Thứ 6, 26/04/2024 17:44:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:17, 12/04/2019 GMT+7

Nở rộ nghề “hái lộc trời” - Bài 1

Thứ 6, 12/04/2019 | 06:17:00 12,008 lượt xem
BP - Hiện nay, nhiều người cho rằng, dẫn dụ chim yến là nghề “một vốn bốn lời”, vì không cần đầu tư chăn nuôi, chăm lo nguồn thức ăn, chỉ bỏ tiền xây “nhà trọ” dụ yến về ở thì loài chim trời này mang đến nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Những năm gần đây, nhà dẫn dụ chim yến mọc lên như nấm sau mưa. Tuy nhiên sự tự phát này đã để lại nhiều hệ lụy về môi trường và tiềm ẩn sự không bền vững.

“CANH BẠC” DẪN DỤ CHIM YẾN

Phần lớn người dân dẫn dụ chim yến chưa nghiên cứu, lường trước rủi ro của nghề này cũng như hiểu hết về đặc tính của loài yến. Nên ngoài những người thành công trong ngành yến do có thời gian đầu tư lâu năm, không ít hộ phải “hái lá đắng” thay vì “lộc trời” do chạy theo trào lưu. 

Đua nhau xây “nhà trọ” cho yến

Bị hấp dẫn bởi giá 25 triệu đồng/kg tổ yến thô, ông Phạm Văn Miễn (65 tuổi), ở thôn Tân Phước, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng bán 1 ha cao su đang cho thu hoạch và vay thêm ngân hàng 500 triệu đồng để xây nhà yến. “Tôi có biết gì về yến đâu, thấy người ta làm có lời cao thì làm theo. Người thành phố Hồ Chí Minh còn về đây xây dựng nhà dẫn dụ chim yến, mình dân địa phương không làm sớm thì thua người ta. 5 người con, đứa thì lập gia đình ở riêng, đứa đi làm ăn xa, nhà chỉ còn vợ chồng tôi không có sức làm nông nghiệp nữa. Dụ chim yến không cần chăm sóc vẫn có thu nhập cao. Đây là giải pháp tài chính tốt nhất để vợ chồng tôi hưởng tuổi già” - ông Miễn cho biết. Không chỉ ông Miễn mà trên địa bàn tỉnh nhiều người dân đang đua nhau chọn đầu tư xây “nhà trọ” cho loài chim quý này để chờ lộc trời.

Dạo một vòng quanh xã Nha Bích (Chơn Thành), nơi nghề dẫn dụ chim yến về làm tổ phát triển nhanh, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Anh Lâm Tip, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Năm 2015, trên địa bàn xã Nha Bích chỉ có khoảng 7 gia đình, hiện có hơn 30 nhà dẫn dụ yến và không ngừng tăng lên về số lượng trong thời gian gần đây.

3 nhà dẫn dụ chim yến liền kề nhau được xây dựng theo mô hình “2 trong 1” tại thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng

Là người tiên phong xây nhà yến từ năm 2008, ông Đặng Văn Hiếu ở tổ 7, ấp 1, xã Nha Bích, có diện tích nhà mặt sàn gần 80m2. Đến năm 2015, ước lượng đàn yến của gia đình ông Hiếu khoảng 100 tổ. Thấy tín hiệu tích cực từ gia đình ông Hiếu, năm 2011, ông Thân Văn Đắc ở ấp 4 cũng đầu tư xây nhà dụ yến với diện tích 75m2. Đến năm 2015, tổng số đàn yến của gia đình ông Đắc ước lượng khoảng 1.000 con, với 300 tổ, mỗi tháng gia đình ông có nguồn thu rất lớn từ tổ yến. Thấy hiệu quả kinh tế cao, người dân xung quanh bắt đầu đổ xô đầu tư nhà yến, nhất là từ năm 2017 trở lại đây. Hiện nhiều nhà dẫn dụ chim yến ở Nha Bích đã có thu hoạch bình quân trên 100 triệu đồng/tháng.

Gần đây, khu vực phường Tân Bình (Đồng Xoài), nhà dẫn dụ chim yến mọc lên như nấm, đặc biệt là các khu phố Tân Bình, Thanh Bình, Tân Trà 1 và Tân Trà 2. Ông Lê Duy Sinh, Chủ tịch UBND phường Tân Bình cho biết: Năm 2015, trên địa bàn phường chỉ có khoảng 30 nhà dẫn dụ chim yến. Đến nay con số này lên trên 50 hộ, với 60 nhà dẫn dụ chim yến. Do lợi nhuận cao, lại không tốn công chăm sóc nên nhiều hộ dân kinh doanh nhà dụ yến. Nhiều hộ còn cầm cố vay mượn ngân hàng để có tiền đầu tư xây nhà yến. Thậm chí một số hộ tận dụng, cơi nới nhà ở, nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn nhằm mục đích dẫn dụ chim yến.

Nói về tiềm năng kinh tế của nghề dẫn dụ chim yến, ông Võ Đức Trung ở ấp 3, xã Đoàn Kết (Bù Đăng) - người chuyên xây dựng nhà yến cũng như có thâm niên gần 10 năm nuôi yến cho rằng: “Bình Phước giáp ranh khu vực Tây Nguyên, thích hợp cho nghề nuôi yến bởi khí hậu và độ ẩm phù hợp. Khu vực này còn được bao bọc bởi rừng cao su, điều nên nguồn thức ăn tự nhiên của yến rất dồi dào. Mặt khác, giá yến thô luôn giữ mức ổn định nên mang về nguồn thu không nhỏ cho các hộ kinh doanh. Gia đình tôi đang kinh doanh 3 nhà yến, trong đó 1 nhà xây từ năm 2010 với diện tích 100m2, mỗi tháng thu khoảng 10kg yến thô, giá bán dao động từ 22-25 triệu đồng/kg. Mỗi năm thu nhập từ 3 nhà dẫn dụ chim yến trên 2 tỷ đồng”.

Tuy mang về lợi nhuận cao nhưng để đầu tư nhà dẫn dụ chim yến cần vốn lớn và phải sau 3 năm chủ đầu tư mới có thể thu hồi vốn và có lời từ năm thứ 4. “Chi phí xây dựng nhà dẫn dụ chim yến cùng các vật dụng như máy điều hòa nhiệt độ, hệ thống internet, máy phát âm thanh dẫn dụ chim yến... khoảng 3-4 triệu đồng/m2, đó là chưa kể tiền mua đất nền. Như vậy, tính trung bình để sở hữu một nhà yến thì chi phí lên tới cả tỷ đồng” - ông Võ Đức Trung cho biết thêm.

Chiều chiều ra đứng ngóng trông...

Không phải ai đầu tư vào nghề yến cũng thành công. Không ít gia đình bỏ tiền tỷ đầu tư xây nhà dẫn dụ chim yến nhưng thất bại vì sai kỹ thuật, yến không đến làm tổ. Mặt khác, với việc người dân ồ ạt đầu tư xây nhà nuôi yến khiến nguồn thức ăn của loài chim này bị hạn hẹp, thị trường thương phẩm của yến đến một lúc nào đó sẽ bị bão hòa nên người dân cần cẩn trọng.

Thợ kỹ thuật đang thi công mặt sàn, lắp ráp thiết bị âm thanh dẫn dụ chim yến cho gia đình ông Phạm Văn Miễn ở thôn Tân Phước, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng

Chị Nguyễn Thị Vân ở thôn 12, xã Long Hà (Phú Riềng) cho biết: “Tôi xây nhà dẫn dụ chim yến được 3 năm, là người đầu tiên trong thôn đầu tư mô hình kinh tế này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nguồn thu từ chim yến”. Cũng đầu tư nhà yến hơn 2 năm nay, anh Nguyễn Văn Thông ở tổ 2, khu phố Thanh Bình, phường Tân Bình (Đồng Xoài) vẫn trong nỗi niềm “chờ yến về làm tổ”. Chiều nào cũng vậy, cứ đến 17 giờ 30 phút, vợ chồng anh lại ra đứng ngóng từng con chim yến bay vào nhà, nhưng bóng vẫn lác đác, thưa thớt.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2015, toàn tỉnh có khoảng 178 hộ kinh doanh nhà dẫn dụ chim yến, tổng đàn ước khoảng 60.692 con, ước khoảng 18.174 tổ, trung bình mỗi tháng thu về khoảng 27kg tổ yến thô. Năm 2017, ở 5 địa bàn Phước Long, Chơn Thành, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Đồng Xoài có tổng 185 nhà dẫn dụ chim yến của 136 hộ với diện tích 32.062m2 và 10 nhà dẫn dụ chim yến đang được xây dựng, 39.077 tổ yến, sản lượng 49kg/tháng. Trong đó, riêng Đồng Xoài có 104 hộ với 109 nhà dẫn dụ chim yến, số lượng đàn yến ước khoảng 34.000 con, cho sản lượng 19kg/tháng.

Trong khi số tiền lãi ngân hàng hằng tháng anh vay để mua đất mở rộng diện tích xây dựng nhà dẫn dụ chim yến vẫn “đúng hẹn lại lên”. “Đầu tư nhà dẫn dụ chim yến phải chấp nhận rủi ro cao, bởi đầu tư nhiều trong khi không phải ai cũng may mắn có được “lộc trời”. Nhưng đã theo “canh bạc” dẫn dụ chim trời ngoài phải chấp nhận chờ đợi thì không biết làm gì hơn” - anh Thông nói.

Ông Nguyễn Đình Quang, Chủ tịch UBND xã Bù Nho cho biết: Trên địa bàn xã, trước năm 2015, một số người đã xây dựng nhà dẫn dụ chim yến theo kiểu may rủi. Thời điểm đó, nhà dẫn dụ chim yến còn ít nên tỷ lệ thành công lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điều này làm rộ lên phong trào chạy đua theo nghề “hái lộc trời” mà những người trong cuộc không phải ai cũng hiểu rõ đặc tính loài chim yến cũng như rủi ro của nghề này. Hiện trên địa bàn 9 thôn, ấp của xã có 84 nhà dẫn dụ chim yến, trong đó 2/3 số nhà dẫn dụ chim yến phát sinh trong 2 năm 2017 và 2018. Theo khảo sát của UBND xã, hiện nay việc xây dựng nhà dẫn dụ chim yến trên địa bàn xã vẫn diễn ra nhưng không phát triển ồ ạt như thời điểm năm 2017 và 2018. Vì người dân đã bắt đầu nhận thấy tỷ lệ thất bại cao trong đầu tư. Minh chứng là trong 84 nhà dẫn dụ chim yến trên địa bàn xã thì chỉ có 5 nhà thành công, còn lại đang trong thời gian vừa nuôi vừa dưỡng, chưa cho thu hoạch. 5 nhà thành công đó đều có thời gian đầu tư khoảng từ 8-10 năm.

Ngọc Bích - Xuân Túc

  • Từ khóa
94531

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu