Thứ 6, 29/03/2024 15:00:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 08:10, 03/02/2019 GMT+7

Những người con Bình Phước ở Trường Sa

Chủ nhật, 03/02/2019 | 08:10:00 227 lượt xem
BP - Khi những nụ mai e ấp nở bên hiên nhà, cũng là lúc bậc làm cha, làm mẹ trông ngóng, chờ đón người con trở về sau 1 năm bận rộn công việc. Thế nhưng vẫn có những gia đình phải cùng con đón tết qua chiếc điện thoại di động. Nghe tiếng sóng vỗ rì rào, nghe con thông báo có bánh chưng xanh, dưa kiệu, có hoa mai, hoa đào - dù chỉ là hoa nhựa... cũng đủ cho họ thêm tự hào. Tự hào khi con được đón tết cùng đồng nghiệp ở nơi thiêng liêng của Tổ quốc - Trường Sa.

BÁC Sĩ TRẺ Ở TRƯỜNG SA

Ngày xuân đang đến gần, nhìn hàng xóm con cái tề tựu, ông Phí Ngọc Trứ và bà Đỗ Thị Cửu ở phường Long Thủy, thị xã Phước Long không khỏi chạnh lòng. Ngoài con trai đầu là Phí Ngọc Danh (1982) đang là kỹ sư phần mềm tại TP. Hồ Chí Minh, thì Phí Ngọc Dương (1987) là con trai út đang công tác tại Trung tâm Y tế Trường Sa. Là một trong 2 bác sĩ đang làm việc tại Trung tâm Y tế Trường Sa, Phí Ngọc Dương vốn là bác sĩ chính chuyên Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Quân y 175, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh. Năm 2017, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh đăng ký ra Trường Sa đảm nhận công tác chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và ngư dân trên đảo.

Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Bình Phước Nguyễn Quang Toản trao quà của tỉnh tặng Thượng úy, bác sĩ Phí Ngọc Dương - Ảnh: N.V

Nhớ về quyết định ra Trường Sa của con, bà Cửu cho biết: Dương lên đường ra Trường Sa vào tháng 1-2017. Hai ngày trước khi lên đường, Dương gọi điện thông báo cho gia đình. Dương nói nếu ba mẹ lên đơn vị để tiễn con thì không được khóc. Con là thanh niên, còn trẻ nên tình nguyện đi để rèn luyện bản lĩnh và có cơ hội chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho ngư dân, người dân. Tôn trọng quyết định của con, chúng tôi vui vẻ tiễn con lên đường. Hiện nay, mạng di động tốt nên thi thoảng Dương vẫn gọi điện về thông báo tình hình. Ba mẹ thương con công tác xa nhà, con lại thương ba mẹ ở xa nên những buổi nói chuyện chỉ xoay quanh vấn đề sức khỏe. Nhiều lúc có bệnh nhưng “đất liền” và “biển đảo” đều nói dối nhau để không ai phải lo lắng. “Nói Dương gửi ảnh về cho ba mẹ, thế mà gần 1 năm nay nó nhất quyết không chịu, còn “cấm” anh em trong họ hàng gửi cho vợ chồng tôi. Nhưng tính Dương thì tôi biết, hồi ở đất liền nó trắng trẻo, nay chắc rắn rỏi và đen nên gửi ảnh về sợ ba mẹ xót” - bà Cửu cười.

Tốt nghiệp Học viện Quân y, lại được Bệnh viện Quân y 175 ký quyết định công nhận bác sĩ chính chuyên Khoa Nội thần kinh, những thành tích của Thượng úy, bác sĩ Phí Ngọc Dương làm cha mẹ là ông Phí Ngọc Trứ và bà Đỗ Thị Cửu thêm tự hào

Hơn 10 giờ sáng, bà Cửu cầm điện thoại gọi cho con trai. Cuộc nói chuyện diễn ra chỉ hơn 2 phút, nhưng chàng trai vẫn kịp hỏi sức khỏe của ba mẹ, tình hình đón tết ở nhà rồi xin phép cúp máy vì đang nhận thuốc dự trữ cho đơn vị. “Chúng tôi không biết và không để ý đến mức lương hay quân hàm của con. Chỉ biết con là một bác sĩ đang phục vụ ở mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Những buổi nói chuyện qua điện thoại, tôi dặn con sống hết mình vì công việc, nỗ lực nâng cao chuyên môn để phục vụ nhân dân và đất nước. Như vậy là chúng tôi mãn nguyện và hạnh phúc rồi” - ông Trứ chia sẻ.

CHỌN NƠI ĐẦU SÓNG

Trên đoạn cuối con đường nhỏ ở thôn 1, xã Đường 10 (Bù Đăng), căn nhà cấp 4 của gia đình Thượng úy Trương Tấn Thành (1991), sĩ quan pháo binh tại đảo Sinh Tồn đơn sơ và mộc mạc. Ông Trương Tấn Vũ và bà Phạm Thị Trinh, cùng sinh năm 1953, đang lau dọn nhà cửa, chăm từng gốc mai để chuẩn bị đón tết. Gặp tôi, ông Vũ chia sẻ: “Chú tranh thủ dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa, hôm rồi Thành gọi điện thoại thông báo là có thể nghỉ phép luân phiên để về đón tết. Dù thông tin chưa chắc chắn nhưng nghe con nói vậy cả nhà rất vui. Gần 3 năm rồi không được gặp Thành, ai cũng nhớ”.

Thượng úy Trương Tấn Thành (thứ 3 bên phải) chụp ảnh lưu niệm với đoàn công tác của tỉnh Bình Phước tại đảo Sinh Tồn - Ảnh: N.V

Câu chuyện đi Trường Sa của Thượng úy Trương Tấn Thành mỗi khi kể lại đều khiến bà Phạm Thị Trinh, dù nước mắt rơi nhưng rất đỗi tự hào. Bà cho biết: “Trước khi đăng ký đi Trường Sa, Thành gọi điện xin phép ba mẹ và hỏi ý kiến các thành viên trong gia đình. Lúc đó, chúng tôi sợ con vất vả nên không đồng ý. Nó không nói gì mà cúp máy. Cứ nghĩ Thành đã hiểu và quyết định không đi, thế nhưng... Tháng 7-2017, Thành đi Trường Sa, chỉ thông báo cho mỗi người cậu ở quê, cũng là quân nhân phục vụ trong quân đội, nhưng cậu giấu chúng tôi. Trước khi tàu xuất bến, Thành gọi cho ba mẹ nói: “Con đã lên tàu đi Trường Sa để làm tròn trách nhiệm của mình. Con gọi để ba mẹ biết và đừng lo. Đến đảo, con sẽ gọi lại cho ba mẹ”. Vậy là con tôi lên đường mà chỉ có cấp trên, đồng nghiệp tiễn chân, gia đình không ai có mặt để chia tay”.

Ông Trương Tấn Vũ và bà Phạm Thị Trinh tự hào khi con trai Trương Tấn Thành đang công tác tại Trường Sa

Còn ba của Thành lại khác. Sinh ra ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, ông lớn lên với tiếng súng, tiếng bom. Ngay từ nhỏ, ông đã tham gia đội thiếu niên tiền phong đi phát truyền đơn, tải gạo nuôi quân trong thời kỳ chống Mỹ. Vì thế, ông rất đồng lòng và chia sẻ với việc làm của con. Năm 2005, vì thương 2 người con lớn đã chọn Bù Đăng lập nghiệp, ông bà rời Quảng Nam, dẫn thêm 2 con nhỏ để đoàn tụ gia đình. “Thế nhưng lúc Thành chọn Trường sĩ quan pháo binh để học, rồi lại đăng ký đi Trường Sa thì tôi biết gia đình sẽ khó có những lúc đông đủ. Thương con công tác xa nhà, mỗi khi gia đình tụ họp, tôi dặn các con không được đăng hình lên mạng xã hội” - ông Vũ cho biết.

Trong mắt ba mẹ và anh em, Thượng úy Trương Tấn Thành là người con hiếu thảo, năng động, chịu khó. Là con thứ 3 trong gia đình, sau khi tốt nghiệp THPT, Thành đến thị xã Sơn Tây (Hà Nội) học sĩ quan pháo binh. Tốt nghiệp năm 2013, Thành được điều về công tác tại Lữ đoàn 957, Vùng 4 Hải quân đóng tại Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Năm 2017, Thành viết đơn tình nguyện ra Trường Sa, cùng rất nhiều đồng đội khác đóng quân tại đảo Sinh Tồn. Ở nhà Thành đam mê các hoạt động văn hóa, văn nghệ thì khi ra đảo, những điểm mạnh đó lại được chàng thanh niên Bình Phước phát huy. Là Bí thư chi đoàn, Thành đã xây dựng nhiều phong trào sôi nổi, thiết thực, tạo sân chơi bổ ích cho đồng đội. Trao đổi nhanh qua điện thoại, Thành cho biết: “Em rất tự hào được phục vụ ở Trường Sa. Ở đây, em ra sức rèn luyện để nâng cao chuyên môn, bản lĩnh chính trị và giữ gìn truyền thống gia đình”.

Mỗi người có một lý do để đến Trường Sa, thế nhưng họ đều có điểm chung, đó là tình yêu quê hương đất nước da diết, một tuổi trẻ mong được cống hiến cho địa đầu thiêng liêng của Tổ quốc. Hơn ai hết, trước đại dương bao la, giữa cái nắng, cái gió và cả tiếng sóng xô của biển cả, cái tết của chiến sĩ Trường Sa chắc hẳn cũng khác ở quê nhà. Dù thiếu thốn vật chất nhưng tinh thần, tình cảm thì luôn đong đầy. Còn với bậc cha mẹ, cái tết dù có thiếu đi hình bóng người con nhưng biết con cùng đồng đội đón tết ở nơi “đầu sóng ngọn gió” cũng đủ để họ cảm thấy tự hào.

Thanh Nga

  • Từ khóa
111371

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu