Thứ 5, 25/04/2024 01:26:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 09:37, 02/08/2015 GMT+7

Những gia đình thương binh kiểu mẫu ở Long Hà

Chủ nhật, 02/08/2015 | 09:37:00 124 lượt xem
BP - Gia đình thương binh Lê Thanh Huề, ngụ thôn Long Xuyên và gia đình thương binh Đặng Đình Đề, ngụ thôn 10, xã Long Hà (Bù Gia Mập) đều là những gia đình thương binh kiểu mẫu, vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng thời, các gia đình tích cực đóng góp cho xã hội.

TÂM HUYẾT VỚI CÔNG TÁC TỪ THIỆN

Nói đến vợ chồng cựu chiến binh Lê Thanh Huề và Trương Thị Quý (cùng 65 tuổi) ở xã Long Hà ai cũng biết. Bởi những năm qua, gia đình ông bà luôn giúp đỡ nhiều hộ nghèo.

Năm 1970, ông Huề nhập ngũ ở chiến trường B2, đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1973, trong một trận chiến quyết liệt với địch ở tỉnh Mỹ Tho cũ, ông bị bắn xuyên phổi, gãy 2 xương sườn và đứt gân tay phải. Năm 1975, ông phục viên về quê với tỷ lệ thương tật 29%. Bà Quý cũng tham gia thanh niên xung phong tại tỉnh Quảng Bình. Sau ngày đất nước thống nhất họ gặp nhau rồi nên duyên vợ chồng. Năm 1985, gia đình ông bà vào Bình Phước lập nghiệp. Dù mang trong mình thương tật nhưng với bản chất siêng năng, cần cù, thuận vợ thuận chồng nên kinh tế gia đình dần khấm khá. Với 13 năm làm Bí thư Chi bộ thôn Long Xuyên, ông Huề đã có nhiều nỗ lực góp phần ổn định an ninh trật tự, đưa kinh tế - xã hội phát triển và trở thành thôn tiêu biểu của xã. Bà Quý cũng tham gia nhiều hoạt động ở các hội, đoàn thể như: Chi hội trưởng phụ nữ, Trưởng ban liên lạc Hội cựu thanh niên xung phong xã... Dù ở cương vị nào, bà cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Vợ chồng ông Lê Thanh Huề và bà Trương Thị Quý

Gia đình ông bà hiện có 2,5 ha cao su và 2 ha điều, trừ chi phí mỗi năm cho thu nhập 200 triệu đồng. Ngoài nuôi 5 người con ăn học thành tài thì những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong thôn đều được ông bà hỗ trợ. Trong 2 năm 2013, 2014, ông bà hỗ trợ 1 bao gạo (25kg)/tháng cho bà Noi, thôn 10; năm 2014 hỗ trợ bà Hà ở thôn 8; đầu 2015, hỗ trợ bà Ung Thanh Vân ở cùng thôn, mỗi tháng 10kg gạo. Ngoài ra, những gia đình không may gặp thiên tai, hoạn nạn đều được ông bà giúp đỡ.

Ông bà sống rất gần gũi, hòa đồng với mọi người, vì thế đều được cán bộ và nhân dân quý mến, thương yêu. Gia đình ông bà nhiều năm liền là gia đình văn hóa tiêu biểu, công dân kiểu mẫu và gia đình cách mạng gương mẫu.

NUÔI 4 CON HỌC ĐẠI HỌC

Ông Đặng Đình Đề (64 tuổi) quê ở huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Khi tròn 18 tuổi, ông lên đường nhập ngũ. Đến tháng 2-1970, ông tham gia chiến đấu tại chiến trường biên giới Việt Nam - Campuchia rồi bị thương, sau đó phục viên ra miền Bắc. Năm 1977, sau khi lấy vợ, ông cùng gia đình vào Bình Phước lập nghiệp. Từ nhân viên kế toán ông đã nỗ lực phấn đấu và giữ chức Giám đốc Nông trường 6 cho đến 2005 thì nghỉ hưu. Ngoài hoàn thành xuất sắc công việc ở cơ quan, ông còn tích góp mua thêm đất, cải thiện kinh tế gia đình. Hiện gia đình ông có 15 ha cao su đang cho thu hoạch.

Vợ chồng ông Đặng Đình Đề và bà Dương Thị Bé

Vợ chồng ông sinh được 4 người con, 1 trai, 3 gái. Không phụ công lao cha, mẹ vất vả, cả 4 người con đều chăm ngoan, học giỏi và đều tốt nghiệp đại học, lập gia đình riêng và đều là cán bộ lãnh đạo ở nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, ngân hàng, kỹ thuật. Đặc biệt, hạnh phúc lớn nhất của gia đình thương binh, đảng viên Đặng Đình Đề là các con và dâu, rể đều là đảng viên.

Gia đình ông Đề cũng được người dân biết đến bởi luôn gương mẫu đi đầu trong các khoản đóng góp ở địa phương và các hội, đoàn thể. Với những nỗ lực đó, nhiều năm liền nhà ông được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu, công dân kiểu mẫu và gia đình cách mạng gương mẫu.                                                

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
91318

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu