Thứ 6, 29/03/2024 05:34:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 15:39, 14/04/2015 GMT+7

Những điểm mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (Phần 1)

Thứ 3, 14/04/2015 | 15:39:00 6,251 lượt xem
BPO - Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24-11-2014. Luật này có hiệu lực từ ngày 1-4-2015 (trừ khoản 1 Điều 4, Điều 24, Điều 34, điểm b khoản 1 Điều 38, Điều 41, khoản 1 Điều 45, Điều 46, khoản 4 Điều 51, khoản 3 Điều 55, khoản 3 Điều 58, Điều 67, khoản 4 Điều 68, khoản 1 Điều 69, Điều 70, Điều 71, Điều 72, Điều 73, khoản 2 Điều 95 có hiệu lực thi hành từ 1-2-2015) và thay thế Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2002. So với những quy định trước đây, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 có những điểm mới như sau:

* Thêm tổ chức TAND và nguyên tắc bảo đảm tranh tụng:

Theo quy định trong luật mới, tổ chức Tòa án nhân dân gồm có: Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương và Tòa án quân sự.

So với Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2002, Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014 đã bổ sung thêm hình thức Tòa án nhân dân cấp cao (Điêu 3).

Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử. Việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xứ theo quy định của luật tố tụng (Điều 13). 

* Trách nhiệm chứng minh tội phạm tổ chức của TAND tối cao

Trách nhiệm chứng minh tội phạm và bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự: Luật khẳng định người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm (Điều 14). 

Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân gồm: Hội đổng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Bộ máy giúp việc; Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng (Điều 21).

* Số lượng thành viên của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao:

Số lượng thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không dưới 13 người và không quá 17 người (Khoản 1 Điều 22).

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được quyền thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và dự thảo văn bản pháp luật giữa Tòa án nhân dân tối cao với cơ quan có liên quan theo quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật (Điểm e Khoản 2 Điều 22). 

Luật mới cũng khẳng định quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cao nhất. Theo đó, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị (Khoản 4 Điều 22). 

* Hội đồng Thẩm phán và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của TAND tối cao:

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 05 Thẩm phán hoặc toàn thể Thẩm phánTòa án nhân dân tối cao. Việc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 05 Thẩm phán hoặc toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được thực hiện theo quy định của luật tố tụng (Điều 23).

Quy định về cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Tòa án nhân dân tối cao: Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ đào tạo; bồi dưỡng Thẩm phán, Hội thẩm, các chức danh khác của Tòa án nhân dân. Việc thành lập cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Tòa án nhân dân tối cao được thực hiện theo quy định của luật (Điều 25).  

* Thêm nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án TAND tối cao:

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có thêm những nhiệm vụ, quyền hạn sau: Chỉ đạo việc tổng kết thực tiễn xét xử, xây dựng và ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, tổng kết phát triển án lệ, công bố án lệ.

Ban hành hoặc phối hợp ban hành văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền theo Luật ban hành văn bản pháp luật. Trình Quốc hội phê chuẩn việc đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Thẩm phán các Tòa án khác.

Quyết định luân chuyển, điều động, biệt phái Thẩm phán, trừ Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; Tòa án quân sự quân khu và tương đương; Tòa án quân sự khu vực; quy định về phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân cấp cao và thành lập các Tòa chuyên trách khác của Tòa án nhân dân khi xét thấy cần thiết.

Quyết định việc tổ chức Tòa chuyên trách theo quy định; Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Luật này; Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật tố tụng; giải quyết những việc khác theo quy định của pháp luật (Điều 27).

(Còn nữa)

Phượng Hoa
(tổng hợp)

  • Từ khóa
22483

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu