Thứ 6, 29/03/2024 04:27:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:30, 29/04/2018 GMT+7

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 43 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30-4-1975 - 30-4-2018)

Những người góp phần làm nên chiến thắng lịch sử

Chủ nhật, 29/04/2018 | 09:30:00 3,066 lượt xem
BP - Trong những ngày cả nước đang hân hoan hướng tới chào mừng kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30-4-1975 - 30-4-2018), thống nhất đất nước, chúng tôi đã về xã Phú Sơn (Bù Đăng) gặp gỡ các cựu chiến binh (CCB), những người đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Mỗi người một ký ức, họ đều rất đỗi tự hào về một thời “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, bởi họ là những người đã trực tiếp góp phần làm nên chiến thắng.

Ký tên bằng máu

Đó là hành động biểu thị sự quyết tâm ra đi vì nước của CCB Đoàn Văn Ất (1952), quê Thạch Lưu, Thạch Hà, Hà Tĩnh, hiện ở thôn Sơn Quý, xã Phú Sơn. Năm 1972, thanh niên Đoàn Văn Ất tròn 20 tuổi nhưng là con một trong gia đình nên thuộc diện ưu tiên chưa gọi nhập ngũ. Thời điểm đó, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bạn bè đồng trang lứa đã lên đường ra trận với tinh thần sục sôi, khí thế cách mạng hào hùng khiến chàng thanh niên Đoàn Văn Ất không thể yên lòng ở nhà. Do vậy ông đã viết đơn và ký tên cam kết tình nguyện nhập ngũ bằng máu.

Cựu chiến binh Đoàn Văn Ất làm giàu với vườn cây ăn trái

Ông còn nhớ như in ngày 4-1-1972, ông được nhập ngũ vào đơn vị C7, D70, E11, F571 đoàn vận tải. Sau khi học lái xe tại Trường 963 thuộc Đoàn 559, tháng 8-1972, ông nhập tuyến phục vụ chiến trường Trường Sơn Đông, Lào, Campuchia. Trong suốt 29 năm 6 tháng phục vụ trong quân đội, có rất nhiều ký ức mà cả cuộc đời ông không thể nào quên. Đó là tháng 10-1972, tại thị trấn Cồn, Đồng Hới, Quảng Bình, đoàn xe của ông bị quân địch bắn pháo sáng phát hiện ra mục tiêu và ném bom. Tuy không bị thiệt hại về người, nhưng cả đoàn xe 12 chiếc chở vũ khí và lương thực vào chiến trường bị cháy hết. Lái xe được nhân dân địa phương che chở, đùm bọc sau đó trở lại kho xe ở Hòa Bình nhận nhiệm vụ tiếp tục vào chiến trường. Trong khó khăn gian khổ, giữa sự sống và cái chết không có ranh giới thì những người lính lái xe như ông luôn tìm thấy niềm vui, hạnh phúc, tự hào, vì trong hành trình vận chuyển vũ khí, lương thực từ hậu phương ra tiền tuyến luôn có dân công hỏa tuyến đốt đèn soi đường mỗi khi xe qua ngầm; có thanh niên xung phong dọn đường cho xe băng qua đèo dốc. Đặc biệt, những phong thư gửi về quê nhà, chỉ cần ghi Đoàn xe vận tải 559, không cần dán tem cũng được gửi về đúng địa chỉ.

“Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đoàn xe chúng tôi chở vũ khí, lương thực tập kết tại Thủ Đức. Đêm lại chạy ngược ra Huế chở lực lượng vào chiến đấu giải phóng Sài Gòn. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, đang từ Cam Ranh, Khánh Hòa tiến vào Sài Gòn, chúng tôi được tin quân ta đã chiếm được dinh Độc Lập, qua đài phát thanh nghe Tổng thống Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Lúc ấy, cả đoàn xe cùng nhân dân địa phương ôm nhau reo hò vui mừng chiến thắng” - ông Ất xúc động nói. 

Vượt sông Hiền Lương trong đêm

Với CCB Lê Thanh Đông (1950), ký ức của những năm tháng tham gia kháng chiến còn nguyên vẹn. Ngày 27-5-1971, ông được nhập ngũ vào C628 thuộc Sư đoàn 320 ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Trong 10 năm 7 tháng tham gia kháng chiến, ông đã trải qua nhiều trận đánh, nhưng nhớ nhất vẫn là trận Cồn Tiên - Dốc Miếu. Đây là căn cứ quân sự của Mỹ - ngụy thuộc xã Gio Phong, huyện Gio Linh, cách cầu Hiền Lương chừng 7km về phía Nam. Mỹ - ngụy xây dựng hệ thống hàng rào điện tử gồm 12 lớp kẽm gai chồng nhau cao 3m, trên mặt hàng rào có cài mìn tự động, phía dưới là bãi mìn dày đặc rộng hàng trăm mét. Để đánh vào căn cứ này, trung đoàn chia thành nhiều mũi tấn công. “Chúng tôi đã vượt sông Hiền Lương trong đêm. Người dân địa phương cung cấp áo mưa và chặt cây chuối cho bộ đội làm phao. Khi tấn công chiến trường Quảng Trị - Dốc Miếu - Cồn Tiên, các lực lượng chủ lực có sự phối hợp của du kích địa phương đã bao vây đánh phá vào căn cứ trong suốt 3 ngày, buộc địch phải tháo chạy. Tháng 4-1975, đơn vị đang huấn luyện tại Phú Thọ chuẩn bị lực lượng chi viện cho miền Nam thì được tin Sài Gòn giải phóng” - ông Đông tự hào kể. 

Cựu chiến binh Lê Thanh Đông tự hào với những tấm huân, huy chương được Đảng và Nhà nước trao tặng

Đánh giặc từ Bắc vào Nam

Tháng 6-1972, ông Nguyễn Như Nậm (1952), từ quê hương Thạch Hà, Hà Tĩnh nhập ngũ vào đoàn huấn luyện 22 thuộc Quân khu 4. Tháng 12-1972, đơn vị ông được lệnh vào chiến trường Lộc Ninh, hoạt động ở các tỉnh Phước Long, Bình Long, Long An, Tây Ninh, Quảng Đức. Cuối năm 1974, đầu năm 1975, ông đã cùng đơn vị trực tiếp tham gia các trận đánh lịch sử, trong đó có các trận đánh giải phóng Bù Đăng và thị xã Phước Long.

Cựu chiến binh Nguyễn Như Nậm với thú vui cây cảnh khi tuổi già

Ông Nậm còn nhớ như in: “Những ngày đầu tháng 12-1974, trời mưa tầm tã, đường đất đỏ trơn trượt nên chúng tôi hành quân rất vất vả. Khi đơn vị vào đến vị trí chiếm lĩnh trận địa thì mất liên lạc với Bộ chỉ huy. Vì vậy kế hoạch điểm hỏa vào Chi khu quân sự Bù Đăng bị chậm mấy tiếng đồng hồ. Đúng 6 giờ sáng ngày 14-12-1974, các mũi đồng loạt tấn công vào chi khu Đức Phong. Đơn vị của tôi là pháo hỏa lực chi viện cho bộ binh, phá tung hàng rào phía đông ở đồi Yên Ngựa tiến vào chi khu. 10 giờ quân ta đã kéo lá cờ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lên đỉnh cột cờ trụ sở quận lỵ Đức Phong và căn cứ Vĩnh Thiện. Từ đó, toàn hệ thống đồn bót, căn cứ của địch đã bị ta tiêu diệt hoàn toàn”.

Trở về cuộc sống đời thường, dù sức khỏe đã giảm sút nhưng các CCB Lê Thanh Đông, Nguyễn Như Nậm, Đoàn Văn Ất đều là những tấm gương làm kinh tế giỏi, có nhiều đóng góp xây dựng hệ thống chính trị ở xã Phú Sơn, tích cực xây dựng nông thôn mới. Hằng năm, trong các dịp sinh hoạt truyền thống ở các trường học trên địa bàn xã, các ông lại kể cho học sinh nghe về những trận đánh hào hùng, oanh liệt, ký ức của một thời hoa lửa đầy kiêu hãnh để truyền lại lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.

Tiếp tục chiến đấu giải phóng Phước Long, đơn vị ông tham gia 7 ngày. “Lực lượng của địch lúc đó nhiều hơn hẳn với xe tăng, máy bay, chiếm ưu thế trên đỉnh núi Bà Rá. Nhưng thế mạnh của ta là tinh thần quyết tâm giải phóng với sự chi viện của binh chủng pháo binh, phòng không, xe tăng nên thế và lực tăng nhanh. Đơn vị của tôi tập trung tấn công vào ngã ba Tư Hiền ngay đầu thị xã Phước Long, tiếp tục đánh mũi Bà Rá, rồi đánh chiếm Chi khu quân sự Phước Long, bao vây nhà tỉnh trưởng, lính ngụy bỏ chạy, quân ta chiếm lĩnh trận địa, giải phóng Phước Long” - ông Nậm hào hứng kể.

Đơn vị của ông sau đó sang Tây Ninh, rồi củng cố lực lượng tấn công vào thị xã Hồng Nghĩa, tỉnh Hồng Nghĩa cũ (giờ thuộc tỉnh Long An), tiếp tục tấn công vào Đức Hòa, Long An, tiến lên Hóc Môn, trong khí thế sục sôi, đánh tới đâu thắng tới đó. Tại đây, ông và đồng đội đã reo hò khi nghe đài phát thanh Sài Gòn phát đi thông điệp đầu hàng của địch, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Quang Minh

  • Từ khóa
20497

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu