Thứ 7, 20/04/2024 15:35:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:52, 30/01/2019 GMT+7

Những điển hình “Nói lời hay, làm việc tốt”

Thứ 4, 30/01/2019 | 15:52:00 1,858 lượt xem
BP - 2 năm qua, phong trào “Phụ nữ Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” đã tạo ra làn sóng thi đua trong các cấp hội phụ nữ tỉnh. Thông qua những việc làm cụ thể trong đời sống hằng ngày, nhiều điển hình phụ nữ đã thể hiện rõ việc học và làm theo Bác. Sự nỗ lực vươn lên của mỗi chị em đã góp phần xây dựng phong trào phụ nữ, tổ chức hội ngày càng vững mạnh.

Thành tỷ phú nhờ... yêu gia đình

Cuộc sống hiện tại của chị Huỳnh Thị Xuân Hằng, hội viên phụ nữ ấp 4, xã Đồng Tiến (Đồng Phú) khiến nhiều phụ nữ ao ước. Không chỉ sở hữu cơ ngơi khang trang, gia đình hạnh phúc, con cái trưởng thành, chăm ngoan, hiện chị Hằng còn tìm vui trong thú trồng hoa lan tao nhã. Thế nhưng ít ai biết, để có kết quả ngày hôm nay, chị Hằng đã phải trải qua chặng đường dài nỗ lực. Chị kể: Tôi lấy chồng khá sớm, sinh 2 con rồi vợ chồng quyết định kế hoạch. Để phát triển kinh tế gia đình, chăm lo con cái, vợ chồng tôi đã dốc sức lao động. Bản thân tôi vừa nuôi con vừa cùng chồng chăm sóc vườn rẫy và tranh thủ thời gian làm tạp vụ, lao công để có thêm thu nhập.

Chị Huỳnh Thị Xuân Hằng tại cửa hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của gia đình

Những năm 1993-1994 với chiếc xe đạp đi từ nhà ở ấp 4 đến vườn điều (ấp 2, xã Đồng Tiến), chị Hằng bắt đầu tập buôn bán. Chị bán các mặt hàng bà con cần, từ gói xôi đến chiếc khăn tay, chai nước mắm, bịch xà bông... Nhận thấy bà con có nhu cầu mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc vườn rẫy, chị quyết định mở cửa hàng kinh doanh. Liên tục 15 năm sau khi lập gia đình, chị Hằng chỉ thêm chứ không bớt việc. Ban ngày như con thoi đi về giữa nhà, rẫy, cửa hàng, để rồi đêm xuống, chị tiếp tục làm lao công để có tiền cho con ăn học đầy đủ. Nhớ lại những tháng ngày vất vả đã qua, chị Hằng bùi ngùi cho biết: “Động lực của tôi lúc đó là gia đình. Khi yêu chồng, yêu con, yêu gia đình thì tôi có đủ sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, thử thách”.

Không chỉ yêu gia đình, chị Hằng còn là người yêu lao động, ham học hỏi. Khi đã có “của ăn của để”, nhưng thấy mấy sào đất sau nhà bỏ không, chị lại tìm cách bắt đất phải “nảy lộc”. Chị học tập mô hình trồng quýt ở miền Tây, rồi tìm tòi kiến thức trên mạng, từ bà con nông dân và trồng xen ổi. Không phụ công chị, chỉ mấy sào đất thôi nhưng nhờ “mát tay” nên ổi và quýt thi nhau ra trái, thu hoạch quanh năm, thu về hàng trăm triệu đồng. Gần đây chị lại thực hiện ý tưởng đầu tư trồng lan cắt cành và mở thêm cửa hàng phân bón. Lợi nhuận kinh tế không chỉ để chăm lo gia đình, chị Hằng còn mở rộng tấm lòng chia sẻ với bà con bằng nhiều cách nên được nhân dân yêu mến, khách hàng tin tưởng.

Yêu công việc sẽ thành công

Nhiều năm nay, với vai trò là Phó trưởng ban chuyên trách Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh (gọi tắt là ban), nhận thấy việc cập nhật kiến thức mới chuyên môn cần thiết nên bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Thị Nguyên đã ký hợp đồng với Bệnh viện Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh) triển khai đề án 1816 về hợp đồng chuyển giao công nghệ và đào tạo nhằm nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ, y, bác sĩ. Đồng thời cùng tập thể lãnh đạo ban tạo điều kiện để các bác sĩ tham dự hội thảo khoa học nhằm cập nhật kiến thức mới trong khám, chẩn đoán, điều trị bệnh; động viên y sĩ học bác sĩ liên thông, bản thân bác sĩ Nguyên đang học chuyên khoa cấp 2 tại Học viện Quân y TP. Hồ Chí Minh.

Bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Thị Nguyên (thứ 2 từ trái qua) được khen thưởng tại hội nghị cán bộ, viên chức năm 2019

Hằng năm, ban tổ chức lớp đào tạo, tập huấn cập nhật kiến thức tại chỗ cho bác sĩ không chỉ riêng hệ thống ban mà toàn bộ bác sĩ của tỉnh và áp dụng thực tiễn lâm sàng cho người bệnh. Năm 2016, toàn tỉnh có 99 bác sĩ tham dự khóa học về chuyên đề bệnh tim mạch và bệnh nội tiết, năm 2017 là 171 bác sĩ. Bác sĩ Nguyên cho biết: Những khóa bồi dưỡng không chỉ giúp các bác sĩ nắm bắt được kiến thức mới trong lĩnh vực y học để chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh mà còn giúp y, bác sĩ trau dồi thêm kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, chăm sóc sức khỏe người dân; tuyên truyền nhằm giảm nguy cơ ở các bệnh mãn tính thường gặp, giảm bớt chi phí đi lại cho các bác sĩ phải lên tuyến trên học tập

Để nâng cao chất lượng khám và điều trị, ban chủ động mời các giáo sư, bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Ung Bướu TP. Hồ Chí Minh, bộ môn Lão khoa Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh vừa giảng dạy vừa trực tiếp khám bệnh cho một số đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy (nguyên chức, đương chức). Bản thân bác sĩ Nguyên không ngừng học hỏi, nghiên cứu và được hội đồng sáng kiến tỉnh công nhận sáng kiến cấp tỉnh lần thứ nhất năm 2015 với đề tài “Nghiên cứu mô hình bệnh tật ở bệnh nhân trên và dưới 60 tuổi tại phòng khám và quản lý sức khỏe cán bộ tỉnh”; giấy chứng nhận sáng kiến cấp tỉnh lần thứ 2 năm 2017 về đề tài “Tổ chức lớp đào tạo cập nhật kiến thức tại chỗ cho các bác sĩ trong hệ thống bảo vệ sức khỏe và các bác sĩ trong hệ thống ngành y tế trên toàn tỉnh về bệnh tim mạch, tiểu đường, nội tiết và các bệnh lý cơ xương khớp thường gặp ở người lớn tuổi”. Năm 2018, bác sĩ Nguyên được công nhận sáng kiến cấp cơ sở với đề tài “Tổ chức chuyên đề tư vấn các phương pháp ngăn ngừa, phát hiện sớm và điều trị không dùng thuốc và dùng thuốc đối với 2 bệnh tim mạch và đái tháo đường”. Với thành tích đạt được, nhiều năm liền bác sĩ Đỗ Thị Nguyên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở (2011-2017), chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (2015), bằng khen của UBND tỉnh (2014).

Bác sĩ Nguyên cho rằng, chính tình yêu đối với công việc đã thôi thúc chị hăng say làm việc hiệu quả, sáng tạo, học hỏi để phục vụ công việc. Ước mơ của chị là xây dựng đơn vị trở thành nơi khám, chữa bệnh chất lượng cao chuyên về cận lâm sàng và thực hiện chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh ngày càng tốt hơn để xứng đáng với niềm tin mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó.

Phương Dung

  • Từ khóa
2214

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu