công hay không và ngôi nhà mới liệu có tốt hơn nhà cũ?

Và một khi những bất cập cũng như những câu hỏi nêu trên chưa có lời giải thỏa đáng thì việc bàn thảo về luật này vào thời điểm hiện nay là chưa cần thiết.

N.V

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu