Thứ 7, 20/04/2024 00:23:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:11, 30/08/2015 GMT+7

Những hành vi cần được nghiêm trị

Chủ nhật, 30/08/2015 | 14:11:00 91 lượt xem

>> Dược sĩ bỏ thuốc trừ sâu xuống giếng gia đình hàng xóm: Cả nhà thoát chết may mắn

BP - Ngày 24-8, Báo Bình Phước đăng vụ việc dược sĩ Phạm Thị Ngọc Chiến, 35 tuổi, bỏ thuốc trừ sâu xuống giếng hàng xóm là gia đình chị Lê Thị Nga, 29 tuổi thuộc địa bàn phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài. Người dân đều bàng hoàng, sửng sốt khi nghe thông tin việc “thảm sát hụt”. Hầu hết mọi người đều chung suy nghĩ, gia đình chị Nga thoát chết trước cách trả thù độc ác của hàng xóm là quá may mắn!

Nhưng tại cơ quan điều tra Chiến lại cho rằng, vì quá tức giận nên đổ thuốc trừ sâu xuống giếng chỉ với mục đích khiến gia đình nhà hàng xóm không sử dụng được, phải mua nước bên ngoài về rửa xe (làm ăn) nhằm gây thiệt hại kinh tế chứ không có ý định hạ độc hay sát hại (?!). Nhưng với một dược sĩ thì ai cũng hiểu đó chỉ là lời bao biện cho cái tâm đen tối, muốn tước đoạt mạng sống của gia đình hàng xóm. Và dù vì bất kỳ lý do gì cũng đáng bị lên án và chịu sự trừng trị nghiêm minh của pháp luật.

Trước đó ngày 22-8, Báo Bình Phước cũng đăng tải nội dung 1.406 nọc tiêu chết bất thường ở xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh mà người dân nghi ngờ bị kẻ xấu hại hoặc do phân bón không đảm bảo chất lượng khiến lãnh đạo xã phải đề nghị Công an huyện và ngành nông nghiệp vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân.

Nhưng điều đó không chỉ xảy ra ở Bình Phước. Từ đầu năm đến nay, hàng trăm hộ dân trồng tiêu tại huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) cũng phải đối mặt với nạn phá hoại, ép buộc nộp tiền bảo kê để tiêu không bị tàn phá. Riêng xã Đrây Bhăng đã có hàng ngàn trụ tiêu bị đốn hạ. Còn tại xã Ea Bhốk, chỉ tính ngày 5-8 vườn tiêu của 7 hộ đồng loạt bị chặt phá, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Cách Ea Bhốk không xa, tình trạng phá hoại tiêu của người dân xã Ea Ning lại càng khốc liệt hơn.

Dù người dân mắc võng, dựng lều canh vườn suốt đêm, vây rào thép, thậm chí cắm chông, giăng lưới điện cùng những tấm biển ghi dòng chữ: “Không phận sự miễn vào, có điện giật chết người” xuất hiện nhan nhản trên các vườn tiêu ở huyện Cư Kuin thì nạn phá hoại vẫn chưa thuyên giảm.

Những vụ phá hoại tiêu ở Bình Phước hay Đắk Lắk cũng chỉ vì tiêu đang ở thời hoàng kim và nhiều kẻ xấu muốn triệt hạ kinh tế nhằm thỏa mãn ý đồ đen tối như: ghen ăn tức ở hoặc buộc phải thuê “bảo kê”... Các hộ có tiêu chết thiệt hại nặng nề về kinh tế là đương nhiên. Nhưng nghiêm trọng là những dự định, kỳ vọng về sự khấm khá, trả nợ thoát nghèo... của nhiều gia đình chỉ sau một đêm đã tan thành mây khói. Vì tiếc của, mất tiền đầu tư, tuyệt vọng... khiến nhiều người đổ bệnh, hoang mang, thậm chí phát điên! Người dân bất an, nghi ngờ còn vì chưa thể có sự kết luận chính xác từ cơ quan chức năng và cũng chưa có sự răn đe để kẻ xấu phải trả giá và người dân an tâm làm ăn. Với diễn biến này, người dân trồng tiêu như đang ngồi trên đống lửa.

Theo quy luật khách quan thì kinh tế mạnh quyết định nhiều vấn đề khác. Có lẽ hiểu điều đó mà nhiều kẻ xấu đã ra tay vì không muốn người khác... khá hơn mình hoặc vì động cơ đê hèn khác. Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng phát triển kinh tế, có nhiều chính sách quan trọng trong xóa đói giảm nghèo. Vì thế, việc triệt hạ kinh tế của những kẻ ghen ăn tức ở như dược sĩ Chiến hay những kẻ giấu mặt ở Lộc Quang (Bình Phước);  Ea Bhốk, Ea Ning, Đrây Bhăng (Đắk Lắk) đều rất cần cơ quan công an vào cuộc làm rõ, trừng trị thích đáng để cái xấu không thể có thêm cơ hội lộng hành.

Ngọc Tú

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu