Thứ 6, 19/04/2024 13:04:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:16, 28/06/2012 GMT+7

Những con số “có cánh”!?

Thứ 5, 28/06/2012 | 09:16:00 123 lượt xem

Bộ Giáo dục - Đào tạo đã chính thức công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Theo đó, có 98,97% thí sinh dự thi đậu tốt nghiệp. Con số này làm hài lòng nhiều người, đặc biệt là cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh.

Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, với thực lực của học sinh hiện nay, nếu ngành giáo dục xiết chặt khâu coi thi thì kết quả đậu tốt nghiệp chắc chắn sẽ không cao “ngất ngưởng” đến vậy. Ngay khi kết thúc kỳ thi, trên mạng internet đã xuất hiện clip của một thí sinh quay cảnh sử dụng phao thi tràn lan tại Hội đồng thi trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang).

Xem xong clip, có người đã thở dài “thi cử thế này thì tỷ lệ đậu tốt nghiệp cao là chuyện bình thường, còn đậu thấp mới là chuyện lạ”! Tình trạng quay cóp, gian lận trong thi cử trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Phải chăng ngành giáo dục chưa “chịu khó” uống thuốc để chữa trị căn bệnh thành tích? Không ít học sinh nhờ quay cóp mà đạt điểm cao, đặc biệt là các môn xã hội. Nhưng khi thi đại học, cao đẳng thì chỉ còn nước cắn bút ngồi nhìn hoặc “viết hươu, viết vượn” cho... hết giờ. Đơn giản vì kỷ luật phòng thi được xiết chặt.

Còn nhớ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2006, công tác coi thi được thực hiện nghiêm túc nên tỷ lệ đậu tốt nghiệp bình quân cả nước chỉ đạt 66,72%. Nhưng cũng bắt đầu từ đó, rất nhiều ý kiến cho rằng chúng ta quá khắt khe với các em. Thay vì “bóp” thì nên “nương tay” để các em có được tấm bằng tốt nghiệp THPT làm cơ sở để đi học nghề hoặc xin việc làm nếu không may “rớt” đại học. Ngành giáo dục “đồng tình” với quan điểm đó. Vì vậy, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT dần tăng trở lại và đạt kỷ lục như năm nay.

Năm 2012, với 99,56% thí sinh đậu tốt nghiệp, Bình Phước được đánh giá là địa phương có tỷ lệ đậu cao. Nhưng liệu con số này có phản ánh đúng chất lượng của học sinh vì thực lực nhiều em còn rất “khiêm tốn”. Chuyện học sinh lớp 12 viết sai chính tả; kiến thức lịch sử, địa lý “tơ-lơ-mơ”, ngoại ngữ thì “botay.com”... hầu như nơi nào cũng có. Những con số thống kê có thể trở thành sự “dối trá” nếu không phản ánh đúng hiện thực khách quan. Đồng thời, từ đây sẽ tạo ra hệ lụy cực kỳ nguy hiểm khi “chủ nhân” của nó mải mê bay cao trên chín tầng mây với thành tích “ảo”. Với lương tâm và trách nhiệm của mình, đội ngũ cán bộ quản lý và các nhà giáo cần nghiêm túc “nói không” với bệnh thành tích trong giáo dục, thi cử. Đó là sứ mệnh thiêng liêng đối với sự nghiệp “trồng người”.

Chính Trực

  • Từ khóa
108322

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu