Thứ 6, 19/04/2024 04:30:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 13:58, 01/04/2012 GMT+7

Những lão nông thu nhập tiền tỷ trên đất Lộc Điền

Chủ nhật, 01/04/2012 | 13:58:00 234 lượt xem

Ông Đinh Huyên, Phó chủ tịch Hội nông dân xã Lộc Điền (Lộc Ninh), cho biết: Số hộ sản xuất - kinh doanh giỏi ở Lộc Điền liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Đầu năm 2007, toàn xã có 35 hộ đạt danh hiệu các cấp, tỷ lệ 2,3% thì nay đã tăng lên 215 hộ, chiếm 13% tổng số hội viên nông dân toàn xã. Chí thú làm ăn, chịu khó học hỏi và dự báo được thị trường nông sản đã giúp nông dân Lộc Điền trở thành tỷ phú.

NHIỀU HỘ HẰNG NĂM THU NHẬP TIỀN TỶ

Dẫn chúng tôi đến thăm các hộ sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh ở ấp 8, xã Lộc Điền, Phó chủ tịch Hội nông dân xã Đinh Huyên luôn thán phục sự cần cù, chịu khó, bám đất của những “tỷ phú” chân đất nơi đây. Ấp 8 thuộc vùng sâu, vùng xa của xã, những năm trước đây không đường, không điện nhưng nhiều hộ ở trung tâm xã có nhà cửa ổn định, thuận lợi trong buôn bán đã không ngần ngại vào đây mở trang trại.

Anh Trần Phước Liên trao đổi kinh nghiệm trồng tiêu với cán bộ Hội nông dân

Anh Trần Văn Phó, nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh đã mấy “nhiệm kỳ”, nuối tiếc: Nhà tôi trồng tiêu Ấn Độ nên đã thu hoạch hết, không còn cảnh vào mùa để nhà báo quay phim, chụp hình. 20 năm trước, gia đình anh Phó ở khu trung tâm xã vào ấp 8 lập nghiệp. Định cư nơi mới nhưng vợ chồng anh quyết giữ cửa hàng tạp hóa nhỏ ở trung tâm chợ để buôn bán lấy vốn đầu tư cho nương rẫy. Dựa vào thế đất có suối bao quanh để lấy nước tưới hồ tiêu và nhờ “sức trẻ” lấy công làm lãi, đến nay trang trại của gia đình anh có tổng diện tích 13 ha. Những năm đó, đất ở Lộc Điền còn rẻ, vừa khai hoang vừa mua, sau 1 năm vợ chồng anh đã có 1,5 ha để trồng tiêu theo kiểu cuốn chiếu. Năm 1998, giá tiêu lên đỉnh điểm, với 4.000 nọc tiêu gia đình anh Phó thu về tiền tỷ. Có vốn, gia đình anh mở rộng diện tích trồng cao su, đến nay đã cho thu hoạch năm thứ hai.

Gia đình anh Trần Phước Liên, nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền ở ấp 5. Từ trên đồi cao nhìn xuống trang trại của gia đình anh phủ một màu xanh của tiêu và cao su. Khi mới lập nghiệp gia đình anh Liên chỉ có 5 sào đất cặp bờ suối của ba, mẹ cho làm vốn ban đầu. Vậy mà đến nay, gia đình anh đã có 8,4 ha, trong đó 5 ha cao su 15 năm tuổi và 6.000 nọc tiêu. Ngoài sản xuất nông nghiệp, gia đình anh Liên còn có cửa hàng buôn bán tạp hóa ở trung tâm chợ Lộc Điền. Cửa hàng tạp hóa cũng giúp gia đình anh giữ được diện tích cao su, tiêu trong những thời điểm khó khăn vì giá cả xuống thấp. Năm nay, giá cao su và tiêu cao, gia đình anh ước thu về 3 tỷ đồng... Ở Lộc Điền đang có rất nhiều hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi nhờ cần cù và chí thú với “điền trang” như gia đình anh Phó, anh Liên.

DỰ BÁO THỊ TRƯỜNG ĐỂ ĐẦU TƯ THÍCH HỢP

Trang trại của gia đình anh Nguyễn Tấn Chinh, đại biểu HĐND xã, tại ấp 8 có 20,5 ha, trong đó 17 ha cao su và 3,5 ha cà phê trồng xen măng cụt. Trang trại của gia đình được phân bố hợp lý: Phía trên đồi cao đất đỏ là cao su, dưới chân đồi đất xám cạp với ven suối trồng cà phê xen măng cụt. Theo tính toán của anh Chinh, trồng cà phê năm đầu tiên đã cho thu hoạch trái bói nhưng măng cụt 5 năm mới phủ hết tán và 10 năm cho bội thu. Khi măng cụt phủ tán kín anh sẽ chặt cà phê để lấy nguồn thu chính là măng cụt, như vậy đất sẽ không bị lãng phí.

Trong 17 ha cao su, có 7 ha anh Chinh trồng vào những năm giá cao su xuống thấp nhất. Thời điểm đó, nhiều trang trại ở Bình Phước nổi lên phong trào cưa cao su để trồng mì bán cho các nhà máy vừa được đầu tư xây dựng. Riêng gia đình anh Chinh lại bỏ tiền mua đất trồng cao su làm nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Anh Chinh cho rằng, với nông sản thuộc loại cây công nghiệp, do tác động kinh tế có lúc giá rớt thê thảm nhưng rồi sẽ tăng để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Theo chu kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới, khi vườn cao su gia đình anh đi vào khai thác sau 6 năm kiến thiết cơ bản sẽ đúng vào thời điểm giá mủ tăng cao. Đầu tư trồng cao su khi giá mủ xuống thấp thuận lợi hơn nhờ đất rẻ, giống, công lao động cũng giảm, lợi nhuận thu về sẽ cao hơn.

Cũng những năm đó, cao su của gia đình anh Liên tuy chưa đến tuổi mở miệng cạo nhưng anh quyết định không chặt bỏ. Năm 2001-2002, khi giá mủ cao su bắt đầu tăng, gia đình anh Liên đã có sẵn 5 ha cao su mở miệng năm đầu tiên và anh quyết định dùng vốn này để đầu tư trồng hồ tiêu trên những diện tích đất mới, mặc dù đây cũng là thời điểm giá hồ tiêu xuống thấp nhất. Anh Liên cho rằng, hồ tiêu đã có những năm huy hoàng và giá xuống ắt sẽ lên, rồi bình ổn. Đến nay, gia đình anh Liên có 6.000 nọc tiêu xanh tốt qua nhiều năm thăng trầm của giá cả.

Phó chủ tịch Hội nông dân xã Đinh Huyên, cho biết: Ở Lộc Điền có nhiều hộ gia đình giàu lên trong thời hoàng kim của cây cao su như gia đình anh Chinh, anh Liên nhờ biết dự báo thị trường để đầu tư thích hợp. Tuy nhiên, với những hộ chỉ có 1-2 ha đất thì mô hình vườn ở Lộc Điền hiện nay là cây ba tầng. Ở những vườn tiêu bị chết nhưng không trồng tiêu lại được thì nông dân trồng cao su xen cà phê, điều để lấy ngắn nuôi dài. Khi cao su phủ tán đi vào khai thác thì cưa cà phê và điều.

Cần cù lao động, biết nắm bắt cơ hội cho nông nghiệp, đến nay hơn 60% hội viên nông dân Lộc Điền có nhà ở kiên cố. Nông dân đã mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp như: máy cày, máy kéo, máy xới, máy bơm,... Các loại hình kinh tế tư nhân, kinh tế trang trại được khuyến khích phát triển mạnh, từng bước thay thế phương thức độc canh manh mún, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn. Đó cũng là cách để nông dân Lộc Điền chung tay xây dựng nông thôn mới.

Phương Hà

  • Từ khóa
39253

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu