Thứ 5, 25/04/2024 01:45:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:53, 26/05/2014 GMT+7

Những cựu chiến binh tỷ phú

Thứ 2, 26/05/2014 | 13:53:00 2,585 lượt xem

Những người lính trở về từ chiến trường, không vốn, không đất sản xuất nhưng họ đã khắc phục khó khăn, cần mẫn lao động và thu được thành quả rất đáng tự hào.

Làm theo Bác không chỉ là những việc “đao to búa lớn”


Ông Trần Văn Hùng

Ông Trần Văn Hùng sinh ra và lớn lên ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Năm 1986, ông tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Hoàn thành nghĩa vụ, năm 1990 ông trở về địa phương, cùng gia đình lên Đồng Phú (nay thuộc khu phố Tân Tiến, phường Tân Xuân, TX. Đồng Xoài) lập nghiệp.

Những ngày đầu đến vùng đất mới, gia đình ông gặp không ít khó khăn. Nhớ lại thời gian cả gia đình không đất sản xuất, phải làm thuê, ăn củ mì thay cơm, ông Hùng không khỏi ngậm ngùi. Sau nhiều năm cần cù lao động, gia đình ông đã mua được 7 ha đất trồng cao su và sắm máy cày. Ông tự học qua sách, báo về kỹ thuật trồng và chăm sóc cao su. Nhờ đó vườn cao su của gia đình ông luôn xanh tốt, ít sâu bệnh và cho năng suất cao. Năm 2001, ông Hùng mở cửa hàng bán thiết bị điện. Đến nay, gia đình ông đã tạo dựng một cơ ngơi khang trang, thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

 Ông còn được nhiều người biết đến bởi sự cần cù, chịu khó và là nhà hảo tâm của nhiều mảnh đời kém may mắn. Hàng tháng, ông cùng hội viên cựu chiến binh phường Tân Xuân nuôi heo đất tiết kiệm. Số tiền này được hội dùng sửa nhà, giúp các đồng đội khó khăn. Để người dân trong khu phố có nơi hội họp, ông góp tiền xây nhà văn hóa, ủng hộ kinh phí sửa đường. Đại lý gạo của gia đình ông Hùng là địa chỉ quen thuộc khi hàng tháng hỗ trợ gạo cho nhiều hộ khó khăn, hộ nghèo trong khu phố... “Làm theo Bác không chỉ là những việc “đao to búa lớn” mà trước hết là những việc cụ thể, thiết thực hàng ngày” - ông Hùng chia sẻ.

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, cựu chiến binh Trần Văn Hùng đã được các cấp, hội tặng nhiều giấy khen: “Người có tấm lòng vàng”, “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi”...

Có gan làm giàu


Ông Hồ Trung Tân

Căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi được xây dựng nhờ sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ dám làm của cựu chiến binh Hồ Trung Tần (62 tuổi) ở thôn Phú Hưng, xã Phú Riềng (Bù Gia Mập). Từ chiến trường trở về, ông Tần mang thương tật 60%. 5 cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng ở nhiều huyện trong tỉnh với doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm là một kỳ tích đối với một thương binh như ông.

Ông Tần kể: “Năm 1972, tôi tham gia chiến dịch ở thành cổ Quảng Trị, sau đó tiếp tục tham gia Chiến dịch mùa xuân năm 1975. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi trở về Quỳnh Lưu (Nghệ An) lập gia đình. Năm 1984, tôi đưa gia đình vào Nam làm kinh tế mới. Không đất sản xuất, 3 đứa con đang tuổi ăn học nên kinh tế gia đình luôn thiếu trước hụt sau. Ngày đó, tôi xin vào làm cán bộ đời sống tại Công ty cao su Phú Riềng, nhưng sức khỏe yếu nên xin nghỉ sớm. Với số tiền dành dụm ít ỏi, vay mượn thêm người thân, tôi mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng. Ban đầu ít vốn nên chỉ mở một cửa hàng nhỏ với vài mặt hàng như: Gạch, cát, xi măng. Thiếu vốn nhưng vẫn phải bán chịu để giữ khách. Tôi tiếp tục vay mượn thêm, mua chịu từ đại lý về bán lại. Cứ thế rồi có vốn xoay vòng. Không gan thì không thể làm giàu”.

Hiện 5 cơ sở của gia đình ông Tần đang tạo việc làm thường xuyên cho trên 60 lao động với thu nhập bình quân 3-6 triệu đồng/người/tháng. Ông Tần còn là “nhà tài trợ” quen thuộc của nhiều hoạt động, như: Trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó vào đầu năm học, xây nhà tình nghĩa giúp đồng khó khăn, hỗ trợ vốn vay, trao đổi kinh nghiệm trong kinh doanh, giúp bằng hình thức bán chịu vật liệu xây dựng không tính lãi...   

 Ngân Hà

  • Từ khóa
1799

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu