Thứ 6, 29/03/2024 21:52:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:28, 02/11/2018 GMT+7

Những nông dân DTTS làm kinh tế giỏi 

Thứ 6, 02/11/2018 | 08:28:00 1,224 lượt xem
BPO - Trong những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Hớn Quản tập trung phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến, là những gương sáng trong lao động sản xuất. Ông Điểu Bui và Điểu Tiên là hai trong số 13 gương nông dân người DTTS làm kinh tế giỏi năm 2018 vừa được UBND huyện Hớn Quản tuyên dương.

Ông Điểu Bui (1960) sinh ra và lớn lên tại ấp Sóc Ruộng, xã Minh Đức. đến năm 1980, ông sang tổ 1, ấp Sóc Răng, xã Thanh Bình, huyện Hớn Quản lập nghiệp. Ban đầu với số vốn ít ỏi, gia đình ông chỉ mua được 0,5 ha đất trồng tiêu. Thời điểm đó giá tiêu cao nên gia đình dành dụm mua thêm 2 ha đất trồng tiêu. Vài năm sau, tiêu rớt giá và vườn cây bị bệnh chết nhanh, ông chuyển sang trồng cao su. Kinh tế gia đình khó khăn, ông Điểu Bui quyết định chăn nuôi dê để có thêm nguồn thu. “Do diện tích đất rộng (2 ha trồng cao su, 0,5 ha trồng lúa) nên chăn nuôi sẽ thuận lợi hơn, giúp gia đình có nguồn thu trang trải cuộc sống hằng ngày” - ông Điểu Bui cho biết.

Ông Điểu Bui (bìa phải) được UBND huyện Hớn Quản tặng giấy khen

Đầu năm 2010, bắt đầu chăn nuôi dê, ông dùng lưới B40 rào xung quanh 0,5 ha đất đã cưa bỏ cao su, xây dựng chuồng trại và trồng cỏ, với khởi điểm là 4 cặp dê sinh sản. Đến cuối năm có 8 dê con, sau 4-5 tháng đàn dê phát triển tốt, xuất bán lứa đầu tiên trừ chi phí gia đình thu lãi 22 triệu đồng. Sau đó, ông tiếp tục phát triển và đầu tư chăn nuôi dê, đồng thời chăm sóc tốt vườn cao su. Hiện nay, hộ ông thu nhập từ cao su và nuôi dê hơn 100 triệu đồng/năm.

Thời gian qua, gia đình ông cung cấp dê giống cho người dân trong vùng và các xã lân cận để mở rộng đàn dê. Gia đình ông còn tạo việc làm cho bà con lối xóm, từ giúp con giống đến hỗ trợ kỹ thuật để phát triển kinh tế...

Ông Điểu Tiên (1960) ở ấp 5, xã An Khương (Hớn Quản) chia sẻ: Đồng bào S’tiêng ở An Khương sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, đời sống gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, trình độ học vấn của nông dân trong xã nói chung và bản thân còn hạn chế, từ đó việc nắm bắt và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất - kinh doanh chưa hiệu quả nên cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế chưa cao.

Từ năm 1992, ông Tiên tham gia Hội Nông dân xã và sinh hoạt tại Chi hội nông dân ấp 5 đến nay. Trước đây, đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, trồng cây gì, nuôi con gì cũng chạy theo phong trào. Từ khi tham gia hội, ông được các cấp hội quan tâm triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, tham dự các buổi hội thảo chuyển giao khoa học - kỹ thuật, các lớp tập huấn về chăm sóc cây trồng, vật nuôi và bảo quản nông sản sau thu hoạch. Đặc biệt, ông được tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế tiêu biểu trong và ngoài huyện để áp dụng vào sản xuất. Hiện nay, gia đình ông có hơn 3 ha cao su đang cho thu hoạch, ngoài ra còn nuôi thêm bò, dê, gà để cải thiện cuộc sống. Tuy giá mủ thấp nhưng gia đình ông vẫn gắn bó với cây cao su, đồng thời tuyên truyền người dân không chạy theo phong trào mà phá bỏ cây trồng đang cho thu hoạch. Với vai trò là Bí thư Chi bộ ấp 5 nên ông luôn gương mẫu đi đầu trong làm kinh tế và đóng góp vào công tác xã hội, được dân tin yêu, quý mến.

Hiện gia đình ông có thu nhập từ cây cao su, bò, dê, gà mỗi năm từ 200-250 triệu đồng. Ông đã xây được căn nhà khang trang, hỗ trợ các con ra ở riêng có cuộc sống ổn định. Hằng năm, ông còn giúp đỡ 5-6 gia đình hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất với số tiền khoảng 20 triệu đồng, đồng thời đóng góp kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi và an sinh xã hội của địa phương.

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi” vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Hớn Quản ngày càng phát triển. Từ đó tạo động lực thúc đẩy các hộ nông dân vùng sâu, xa, vùng đồng bào DTTS tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, chia sẻ những kinh nghiệm hay, việc làm tốt giúp hộ khó khăn vươn lên giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn.

Lê Khương

  • Từ khóa
2180

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu