Thứ 5, 02/05/2024 05:07:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 09:25, 20/09/2015 GMT+7

Những điều huyền bí ở Lam Kinh

Chủ nhật, 20/09/2015 | 09:25:00 185 lượt xem
BP - Lần đầu đến Lam Kinh (Thanh Hóa), tôi vô cùng may mắn được gặp người anh họ hiện là Trưởng ban Quản lý khu di tích - anh Trịnh Đình Dương. Nhà anh Dương ở thành phố Thanh Hóa, cách Khu di tích Lam Kinh hơn 50km. Thế nên suốt tuần anh Dương “đóng đô” ở Lam Kinh. Chỉ khi gia đình có việc mới về. Dù rất bận, anh vẫn dành thời gian giới thiệu với tôi một số điểm di tích.

>> Chùm ảnh đẹp về Lam Kinh

Một cái may nữa là dù chỉ đến thăm di tích trong phạm vi gia đình nhưng khi biết tôi từng làm báo ở Thanh Hóa và hiện đang làm báo tại Bình Phước, chị Trình Thị Luận, hướng dẫn viên ở khu di tích đã dành cả buổi sáng nhiệt tình giới thiệu cho tôi cùng các thành viên trong gia đình những giá trị lịch sử đặc sắc của khu di tích. Và trong rất nhiều thông tin bổ ích thu lượm được, xin giới thiệu với bạn đọc về những điều huyền bí chỉ có ở Lam Kinh.

CHUYỆN TÌNH CÂY ĐA THỊ

Cây đa này nằm ngay trên thành nội phía tây - nam của khu di tích, gần đầu hồi Nghi Môn và góc phía tây - nam sân Rồng. Đây là cây có đường kính lớn nhất ở Lam Kinh, cao chừng 50m, cành lá sum suê phủ bóng rợp một góc sân che chắn cho khu Điện Miếu, tạo sự uy linh và vẻ đẹp huyền bí cho khu di tích. Điều đặc biệt ở chỗ gốc đa ôm lấy gốc thị, trở thành một gốc hai ngọn nên người dân địa phương gọi là cây đa thị.

Du khách tận mắt chứng kiên cây ổi cười

Theo truyền ngôn, cây đa thị có độ tuổi khoảng 300 năm, có người nói còn nhiều hơn. Tương truyền 300 năm trước, trên nội thành phía tây - nam khu di tích có một cây thị tươi tốt, chim chóc đến ăn quả thị có mang theo quả đa về ăn làm rơi hạt và mọc lên cây đa. Đa lớn nhanh ôm bao bọc lấy cây thị, quấn quýt xung quanh gốc thị. Nhân dân trong vùng coi đây là điều kỳ lạ và lưu truyền cho đến ngày nay về “chuyện tình” cây đa thị ở Lam Kinh.

Có người ví von cây đa thị là cây phu thê. Cây đa được gọi là phu và cây thị được gọi là thê. Cây đa buông rễ xuống xung quanh cây thị. Những cành đa vươn cao, vươn xa để mỗi khi bão táp hay nắng gắt, cành lá ôm ấp, chở che cho cây thị suốt mấy trăm năm. Đến năm 2007 cây thị chết, chỉ còn mình cây đa, nhưng gốc đa vẫn ôm choàng bao bọc lấy thân cây thị không nỡ lìa xa.

CÂY ỔI CƯỜI

Trước khi đến thăm Khu di tích lịch sử Lam Kinh, tôi đã nghe nhiều người nói về cây ổi biết cười. Mỗi khi có ai lấy móng tay “gãi” nhẹ vào gốc thì toàn thân cây ổi như bị “cù”, cây rung lên, lá cây rung theo như cười với khách. Vì thế, tôi cùng các thành viên trong gia đình rất háo hức. Và khi chị Trình Thị Luận chỉ tay vào cây ổi thì tôi rất ngạc nhiên, bởi thân cây nhỏ nhắn, khẳng khiu bên cạnh mộ vua Lê Thái Tổ. Được biết mùa nào cây cũng sai trĩu quả, quả chín thơm lừng. Khi nghe hướng dẫn viên giới thiệu, tôi vẫn nghi ngờ. Nhưng khi đã “thực mục sở thị” dùng đầu ngón tay gãi nhẹ vào gốc cây thì thấy những chiếc lá nơi đầu nhánh cây rung rinh theo kiểu người ta thường nói bị cù nôn thì có phản ứng như thế. Sự huyền bí về cây ổi cười chưa ai lý giải được. Chỉ biết người dân địa phương cho rằng mảnh đất đặt lăng mộ vua Lê Thái Tổ là nơi linh khí, điểm huyệt quan trọng trong Khu di tích Lam Kinh. Đất linh thiêng nên mới có hiện tượng như vậy. Điều đặc biệt, cây ổi này chỉ ở lăng mộ vua Lê Thái Tổ mới có hiện tượng “cười”, còn khi chiết trồng nơi khác thì không có hiện tượng ấy.

Nguồn gốc cây ổi cười này là do ông Trần Hưng Dẫn, thôn Hành Thiện, Nam Định cung tiến năm 1933 ở lăng mộ vua Lê Thái Tổ để cầu tự con trai. Theo truyền ngôn của các vị cao niên trong làng Cham kể, ông Trần Hưng Dẫn vốn hiếm muộn con nên đã cầu tự trước mộ vua Lê Thái Tổ. Khi sinh được quý tử, ông đã dốc tiền của xây đắp, sửa sang khu lăng mộ thêm khang trang. Ông cùng nhân dân làng Cham và xã Xuân Lam xây dựng đền thờ vua Lê Thái Tổ phía đông nam khu trung tâm di tích lịch sử Lam Kinh, cung tiến 4 tượng voi và 2 cây long não trong khu lăng mộ vua Lê Thái Tổ. Đến nay, dòng tộc này vẫn đang sinh sống ở Hải Phòng và mỗi đời chỉ có một người con trai (gọi là độc đinh).

CÂY LIM HIẾN THÂN
PHỤC DỰNG CHÍNH ĐIỆN LAM KINH

Đến Lam Kinh, du khách không chỉ biết đến giá trị lịch sử, văn hóa mà còn được biết những điều huyền bí ở vùng đất thiêng. Nhìn từ góc độ văn hóa và lịch sử, cổ vật luôn mang trong mình thông điệp gìn giữ cho muôn đời sau. Những cây cổ thụ không chỉ như một bức thông điệp giàu giá trị mà bản thân sự sống xuyên thế kỷ còn mang tính nhân văn, đôi khi nhuốm màu huyền bí và tâm linh. Đó là sự hiến thân của cây lim 600 năm tuổi để phục dựng Chính điện Lam Kinh.

Năm 2010, Lam Kinh có quyết định phục dựng trùng tu tôn tạo 3 tòa chính điện (Quang Đức, Sùng Hiếu, Diên Khánh). Thời điểm ấy, có một cây lim trên chính đất Lam Kinh khoảng 600 năm tuổi đã trút lá dần dần vào tháng 2, đến tháng 8 dương lịch năm 2010 cây lim đã trút lá hoàn toàn. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã xin làm lễ hạ cây. Khi hạ cây xuống thì gốc của cây Lim (phần lõi) có đường kính 90cm trùng khớp với một cột chân tảng trên Chính điện Lam Kinh, một cây cột quân 65cm, một cái xà và 1 gác thượng lương. Gác thượng lương được đặt ở tòa Quang Đức. Gốc lim có đường kính 90cm được đặt ở tòa Diên Khánh, ý muốn kéo dài thịnh trị của vương triều Hậu Lê. Điều đặc biệt, khi hạ cây lim lâu năm như vậy mà thân vẫn đặc ruột không bị rỗng. Đây là sự thể hiện về cái “tâm” muốn hiến thân để phục dựng chính điện.

Người dân nơi đây cho rằng, cây cũng có hồn, cũng có tình, có sự linh thiêng. Ở Lam Kinh đã có những cây “mộc tinh” như thế. Những cây cổ thụ gắn với giai thoại tình sử như cây đa thị, những điều khó lý giải về cây ổi cười hay sự hiến thân của cây lim 600 năm tuổi là những điều huyền bí trên đất Lam Kinh chưa thể giải thích được.

Linh Tâm - Hồng Luận

  • Từ khóa
89686

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu