Thứ 6, 29/03/2024 09:10:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:35, 08/11/2018 GMT+7

Những nông dân tỷ phú

Thứ 5, 08/11/2018 | 06:35:00 2,252 lượt xem
BP - Tấm bằng khen Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng về thành tích sản xuất - kinh doanh giỏi và có nhiều đóng góp cho xã hội mới đây được ông Nguyễn Văn Thân ở ấp Tân Đông, xã Tân Thành (Bù Đốp) và anh Nguyễn Văn Ngọc ở ấp 4, xã Đồng Nơ (Hớn Quản) treo trang trọng trong nhà. Đây là sự ghi nhận dành cho những nông dân năng động trong cách nghĩ, cách làm, dám chấp nhận thử thách, mạnh dạn đầu tư để thu về tiền tỷ mỗi năm.

Lập nghiệp trên vùng đất mới

Ở tuổi 64, lẽ thường người ta sẽ nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già và quây quần bên con cháu. Nhưng ông Nguyễn Văn Thân, thương binh hạng 4/4 hằng ngày vẫn tất bật với vườn rẫy ở cách nhà gần 200km. 14 năm trước, ông Thân xin nghỉ hưu sớm, sau đó rời thành phố Hồ Chí Minh đến xã Tân Thành làm kinh tế. Những năm 1973-1977, ông là lính trinh sát ở chiến trường miền Đông Nam bộ và từng chứng kiến nhiều đồng đội ngã xuống trên trận địa Bù Đốp, Lộc Ninh nên quyết định chọn Bù Đốp lập nghiệp cũng là để thỏa ước nguyện tìm lại đồng đội một thời vào sinh ra tử.

Không chỉ sản xuất - kinh doanh giỏi, ông Nguyễn Văn Thân còn có nhiều đóng góp cho xã hội

Ông Thân kể: “Năm 2004, vùng đất Tân Thành rất khó khăn, không có đường đi, người dân muốn mở đường cũng không có điều kiện vì còn phải chạy ăn từng bữa. Tôi đề xuất với lãnh đạo xã thuê xe vào ủi đường để dân thuận tiện đi lại. Chi phí ủi 2km đường hết 60 triệu đồng, tôi góp 17 triệu đồng từ khoản lương hưu mang theo làm ăn. Số tiền đó lúc bấy giờ có thể mua được mấy héc ta rẫy, nhưng tôi nghĩ có đường đi lại thuận tiện, điện kéo về tận nhà, cuộc sống sẽ sáng lên, mình yên tâm làm ăn thì khá lên mấy hồi”. Từ đó, tên con đường được người dân yêu quý đặt theo tên ông để nhớ công người mở đường trong những năm tháng khó khăn.

Ông Thân luôn tâm niệm “cứ cho đi sẽ nhận lại hơn thế”. Quả đúng vậy, dạo bước quanh trang trại 9 ha với đủ loại cây trồng tươi tốt mới cảm nhận được thành quả lao động vất vả, trân quý từng tấc đất của lão nông chân chất này. 14 năm biến đất cằn thành nông trại, chưa ngày nào ông cho đất nghỉ, trang trại tổng hợp ngút tầm mắt với cao su, tiêu, bưởi da xanh, ao cá, trại gà... mang về cho ông tiền tỷ mỗi năm, góp phần vào sự trù phú, sung túc của vùng đất biên giới Bù Đốp.

Đi làm kinh tế một mình, vợ con đều ở thành phố, mỗi tháng ông bắt xe đò về thăm gia đình một lần. Quà mang theo là gà rẫy, cá ao và rau vườn tự trồng, nuôi, cho vợ con. Có được cơ ngơi ngày hôm nay, ngoài nghị lực của bản thân là sự đùm bọc, sẻ chia, giúp đỡ nhiệt thành của bà con làng xóm nên ông Thân tâm niệm không đợi khi giàu mới giúp người khó. “Tôi không có nhiều tiền để mang cho từng người mà chỉ biết giúp họ có một công việc, kiếm tiền chính đáng từ sức lao động của bản thân. Đó cũng là lý do tôi nhận những hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm ổn định vào làm việc cho mình với mức lương 6 triệu đồng/tháng và giải quyết việc làm thời vụ cho hàng chục lao động tại địa bàn” - ông Thân chia sẻ.

Ông Thân cũng không kể hết về số tiền đóng góp làm các tuyến đường bê tông, cấp phối sỏi đỏ cho mọi người đi lại thuận tiện; giúp đồng chí, đồng đội vốn làm ăn không cần hoàn trả; hỗ trợ các hội, đoàn thể... nhưng chúng tôi biết con số không hề nhỏ, bởi những gì ông làm đều xuất phát từ tấm lòng.

Chủ động tìm phương thức làm ăn

Thuê đất trồng 15 ha khoai mỡ, vụ này anh Nguyễn Văn Ngọc ở ấp 4, xã Đồng Nơ sẽ có hàng tỷ đồng. Đó là nhờ sự nhạy bén, năng động của nông dân trẻ thời kinh tế mở, chủ động tìm kiếm thị trường và mạo hiểm làm ăn lớn.

Năm 1990, rời Nghệ An vào Đồng Nơ lập nghiệp, anh Ngọc phụ việc cho anh trai 4 năm, khi lấy vợ được anh cho 1,3 ha đất. Không cho đất nghỉ, xuống giống cao su, điều đến đâu anh Ngọc trồng xen các loại cây ngắn ngày đến đó để bảo đảm nguồn thu cho gia đình và tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích. Đến nay, diện tích đất nhà anh Ngọc đã tăng lên 7 ha, trong đó 5 ha trồng cao su, còn lại là tiêu và cây ăn trái.

Thuê đất trồng khoai mỡ đang mang về cho gia đình anh Nguyễn Văn Ngọc ở ấp 4, xã Đồng Nơ (Hớn Quản) hàng tỷ đồng mỗi năm

Nắm bắt thị trường thấy khoai mỡ tím được ưa chuộng, người dân miền Tây đã trồng thành công nhiều năm, nhưng ở Bình Phước cây trồng này còn mới nên anh mua giống về trồng thử. Loại cây này chỉ 6 tháng cho thu hoạch mà không mất nhiều công chăm sóc. Năm 2010, anh trồng khoai mỡ tím trên 5 sào đất, thu 3,5 tấn. Giá bán thời điểm đó 8.000 đồng/kg nhưng anh chỉ bán 2 tấn, số còn lại làm giống. Thắng lớn vụ đầu, năm tiếp theo anh xuống giống 1,5 tấn, sau 6 tháng chăm sóc thu được 30 tấn. Sau đó, anh thuê đất của những hộ trồng cao su chưa khép tán để xuống giống khoai mỡ nên diện tích tăng dần qua từng năm.

“Năm nay, tôi tiếp tục thuê 15 ha đất trồng cao su chưa khép tán gần nhà trồng khoai mỡ. Chưa đến ngày thu nhưng thương lái đến tận vườn trả giá 12 ngàn đồng/kg. Với 5 ha cao su 1 năm trừ chi phí chỉ dư 200 triệu đồng nhưng trồng khoai mỡ 1 năm đang mang về cho gia đình tôi tiền tỷ. Hiện giá nông sản lên xuống thất thường nếu không năng động, nhạy bén tìm phương thức làm ăn mới, chọn cây trồng phù hợp để kiếm thêm thu nhập thì sẽ mãi “giậm chân tại chỗ”” - anh Ngọc nói.

Có thêm nguồn thu lớn này là nhờ dám mạo hiểm, đầu tư phương tiện, cơ giới bài bản và chủ động tìm kiếm đầu ra trước khi quyết định trồng cây gì của tỷ phú nông dân Nguyễn Văn Ngọc. Thấy anh Ngọc trồng khoai mỡ có lời, nhiều hộ dân ở xã Đồng Nơ liên hệ học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng. Đến nay, diện tích khoai mỡ toàn xã Đồng Nơ lên đến 200 ha. Nhiều hộ trồng nên có sự cạnh tranh về giá, tuy nhiên theo anh Ngọc, đây là tín hiệu vui vì cây khoai mỡ đang giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Ngân Hà

  • Từ khóa
94480

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu