Thứ 5, 25/04/2024 08:32:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:14, 24/11/2015 GMT+7

Những “kỹ sư chân đất”

Thứ 3, 24/11/2015 | 10:14:00 145 lượt xem

BP - Tháng trước, báo chí đưa tin ông Võ Văn Sáng, một nông dân ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cùng các cộng sự đã làm lợi cho nhà nước nhiều tỷ đồng nhờ tiết kiệm chi phí trong việc xây dựng hơn 40 công trình cầu giao thông nông thôn. Đáng nói là mỗi công trình sau khi hoàn thành đều tiết kiệm khoảng 50% kinh phí. Việc làm của ông Võ Văn Sáng chỉ là nối dài những hoạt động sáng tạo khoa học trong quá trình lao động của nông dân Việt Nam.

Những năm gần đây, nông dân trong cả nước rất tích cực nghiên cứu khoa học. Từ những vật liệu bình thường hoặc tận dụng nông cụ hư hỏng, nhiều nông dân đã cải tiến hoặc chế tạo thành công các loại máy móc phục vụ sản xuất tiện ích như máy cắt cỏ, máy gặt đập, máy cấy, máy xay xát... có thể thay thế được rất nhiều lao động thủ công. Một số máy móc không chỉ ứng dụng trong khuôn khổ địa phương mà đã trở thành sản phẩm hàng hóa, được tiêu thụ trên thị trường nội địa và xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế lớn.

Là tỉnh có thế mạnh về sản xuất và chế biến sản phẩm các loại cây công nghiệp, từ trước tới nay, Bình Phước cũng có rất nhiều nông dân sáng tạo trong sản xuất và đã sáng chế ra những loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất rất hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao và thân thiện với môi trường. Có thể kể một số trường hợp như anh Phạm Sáng ở thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú đã sáng chế thành công máy trồng mì. Theo tính toán của anh Sáng, nếu trồng thủ công thì cần 8-9 người mới trồng được 1 ha nhưng với chiếc máy trồng mì do anh sáng chế, chỉ cần 3 người thì một ngày có thể trồng được 6-7 ha. Một trường hợp khác là ông Nguyễn Hữu Năm, 66 tuổi ở xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng. Từ chiếc máy tuốt lúa, ông đã cải tiến thành máy quét lá cao su rất hiệu quả. Nếu quét thủ công (dùng máy cắt cỏ) mỗi ngày một công nhân chỉ quét được 1/3 ha cao su và mất 5-6 lít xăng. Còn với chiếc máy quét lá cao su, một công nhân với 8 giờ làm có thể quét sạch 8-10 ha cao su mà chi phí chỉ mất 10 lít dầu. Rồi giữa tháng 5 năm nay, trong số 63 “nhà sáng chế không chuyên” tiêu biểu toàn quốc được Bộ Khoa học và Công nghệ tôn vinh, Bình Phước có nông dân Mai Văn Cúc ở xã Minh Lập, huyện Chơn Thành vinh dự đại diện cho nông dân trong tỉnh góp mặt với sáng chế “Máy phun thuốc cao áp”...

Mỗi năm ngân sách trung ương, tỉnh đã chi một khoản không nhỏ cho hoạt động khoa học - công nghệ. Thế nhưng hầu hết công trình nghiên cứu của các nhà khoa học ăn lương nhà nước sau khi nghiệm thu đều được cất vào tủ. Trong khi đa số sáng chế của nông dân đều có ý tưởng xuất phát từ thực tế. Họ bỏ tiền túi để thực hiện và sáng tạo khoa học xuất phát từ những trăn trở trong quá trình lao động, sản xuất chứ không vì giải thưởng này nọ. Đáng nói là các sáng chế của nông dân đã phục vụ rất hiệu quả cho sản xuất của gia đình và nông dân quanh vùng, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của nông sản.

Không chỉ chế tạo máy móc phục vụ sản xuất, những “kỹ sư chân đất” của Việt Nam còn táo bạo chế tạo cả máy bay, tàu ngầm và robot phục vụ sản xuất nông nghiệp. Điều đó thể hiện khả năng sáng tạo vô tận của nông dân Việt Nam và cũng đáng để chúng ta suy ngẫm.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu