Thứ 5, 25/04/2024 07:32:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thế giới 09:47, 07/01/2019 GMT+7

Những năm Hợi đáng nhớ trong lịch sử Việt Nam

Thứ 2, 07/01/2019 | 09:47:00 8,822 lượt xem
BP - Tính từ đầu Công nguyên đến năm 2019, dân tộc ta đã trải qua 166 năm Hợi, trong đó có nhiều năm mang ý nghĩa đặc biệt to lớn đối với vận mệnh đất nước. Nhân năm mới Kỷ Hợi 2019, xin giới thiệu cùng bạn đọc về những năm Hợi đáng nhớ trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Năm Đinh Hợi (214) trước Công nguyên: Tần Thủy Hoàng sai tướng là Đồ Thư đem quân đánh chiếm 2 bộ lạc Bách Việt và Âu Lạc, rồi chia làm 3 quận: Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (Quảng Tây) và Tượng Quận (miền Bắc Việt Nam).

Năm Kỷ Hợi (39) sau Công nguyên: Bà Trưng Trắc và bà Trưng Nhị là hai chị em con Lạc Tường ở huyện Mê Linh. Bà Trưng Nhị là người dũng mãnh, có sức khỏe, mưu trí. Để trả nợ nước, đền thù nhà, năm Kỷ Hợi - 39, bà Trưng Trắc cùng với em Trưng Nhị chuẩn bị lực lượng để sang đầu năm 40 phất cờ khởi nghĩa. Cờ khởi nghĩa của 2 bà phất lên, nhân dân khắp nơi nô nức hưởng ứng. Sau gần 1 năm nổi dậy chiến đấu liên tục, nhân dân Âu Lạc dưới sự lãnh đạo của hai bà Trưng đã giành được độc lập cho đất nước.    

Tranh vẽ hai bà Trưng trong một lần xuất quân - Ảnh: InternetTranh vẽ hai bà Trưng trong một lần xuất quân - Ảnh: Internet

Năm Quý Hợi (543): Vào đầu năm 543, nhà Lương tổ chức cuộc tấn công đàn áp nghĩa quân Lý Bí lần thứ 2. Nghĩa quân chủ động đánh địch ở Hợp Phố. Quân địch mười phần chết đến bảy, tám phần. Nhiều tướng của giặc bị giết tại trận, quân nhà Lương thua trận phải kéo tàn quân về nước. Mùa xuân năm 544, Lý Bí lên ngôi hoàng đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, đặt kinh đô gần cửa sông Tô Lịch (Hà Nội).  

Năm Kỷ Hợi (939): Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa (thuộc huyện Đông Anh, TP. Hà Nội ngày nay). Ngô vương đặt quan chức, chế triều nghi, định phục sắc và chỉnh đốn chính trị trong nước, mở đầu triều Ngô.

Năm Tân Hợi (951): Đinh Bộ Lĩnh người châu Đại Hoàng, là con trai Đinh Công Trứ, làm Thứ sử Hoan Châu đã nổi dậy chiếm đóng động Hoa Lư.  

Năm Kỷ Hợi (1179): Tô Hiến Thành giúp vua Cao Tông trị nước, đến năm Kỷ Hợi (1179) thì mất. Ông là người có tài thao lược, thờ vua trung thành cho nên người đời sau ví ông với Gia Cát Lượng. 

Năm Ất Hợi (1275): Sau nhiều lần dùng mưu để khuất phục vua Thánh Tông nước An Nam không được, vua Nguyên quyết định đem quân sang đánh, sai quan ở biên giới do thám địa thế nước ta. Bên An Nam cũng đặt quân vào thế sẵn sàng đánh địch.  

Năm Đinh Hợi (1287): Mùa xuân năm Đinh Hợi (1287), nhà Nguyên kén lấy 7 vạn quân, với 500 chiếc thuyền, 6.000 quân Vân Nam và 1,5 vạn quân ở 4 châu khác sang xâm lược Đại Việt. Quân và dân Đại Việt dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, đã thắng lớn ở Bạch Đằng giang vào tháng 3-1287.

Trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 1287 - Ảnh: InternetTrận chiến trên sông Bạch Đằng năm 1287 - Ảnh: Internet

Năm Tân Hợi (1311): Vua Trần Anh Tông cùng với Huệ Võ vương Trần Quốc Chẩn, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư đem 3 đạo quân sang đánh Chiêm Thành và đã bắt được Chế Chí đem về An Nam, rồi phong cho em của Chế Chí là Chế Đà A Bà làm vua Chiêm Thành.

Năm Đinh Hợi (1407): Ngày 22-1-1407, quân Minh từ phương Bắc tràn xuống đánh chiếm kinh thành Thăng Long. Quân nhà Hồ rút lui. Khi đến Lỗ Giang (sông Mã) thì bị quân địch đuổi kịp, tướng Nguỵ Thức thấy nguy cấp bèn tâu: “Nước đã mất, làm vua không nên để người ta bắt được, xin bệ hạ tự đốt đi mà chết còn hơn”. Hồ Quý Ly tức giận bắt Nguỵ Thức đem chém rồi chạy vào Nghệ An. Đến tháng 6 năm Đinh Hợi (1407), quân Minh bắt được cha con Hồ Quý Ly ở Kỳ La (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Năm Kỷ Hợi (1419): Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ năm 1419-1420, trong nước có nhiều cuộc dấy binh nổi lên. Nhưng đáng chú ý là cuộc nổi dậy của nhà sư Phạm Ngọc ở chùa Đồ Sơn, lãnh đạo dân nghèo và vùng ven biển Đông Bắc chiến đấu ngoan cường làm cho quân địch ở đồn Bình Than, thành Xương Giang vô cùng hoảng sợ.  

Năm Kỷ Hợi (1479): Vua Trần Thái Tông sai Ngô Sĩ Liên biên soạn “Đại Việt sử ký toàn thư” và chia làm 2 bản. Một bản kể từ Hồng Bàng Thị đến Thập nhị sứ quân có 5 quyển. Một bản kể từ Đinh Tiên Hoàng đến Lê Thái Tổ có 10 quyển. Cũng trong năm Kỷ Hợi - 1479, có Tù trưởng xứ Bồn Man làm phản, xui người Lão Qua (người Lào) đem quân quấy nhiễu miền Tây nước ta. Vua Trần Thánh Tông sai quan Thái úy Lê Thọ Vực cùng các tướng Công Lộ, Lê Đình Ngạn, Lê Lộng và Lê Nhân Hiếu đem 5 đạo quân từ Nghệ An, Thanh Hóa sang đánh đuổi quân Lão Qua đến sông Kim Sa và quân ta toàn thắng.

Năm Quý Hợi (1503): Theo sách “Cương mục” có người ghi rằng, Việt Nam chế tạo được thủy xã, một loại xe nước (ngày nay gọi là bánh xe nước) để đưa nước vào đồng ruộng chống hạn, phát triển sản xuất.

Năm Đinh Hợi (1527): Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lên làm vua, lập ra nhà Mạc và đặt niên hiệu là Minh Đức.  

Năm Quý Hợi (1623): Tháng 8 năm Quý Hợi (1623), Trịnh Tráng đánh tan quân Kính Hoan ở Gia Lâm, rước vua Lê trở lại kinh đô. Mùa đông năm đó, vua Lê phong Nguyên súy thống quốc chính thanh Đô vương cho Trịnh Tráng.

Năm Ất Hợi (1755): Vua Chân Lạp là Nặc Nguyên thông sứ với chúa Trịnh ngoài Bắc để lập mưu đánh chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Khoát sai Nguyễn Cư Trinh đánh đuổi Nặc Nguyên ra khỏi thành Nam Vang.

Năm Đinh Hợi (1767): Trịnh Doanh mất con, Trịnh Sâm lên làm chúa.

Năm Ất Hợi (1815): Gia Long cho ban hành Bộ luật “Quốc triều hình luật”, gồm 22 quyển với 398 điều. 

Năm Kỷ Hợi (1839): Là năm Minh Mệnh thứ 20, vua Thánh Tổ định lương bổng đồng niên và tiền xuân phục của các quan viên.   

Năm Quý Hợi (1863): Trương Định - một lãnh tụ nổi tiếng đứng đầu cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam bộ thời cận đại, gửi thư cho Bonard đòi 3 tỉnh miền Đông.

Năm Ất Hợi (1875): Nổ ra cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Trần Bình ở Trà Vinh, của Thủ khoa Huân ở Mỹ Tho...

Năm Đinh Hợi (1887): Cuộc khởi nghĩa Ba Đình tiếp tục chống Pháp. Căn cứ Bãi Sậy của khởi nghĩa Nguyễn Thiện Thuật bắt đầu hình thành.

Năm Tân Hợi (1911): Người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) xuống tàu Latouche-Tréville tại Bến Nhà Rồng (Sài Gòn), ra đi tìm đường cứu nước. Ngày 15-7, Bác đến Cảng Lơ Ha-vrơ miền Bắc nước Pháp.  

Tàu Latouche-Tréville - con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ Cảng Sài Gòn  - Ảnh: Internet​​​​​​​Tàu Latouche-Tréville - con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ Cảng Sài Gòn  - Ảnh: Internet

Năm Quý Hợi (1923): Tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc rời nước Pháp sang Liên Xô (cũ) dự hội nghị quốc tế nông dân và được bầu vào Ban chấp hành. Cũng trong năm này, Tâm Tâm xã - còn gọi là Tân Việt Thanh niên đoàn là một tổ chức cách mạng của nhóm thanh niên Việt Nam yêu nước trong những năm 20 thế kỷ XX, được thành lập tại Quảng Châu (Trung Quốc).   

Năm Ất Hợi (1935): Tháng 3-1935, diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) lần thứ I. Đại hội quyết định những nhiệm vụ trọng yếu của cách mạng Việt Nam.

Năm Đinh Hợi (1947): Quân và dân ta mở Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông. Trải qua 75 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 6.000 quân địch, hạ 16 máy bay, 11 tàu chiến, ca nô. Với chiến thắng Việt Bắc, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của địch, buộc chúng chuyển sang đánh lâu dài với ta.    

Năm Kỷ Hợi (1959): Tháng 1-1959, Đảng ta tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (khóa II) quyết định một vấn đề quan trọng của đất nước: “Chuyển cách mạng miền Nam từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang”, mở đầu là phong trào Đồng Khởi năm 1959-1960. Đây là một bước ngoặt quan trọng của cách mạng miền  Nam. Ngày 9-5-1959, chính quyền Ngô Đình Diệm - ngụy quyền Sài Gòn - thông qua đạo luật 10-59, một đạo luật đàn áp đẫm máu những người cách mạng ở miền Nam. Cũng trong năm 1959, vào ngày 19-5, tuyến đường vận tải chiến lược 559 (đường mòn Hồ Chí Minh) được thành lập. Đây là con đường huyền thoại, chi viện sức người, sức của, góp phần to lớn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.  

Đường Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện Hương Khê - Ảnh: Internet​​​​​​​Đường Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện Hương Khê - Ảnh: Internet

Năm Tân Hợi (1971): Quân và dân ta chiến thắng lớn ở mặt trận đường 9 Nam Lào, đập tan hoàn toàn ý đồ của Mỹ - ngụy đánh ra miền Bắc, hậu phương lớn của miền Nam.  

Năm Ất Hợi (1995): Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tròn 50 tuổi.   

Năm Đinh Hợi (2007): Sau 11 năm đàm phán, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới đã đánh dấu một bước quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, một sự kiện có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội, khẳng định vị thế đất nước ta, dân tộc ta với cộng đồng quốc tế. Là minh chứng hùng hồn về quyết tâm và nghị lực của nhân dân ta xây dựng một quốc gia độc lập, tự chủ, ổn định, xứng đáng là một trong những nền kinh tế phát triển năng động, sẵn sàng thực hiện các cam kết chung với cộng đồng quốc tế.

Năm Kỷ Hợi (2019): Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 - 19-5-2019); kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019); kỷ niệm 30 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2019). Và đây cũng là năm cả nước phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra.

ND (tổng hợp)

  • Từ khóa
66664

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu