Thứ 6, 29/03/2024 14:08:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 10:27, 09/10/2014 GMT+7

Những bất cập trong Luật Nhà ở

Thứ 5, 09/10/2014 | 10:27:00 4,170 lượt xem
BP - Ngày 29-11-2005, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở. Sau gần 8 năm đi vào cuộc sống, Luật Nhà ở đã giải quyết cơ bản được nhu cầu về nhà ở của người dân, đặc biệt là việc hỗ trợ cải thiện nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người thu nhập thấp, người nghèo khó khăn về nhà ở, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước, từng bước đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì Luật Nhà ở cũng đã xuất hiện nhiều tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực thi.

Nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp, hộ nghèo gặp khó khăn nhưng lại dư thừa nhà ở cao cấp. Trong ảnh: Người dân thị xã Đồng Xoài xây nhà ở - Ảnh: B.L

Thứ nhất là Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định về việc các địa phương phải lập chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở. Đặc biệt là phải xác định rõ quỹ đất khi phê duyệt quy hoạch xây dựng và có kế hoạch huy động các nguồn lực cho phát triển đối với từng loại nhà ở. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phát triển nhà ở tràn lan, không theo quy hoạch, không có kế hoạch, làm mất cân đối cung - cầu về nhà ở, thiếu nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp, hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhưng lại dư thừa nhà ở cao cấp.

Thứ hai là Luật Nhà ở 2005 chưa cụ thể hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong việc phát triển nhà ở. Luật mới chủ yếu quy định về phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường mà chưa quy định rõ các cơ chế, chính sách, cũng như trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc phát triển nhà ở xã hội. Vì vậy, trong thời gian qua, các doanh nghiệp chỉ chú trọng đến phát triển nhà ở thương mại, trong khi đó tại nhiều địa phương thì chính quyền lại chưa quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến nhiều đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, người thu nhập thấp không tiếp cận được nhà ở  theo cơ chế thị trường.

Thứ ba là Luật Nhà ở hiện hành chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể và đủ mạnh để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, đặc biệt là tại các đô thị lớn có nhu cầu cao về nhà ở để đáp ứng các điều kiện và khả năng chi trả của người dân. Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp chỉ chú trọng đến việc đầu tư xây dựng nhà ở để bán nhằm thu hồi vốn nhanh, trong khi xu hướng hiện nay là cần phải xây dựng nhiều quỹ nhà ở để cho thuê cho phù hợp với điều kiện và khả năng chi trả của người dân có nhu cầu...

Thứ tư là việc đầu tư xây dựng nhà ở cần có một lượng vốn lớn, dài hạn và phải huy động thông qua nhiều kênh khác nhau, nhưng quy định về việc huy động tài chính cho đầu tư phát triển nhà được quy định trong Luật Nhà ở hiện hành vẫn còn sơ sài. Cụ thể là luật chưa có quy định rõ về các định chế tài chính tham gia hỗ trợ vốn cho phát triển nhà ở, đặc biệt là hỗ trợ cho người thu nhập thấp, hộ nghèo vay để mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội hoặc cho các doanh nghiệp vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Do đó, việc huy động vốn cho việc phát triển nhà ở còn gặp nhiều khó khăn và chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các tổ chức tín dụng thương mại. Và khi tổ chức tín dụng thắt chặt việc cho vay thì doanh nghiệp phát triển nhà ở đã gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn đầu tư.

Thứ năm là Luật Nhà ở hiện hành quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở chưa chặt chẽ, chưa hợp lý và không bảo đảm các quyền lợi của các chủ sở hữu nhà ở khi thực hiện các quyền của mình đối với nhà ở. Thậm chí có nhiều trường hợp đã hoàn thành việc mua bán nhà ở nhưng không thể chuyển nhượng cho người khác do chưa có quyền sở hữu, không đủ điều kiện được chuyển nhượng. Đồng thời, Luật Nhà ở chưa có quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư, trong khi nhà chung cư lại có thời hạn sử dụng theo phân cấp công trình. Luật Nhà cũng ở chưa điều chỉnh đầy đủ các vấn đề trong quản lý, sử dụng nhà chung cư, nhất là các chung cư cao tầng, có mục đích sử dụng hỗn hợp hoặc có quy định nhưng còn mang tính nguyên tắc và sơ sài nên khi phát sinh những vướng mắc, tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình sử dụng loại nhà ở này, nhất là các tranh chấp về quyền sở hữu chung, quyền sở hữu riêng, về xác định giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư, về nghĩa vụ đóng góp và quản lý kinh phí bảo trì nhà chung cư... thì cơ quan chức năng đã không có đủ cơ sở pháp lý để giải quyết.

Thứ sáu là Luật Nhà ở hiện nay chưa có quy định về việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin về nhà ở. Vì vậy, hiện nay Nhà nước chưa có hệ thống số liệu tin cậy và cập nhật đầy đủ về tình hình phát triển, quản lý nhà ở của từng địa phương cũng như trên cả nước, gây khó khăn cho việc hoạch định chính sách, xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển và phân bổ các nguồn lực hợp lý cho phát triển nhà ở trong từng giai đoạn. Đối với các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh nhà ở thì không có đủ các thông tin cần thiết, dẫn đến việc đầu tư kinh doanh sản phẩm không phù hợp với nhu cầu của thị trường. 

Thứ bảy là quy định về việc mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, đặc biệt là quy định về đối tượng, điều kiện được sở hữu và các quyền của chủ sở hữu là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong Luật Nhà ở năm 2005 và các văn bản sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này chưa khuyến khích được bà con kiều bào cũng như tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Từ đó hạn chế việc thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhà ở là tài sản quan trọng, có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội như quy hoạch, đất đai, tài chính, đầu tư... và có liên quan đến nhiều chủ thể như chính quyền, các doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, việc sớm sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở là rất cần thiết. 

Hoàng Kim

  • Từ khóa
25607

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu