Thứ 5, 28/03/2024 23:00:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 12:26, 04/10/2014 GMT+7

Những điểm mới trong Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 - Bài 1

Thứ 7, 04/10/2014 | 12:26:00 3,524 lượt xem
BPO - Luật Hôn nhân và Gia đình được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19-6-2014. Luật này chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015 và thay thế cho Luật Hôn nhân và Gia đình 2000. So với Luật 2000 thì Luật 2014 có những điểm mới và dưới đây xin giới thiệu cùng bạn đọc và những điểm mới này:

* Về bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình:

Nội dung này được quy định tại Điều V của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và trong đó đã bổ sung các hành vi cấm sau: Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính. Lợi dụng việc thực hiện quyền hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi. Đồng thời bổ sung quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư và các quyền riêng tư khác của các bên được tôn trọng, bảo vệ trong quá trình giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình.

Về điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 8 và điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều Điều 9 và 10 Luật 2000. Theo đó, độ tuổi kết hôn đối với nữ là từ đủ 18 tuổi (Luật 2000 là từ 18 tuổi), nam là từ đủ 20 tuổi (Luật 2000 là từ 20 tuổi). Đồng thời, Luật 2000 cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, Luật 2014 sửa đổi thành: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.

Về đăng ký kết hôn quy định ở Điều 9 và điều này được sửa đổi, bổ sung theo hướng ngắn gọn lại và bỏ nội dung “Chính phủ quy định việc đăng ký kết hôn ở vùng sâu, vùng xa”. Như vậy, việc đăng ký kết được thống nhất trên toàn quốc.

Về người có quyền yêu cầu việc hủy kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 9. Theo đó, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình yêu cầu toà án hoặc đề nghị viện kiểm sát yêu cầu tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật được bổ sung thêm: Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình. Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em. “Thay thế” cho Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

* Xử lý việc kết hôn trái pháp luật

Theo đó, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định chi tiết và rõ ràng hơn Luật 2000. Đồng thời bổ sung một khoản: “Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ tư pháp phối hợp thực hiện điều này”. Như vậy, Chính phủ sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết về nội dung này.

Về hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật, quy định này được chỉnh sửa về mặt hình thức câu chữ. Ngoài việc, quy định giải quyết quyền lợi của các con thì Luật 2014 còn quy định “giải quyết quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con”.

Về xử lý việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền được quy định tại Điều 13 và đây là điều luật mới. Điều 13 quy định như sau: Trong trường hợp việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền thì khi có yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận kết hôn theo quy định của pháp luật về hộ tịch và yêu cầu hai bên thực hiện lại việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ ngày đăng ký kết hôn trước.

Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn cũng là điều luật mới. Điều 14 quy định như sau: Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.

* Quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng:

Việc giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Đây là điều luật mới - Điều 16 với nội dung như sau: Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

Bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng được quy định tại Điều 17 và điều này được bổ sung nội dung: “trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan”.

Về bảo vệ quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng được quy định tại Điều 18 và đây cũng là điều mới, với quy định như sau: Quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan được tôn trọng và bảo vệ.

Về tình nghĩa vợ chồng - Điều 19 và được sửa đổi, bổ sung nội dung sau: “Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác”.

LG

  • Từ khóa
25552

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu