Thứ 6, 29/03/2024 03:28:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 11:21, 25/07/2014 GMT+7

Những nội dung mới trong Luật Hải quan sửa đổi

Thứ 6, 25/07/2014 | 11:21:00 2,117 lượt xem

Luật Hải quan (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp lần thứ 7 vừa qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2015. Luật Hải quan sửa đổi được đánh giá là bước đột phá, đổi mới toàn diện hoạt động quản lý hải quan hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần bảo vệ lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia; góp phần thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao sức cạnh tranh trong nước và quốc tế của các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế. Dưới đây, Binhphuoc Online xin giới thiệu cùng bạn đọc và cộng đồng doanh nghiệp về những điểm mới căn bản của Luật Hải quan sửa đổi so với luật hiện hành.

Một là, Luật Hải quan đã bổ sung quy định về nghĩa vụ người khai hải quan tại Điều 17. Theo đó, người khai hải quan là chủ hàng hoá, chủ phương tiện vận tải với người khai hải quan là người được chủ hàng, chủ phương tiện vận tải ủy quyền thực hiện nghĩa vụ nhằm tách bạch nghĩa vụ giữa 2 đối tượng trên, đồng thời giúp các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu chủ động hơn trong việc ủy quyền thực hiện các thủ tục phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu.

Thứ hai là Luật Hải quan sửa đổi thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục hải quan từ phương thức truyền thống, bán điện tử sang phương thức điện tử tại Điều 28. Theo đó, luật quy định việc khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử, việc khai trên tờ khai giấy chỉ áp dụng đối với một số trường hợp cụ thể do Chính phủ quy định. Việc kiểm tra hồ sơ hải quan được thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc trực tiếp bởi công chức hải quan được quy định tại Điều 31. Nhằm bảo đảm tính minh bạch và tạo điều kiện để ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa chế độ quản lý hải quan, luật sửa đổi quy định về thủ tục hải quan đối với các loại hình hàng hóa theo hướng các loại hình có chung bản chất sẽ cơ bản áp dụng chung thủ tục, trong đó bổ sung quy định về thủ tục hải quan đối với một số loại hình hàng hóa: nhập nguyên liệu, vật tư để gia công hoặc sản xuất hàng hóa xuất khẩu; hàng hóa xuất nhập khẩu của khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất; một số loại hình tạm xuất khẩu, tạm nhập khẩu… Các loại hình này chưa được quy định trong Luật Hải quan hiện hành nhưng thực tế đã được Luật Thương mại và các Luật Thuế quy định.

Thứ ba là Luật Hải quan sửa đổi tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính về hải quan theo quy định tại Điều 23. Cụ thể, luật mới quy định chung thống nhất về hồ sơ hải quan theo hướng chỉ có tờ khai hải quan là chứng từ bắt buộc phải có khi làm thủ tục hải quan, đối với các chứng từ khác thuộc hồ sơ hải quan giao Bộ Tài chính quy định cụ thể trường phải nộp hoặc xuất trình phù hợp với quy định của pháp luật liên quan. Luật Hải quan quy định về hồ sơ hải quan theo hướng giảm bớt các loại giấy tờ không cần thiết phải nộp khi làm thủ tục hải quan đối với các chứng từ có liên quan thuộc hồ sơ hải quan (hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, hợp đồng mua bán hàng hóa, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, các văn bản thông báo kết quả kiểm tra hoặc miễn kiểm tra chuyên ngành, các chứng từ liên quan đến hàng hóa theo quy định của pháp luật có liên quan). Bên cạnh đó, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan có thể là chứng từ giấy hoặc chứng từ điện tử.

Thứ tư là luật mới áp dụng đầy đủ nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra, giám sát hải quan tại Điều 16 và quy định rõ chế độ ưu tiên, tạo thuận lợi về thủ tục hải quan cho doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện tại Điều 42. Theo đó, Luật Hải quan bổ sung quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, theo đó, việc quyết định kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa căn cứ vào kết quả thu thập, phân tích thông tin, đánh giá rủi ro. Các quy định này sẽ tạo điều kiện để cơ quan hải quan tập trung nguồn lực ở những nơi rủi ro cao, giảm ở những nơi có rủi ro thấp, khắc phục tình trạng gian lận; góp phần đảm bảo quản lý nhà nước về hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trên cơ sở phương thức quản lý hải quan hiện đại. Để khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn, chấp hành tốt pháp luật hải quan, pháp luật thuế, quản trị doanh nghiệp tốt; đồng thời để tạo tiền đề thực hiện việc công nhận chế độ ưu tiên giữa các quốc gia như hải quan các nước, luật đã bổ sung nội dung quy định rõ chế độ ưu tiên về hải quan đối với doanh nghiệp, điều kiện áp dụng, quyền, trách nhiệm của cơ quan hải quan, của doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên.

Thứ năm là luật mới đã bổ sung các quy định tạo cơ sở pháp luật để cơ quan hải quan thực hiện cơ chế xác định trước cho doanh nghiệp về mã số, xuất xứ, trị giá hải quan tại Điều 26 và Điều 27. Theo đó, việc thực hiện quy định này giúp doanh nghiệp chủ động tính toán trước chi phí kinh doanh, bảo đảm hiệu quả kinh doanh, giúp cơ quan hải quan rút ngắn thời gian thông quan; đồng thời cũng hạn chế các trường hợp khiếu nại, khiếu kiện của doanh nghiệp về mã số hàng hóa, trị giá hải quan, xuất xứ hàng hóa nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu. Nội dung này cũng được quy định tại Công ước Kyoto cũng như các cam kết quốc tế trong khuôn khổ WTO, ASEAN.

Thứ sáu là luật mới tạo cơ sở pháp lý để thực hiện thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo cơ chế một cửa quốc gia. Luật bổ sung khái niệm “cơ chế một cửa quốc gia” tại Điều 4 và quy định trách nhiệm các bộ, ngành trong việc gửi giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu dưới dạng điện tử thông qua hệ thống thông tin tích hợp tại Điều 23. Luật Hải quan sửa đổi cũng quy định trách nhiệm của cơ quan kiểm tra chuyên ngành trong việc thông báo kết quả kiểm tra cho cơ quan hải quan trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả kiểm tra tại Điều 34.

Thứ bảy là luật mới tạo cơ sở pháp lý để tăng cường hoạt động kiểm tra sau thông quan được quy định từ Điều 77 đến Điều 82. Tại Điều 32 Luật Hải quan 2001 quy định về kiểm tra sau thông quan nhưng chưa quy định rõ về địa điểm tiến hành kiểm tra sau thông quan, quyền, nghĩa vụ của các bên có liên quan trong quá trình kiểm tra sau thông quan nên khó khăn trong quá trình thực hiện. Xuất phát từ việc thay đổi cách thức quản lý, chuyển đổi mạnh mẽ phương thức thực hiện thủ tục hải quan từ phương thức thủ công sang phương thức điện tử, giảm thời gian thông quan phù hợp với chủ trương cải cách hành chính hiện nay là chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có điều kiện đưa nhanh hàng hóa vào sản xuất, lưu thông trên cơ sở tuân thủ pháp luật, bảo đảm hiệu quả trong quản lý hải quan, ngăn chặn gian lận thương mại. Tại các Điều từ 77 đến Điều 82 Luật Hải quan sửa đổi đã quy định rõ về kiểm tra sau thông quan tập trung vào một số nội dung về: các trường hợp kiểm tra sau thông quan, địa điểm kiểm tra; nội dung kiểm tra, cách thức xử lý kết quả kiểm tra; thẩm quyền quyết định kiểm tra sau thông quan. Luật Hải quan sửa đổi cũng quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của cơ quan hải quan, của trưởng đoàn kiểm tra; quyền, nghĩa vụ của người khai hải quan.

Thứ tám là luật mới có quy định về việc khai bổ sung nội dung đã khai trên tờ khai hải quan sau khi hàng hóa đã thông quan tại Điều 28. Luật hiện hành quy định người khai hải quan được bổ sung, sửa chữa tờ khai trong thông quan nhưng chưa có quy định về khai bổ sung sau khi hàng hóa đã được thông quan. Nội dung này đã được đề cập tại Luật Quản lý thuế; tuy nhiên Luật Quản lý thuế chỉ đề cập đến việc khai bổ sung về thuế sau khi hàng hoá đã được thông quan. Luật Hải quan sửa đổi đã bổ sung quy định khai bổ sung để bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và thống nhất với Luật Quản lý thuế, khắc phục các vướng mắc trong quá trình thực hiện; phù hợp với các khuyến nghị tại Công ước Kyoto và Luật Hải quan một số nước, đồng thời cũng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu. 

LG: Vĩnh Hòa

  • Từ khóa
25136

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu