Thứ 4, 24/04/2024 12:31:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:54, 18/09/2018 GMT+7

Những câu hỏi khó trả lời

Thứ 3, 18/09/2018 | 08:54:00 297 lượt xem
BP - Ngày cuối tuần, tôi gọi cô em đang dạy môn Toán tại một trường THPT ở thị xã Đồng Xoài cùng mấy bạn trẻ trong ngành giáo dục đi cà phê. Đang vui, vừa nghe hỏi vào năm học mới hứng khởi chứ? Gương mặt em chợt buồn. Em bảo mấy năm gần đây, cứ vào năm học là em lại căng thẳng chị ạ. Hỏi sao lại thế, em lặng lẽ khoắng cà phê rồi nói: Vài lần gặp “tai nạn nghề nghiệp”, giờ thấy nản quá chị ơi.

Cả buổi sáng, câu chuyện trong quán cà phê chỉ xoay quanh những vấn đề liên quan đến giáo dục đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Đó là sự xuống cấp của đạo đức học đường, cả ở thầy cô và học sinh, phụ huynh. Em kể mấy năm học trước, có một nữ sinh lớp 10 hay cúp tiết đi chơi. Nhiều hôm em này cáo mệt, xuống phòng y tế của trường nằm một lúc rồi xách cặp ra về. Nhưng vừa ra tới cổng trường cô bé đã lên xe một thanh niên đang đứng chờ. Là giáo viên chủ nhiệm, vài lần em gọi điện trao đổi với phụ huynh về tình trạng của nữ sinh này nhưng không được hồi âm. Buổi họp phụ huynh cuối học kỳ I, em nêu câu chuyện trước cuộc họp, cũng là để nhắc nhở những phụ huynh khác quan tâm hơn tới con cái. Không ngờ mẹ của cô bé sừng sộ chỉ mặt em và quát: Ai cho phép cô sỉ nhục con gái tôi, sỉ nhục gia đình tôi? Cô có bằng chứng gì mà dám nói xấu con tôi? Tôi sẽ kiện cô ra tòa! Ban giám hiệu phải hòa giải, vị phụ huynh nọ mới “cho tha”.

Một cô giáo THCS góp chuyện: Nhiều lần phải chảy nước mắt trước những đòi hỏi quá đáng của phụ huynh chị ạ. Rồi cô kể: Có vị phụ huynh là chủ một cơ sở kinh doanh. Con trai của vị này học rất kém các môn tự nhiên. Có lần vị phụ huynh này đến tận nhà thuyết phục cô dạy kèm các môn tự nhiên cho con mình nhưng cô không nhận lời, bảo trường cấm dạy thêm tại nhà nhưng có tổ chức dạy thêm tại trường để bồi dưỡng cho những em học yếu. Nhưng vị phụ huynh này muốn con mình được kèm riêng. Thuyết phục hồi lâu không được, anh ta nổi khùng, bảo muốn “tạo điều kiện” để cô có thêm thu nhập nên mới đặt vấn đề, chứ chỉ cần bỏ tiền ra là vài “đứa” muốn nhận dạy thêm liền! Cô nén giận rồi từ tốn trả lời: Tôi hiểu vì sao con anh học kém rồi. Người ta phải trân trọng mời “thầy”, mời “cô” dạy cho con mình, anh lại đi kêu “vài đứa” dạy cho con nên kết quả mới thế! Vị phụ huynh nọ ra khỏi nhà là cô khóc như mưa. Bảo nếu không tiếc mấy năm đèn sách và truyền thống gia đình nhà giáo thì cô đã xin nghỉ dạy rồi.

Một người nhắc lại chuyện cô giáo ở Trường THPT Long Thới, Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh suốt 3 tháng không giảng bài vì sợ học sinh ghi âm tiết học để tung lên mạng. Chỉ đến khi báo chí đưa tin, cơ quan chuyên môn vào cuộc tìm hiểu thì mới biết cô giáo này từng bị kỷ luật một lần, bị stress nặng nề và luôn lo sợ. Sự lo sợ quá mức khiến cô bị áp lực nên không giảng bài, mặc kệ học sinh. Rồi chuyện một cô giáo dạy tiểu học ở Lâm Đồng bị phụ huynh ép phải quỳ xin lỗi ngay tại lớp học, trước bao nhiêu con mắt học trò chỉ vì đã phạt quỳ con của họ khiến một vài người phải đỏ mắt.

Một câu hỏi mà nhiều người cùng hỏi là công đoàn ở đâu, ban giám hiệu ở đâu khi cô giáo bị ép quỳ trước bao con mắt học trò? Việc cô giáo không giảng bài suốt 3 tháng trời - tất nhiên là sai, thế nhưng phụ huynh, học sinh, dư luận đã làm gì để các thầy, cô sợ hãi đến mức phải “tự bảo vệ mình” bằng cách tiêu cực ấy!?

Nguyên Thủy

  • Từ khóa
108956

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu