Thứ 4, 24/04/2024 08:07:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:06, 16/10/2018 GMT+7

Những nông dân S’tiêng làm kinh tế giỏi

Thứ 3, 16/10/2018 | 06:06:00 2,914 lượt xem
BP - Nhờ siêng năng trong lao động, chủ động ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên nhiều hội viên nông dân người S’tiêng ở huyện Lộc Ninh đã trở thành gương làm kinh tế giỏi với những mô hình, cách làm phù hợp cho thu nhập từ vài trăm triệu đến gần 1 tỷ đồng mỗi năm. Tiêu biểu có các ông Điểu Đấy, Điểu Plô được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2017.

Làm kinh tế tổng hợp

Ông Điểu Plô ở ấp 1, xã Lộc An (Lộc Ninh) năm nay đã 64 tuổi nhưng hằng ngày vẫn ra vườn để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Năm 1984, ông Điểu Plô lập gia đình, sau đó lần lượt sinh được 4 người con. Thời trẻ, ông Điểu Plô tham gia trong lực lượng công an ở huyện Lộc Ninh. Ông thường tranh thủ làm kinh tế gia đình vào ngày nghỉ, ban đêm. Có ít vốn đầu tư sản xuất cùng quyết tâm cao, ông gầy dựng kinh tế từ việc mua 3 ha đất trồng điều xen canh cây bắp để lấy ngắn nuôi dài. Tiết kiệm trong chi tiêu, ông dành dụm vốn để đầu tư mua đất mở rộng trồng cao su, tiêu, cây ăn trái và chăn nuôi. “Mình vừa học tập kinh nghiệm, cách làm từ bên ngoài, sau đó linh hoạt ứng dụng vào làm kinh tế gia đình sao cho hiệu quả. Trồng chuyên canh tính rủi ro cao, vì vậy mình trồng nhiều cây, nuôi nhiều loại con như tiêu, cao su kết hợp nuôi heo, gà, bò, vịt... nên cho nguồn thu ổn định” - Điểu Plô nói.

Vườn mít Thái lá bàng của gia đình ông Điểu Plô sắp đến mùa thu hoạch

Với sự nỗ lực không ngừng, đến nay gia đình ông Điểu Plô có gần 15 ha trồng cao su, tiêu, cây ăn trái và nuôi bò, heo, chim bồ câu đem lại nguồn thu mỗi năm trên 800 triệu đồng. Hằng năm, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động là đồng bào địa phương; giúp đỡ trên 10 hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vốn, con giống, kinh nghiệm sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, với vai trò là người uy tín trong cộng đồng, ông Điểu Plô luôn tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đồng thời, vận động nhân dân đoàn kết, tương thân, tương ái, quan tâm giúp đỡ gia đình chính sách, các hộ gặp khó khăn do thiên tai, đói giáp hạt..., giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước vươn lên thoát nghèo, vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Ứng dụng khoa học - kỹ thuật

Cùng làm kinh tế giỏi, hiện nay gia đình ông Điểu Đấy ở ấp Tà Tê I, xã Lộc Thành (Lộc Ninh) đang có thu nhập bình quân trên 800 triệu đồng mỗi năm từ 6 ha cao su đang cho khai thác, 2 ha điều, 2 ha tiêu và 1,7 ha lúa nước cùng trên 20 con bò, dê.

Trên địa bàn ấp Tà Tê I chủ yếu là đồng bào S’tiêng làm ăn sinh sống, kinh tế còn nhiều khó khăn. Trước đây, gia đình ông Điểu Đấy cũng ít vốn liếng, với 1 ha đất sản xuất ban đầu do cha mẹ cho khi ra riêng, ông đã trồng điều xen canh cây xà cừ lấy gỗ. Với sự cần cù, chịu khó, gia đình ông tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc, giúp cây sinh trưởng phát triển tốt. Sau đó, ông bán cây xà cừ, tiếp tục mua thêm đất trồng cao su, tiêu. Nhờ đó, kinh tế gia đình ông Điểu Đấy không ngừng cải thiện, có điều kiện cho 2 con ăn học. Để có được những kết quả đó, gia đình ông Điểu Đấy đã không ngừng vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng. Ông Điểu Đấy nói: “Lúc mới ra riêng, gia đình mình khó khăn lắm, vay được ngân hàng 5 triệu đồng về trồng điều, sau trồng ít tiêu, tiết kiệm chi tiêu dành dụm mỗi năm mở rộng thêm ít đất sản xuất. Trước giờ mình làm theo khoa học - kỹ thuật, kết hợp kinh nghiệm của bản thân nên vườn cây luôn cho năng suất cao”.

Kinh tế gia đình phát triển, ông Điểu Đấy còn tích cực giúp đỡ hộ nghèo, đồng bào khó khăn trong ấp; vận động nhân dân đóng góp tiền, hiến đất làm trên 1km đường giao thông nông thôn trị giá trên 60 triệu đồng để thuận tiện đi lại và vận chuyển nông sản. Bản thân và gia đình tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động tại địa bàn. 

 Thời gian qua, ở huyện Lộc Ninh đã có hàng trăm hộ dân tộc thiểu số vươn lên làm kinh tế giỏi bằng những mô hình kinh tế đa cây, đa con kết hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, giúp họ từng bước thoát nghèo và làm giàu. Ông Lê Khắc Phú, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh cho biết: Khác hẳn một bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Lộc Ninh đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống cũng như lao động sản xuất để ổn định kinh tế gia đình. Minh chứng là có nhiều cá nhân, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập rất cao và đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa bàn, đồng thời tham gia tích cực các phong trào ở khu dân cư, đóng góp đổi mới quê hương.

Duy Khôi - Thu Trang

  • Từ khóa
2172

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu