Thứ 7, 20/04/2024 02:54:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 21:06, 01/08/2015 GMT+7

Nỗi đau từ đất

Thứ 7, 01/08/2015 | 21:06:00 131 lượt xem
BP - Lâu nay, chuyện tranh chấp đất đai trong cộng đồng dân cư xảy ra không ít, nhưng việc chị em ruột từ mặt nhau, kéo nhau ra tòa vì đất đai là điều hiếm gặp. Chuyện 5 chị em con bà Nguyễn Thị Mào ở xã Long Hà (Bù Gia Mập) đưa nhau ra tòa vì 5 lô đất của cha mẹ đã làm cho dư luận đàm tiếu.


Căn nhà gỗ và một phần diện tích đất của bà Mào đang tranh chấp

Trong căn nhà gỗ lọt thỏm giữa khu vườn khá rộng, bà Nguyễn Thị Mào (80 tuổi) nằm như bất động vì chứng tai biến của tuổi già. Trước tình cảnh các con tranh giành quyền lợi, nước mắt bà cứ trào ra.

Nguồn gốc của sự tranh chấp

Từ những năm trước chiến tranh, vợ chồng ông Nguyễn Văn Cân (đã chết) - bà Nguyễn Thị Mào đến lập nghiệp tại xã Long Hà ngày nay. Tại đây, vợ chồng bà Mào khai phá được một diện tích đất để canh tác và dựng nhà ở.  Năm 1992, số diện tích đất của bà Mào, ông Cân được UBND huyện Phước Long cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Trong quá trình lập nghiệp, vợ chồng bà Mào sinh được 5 người con gái và một người con trai thứ ba tên là Nguyễn Văn Đạo (1966).

Bà Nguyễn Thị Dưỡng (1968) là con thứ 4 của bà Mào cho rằng: “Sau khi làm GCNQSDĐ xong, cha mẹ cho tôi 13.160m2 đất. Tôi đã trồng cao su trên diện tích 7.349m2, diện tích còn lại để không. Năm 2008, do cần tiền nên tôi bán hết diện tích đất mà cha mẹ cho với giá 148 triệu đồng. Hiện vợ chồng anh trai (ông Đạo, bà Thao) kiện tôi để lấy lại diện tích đất đã bán, tôi không đồng ý”.

Ông Đạo cho rằng, năm 1993, bà Mào, ông Cân lập giấy ủy quyền tài sản cho ông được quyền sở hữu, sử dụng toàn bộ tài sản của cha mẹ gồm 5 thửa đất và một căn nhà gỗ. Tất cả diện tích đất đều có sổ đỏ do ông Nguyễn Văn Cân đứng tên. Năm 1994, ông Cân mất, vài năm sau bà Mào bị tai biến nên bà Dưỡng (em ruột ông Đạo) sang chăm sóc và có ý định chiếm đoạt luôn căn nhà gỗ cùng diện tích đất nên ông khởi kiện để đòi lại tài sản do cha mình đã làm giấy ủy quyền sử dụng.

Nay ông Đạo yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Bù Gia Mập tuyên hủy các hợp đồng sang nhượng đất giữa các chị em của ông với người khác, trong đó có bà Dưỡng. Đồng thời, đề nghị tòa bác đơn yêu cầu đòi chia tài sản của 4 chị em gái nhà ông Đạo. Ông Đạo mong tòa giải quyết cho mình ông được thừa hưởng tất cả số tài sản do cha ông để lại. Ngoại trừ mẹ già bị tai biến nằm liệt giường không được ông nhắc tới...

Án dân sự... xử sao cũng được?

Một luật sư của Đoàn luật sư Bình Phước cho hay: “Tài sản là của chung ông Cân, bà Mào. Nay ông Cân chết không để lại di chúc thì phải chia thừa kế theo pháp luật. Theo quy định tại Tiểu mục 2.4, Mục 2 Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP ngày 10-8-2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì bà Mào và các con, trong đó có ông Đạo là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất khi chia thừa kế phần tài sản của ông Cân để lại”.

Ngày 24-4-2015, Tòa án nhân dân huyện Bù Gia Mập đưa vụ tranh chấp về quyền sử dụng đất ra xét xử. Tại tòa, bà Nguyễn Thị Nuôi (con út của bà Mào) đã bác bỏ toàn bộ yêu cầu của ông Đạo. Bà Nuôi cho rằng, việc ông Đạo làm giấy ủy quyền giả sau cái chết của cha mình là nhằm chiếm đoạt tài sản. “Bởi cha mẹ của chúng tôi tên là Cân và Mào, nhưng ông Đạo lại viết thành Căn và Màu là không đúng. Thứ nữa, cha tôi chết trước khi có giấy ủy quyền 1 năm là biết ông Đạo làm giả để trục lợi” - bà Nuôi tố cáo anh trai mình vì lợi quên nghĩa. Hai người con khác của bà Mào là Nguyễn Thị Hưởng (thứ 2), Nguyễn Thị Đài (chị cả) đều đồng tình với ý kiến của bà Nuôi và đề nghị hội đồng xét xử ra quyết định bác đơn của ông Đạo và chia thừa kế số tài sản hơn 1,2 tỷ đồng của bà Mào, ông Cân theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện Bù Gia Mập lại tuyên án chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Đạo. Công nhận quyền sở hữu của ông Đạo đối với tất cả 5 lô đất, không chấp nhận yêu cầu chia tài sản thừa kế theo pháp luật của 4 chị em bà Đài, Hưởng, Dưỡng, Nuôi... Trước nguy cơ người mẹ già tai biến bị đẩy ra khỏi nhà và không được quyền sở hữu tài sản của chồng và các con không được hưởng phần thừa kế tài sản của cha để lại nên cả 4 người con gái của bà Mào đã kháng cáo toàn bộ bản án lên Tòa án nhân dân tỉnh.

Công luận lên tiếng

Sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bù Gia Mập đã có Quyết định kháng nghị số 07/QĐKNPT-DS ngày 8-5-2015 về việc kháng nghị toàn bộ bản án.

Tại quyết định kháng nghị này, Viện Kiểm sát nhân dân huyện cho rằng, vợ chồng bà Mào, ông Cân có 5 người con. Trong năm 1993, ông Cân, bà Mào làm giấy ủy quyền có xác nhận của địa phương với nội dung giao toàn bộ tài sản gồm 5 thửa đất (21.294,7m2) cho ông Đạo sử dụng quản lý. Tuy nhiên, theo Luật Dân sự hiện hành thì hợp đồng ủy quyền giữa ông Cân, bà Mào với ông Đạo chỉ có hiệu lực trong vòng một năm. Như vậy, đến thời điểm xảy ra tranh chấp thì hợp đồng ủy quyền giữa ông Cân, bà Mào với ông Đạo đã hết hiệu lực thi hành. Hơn nữa, tài sản này là của chung vợ chồng ông Cân - bà Mào. Nay ông Cân đã chết, bà Mào còn sống nên bà và 5 người con thuộc hàng thừa kế thứ nhất đối với phần tài sản của ông Cân, nhưng bản án chỉ giao cho bà Mào 951m2 đất trong tổng số tài sản chung của hai vợ chồng, còn các con thì không được hưởng là không có căn cứ. Ngoài ra, toàn bộ diện tích đất này đều do ông Nguyễn Văn Cân đứng tên chứ không phải do vợ chồng ông Đạo, bà Thao là chủ sở hữu nên việc tòa cấp sơ thẩm căn cứ vào giấy ủy quyền của ông Cân - bà Mào với ông Đạo để giải quyết vụ án này là không đúng quan hệ tranh chấp.

Bên cạnh đó, sau khi ông Cân mất, bà Mào bị tai biến và sống với con gái là bà Dưỡng. Ngoài ra, 4 chị em của ông Đạo đều thống nhất cử bà Nguyễn Thị Đài, chị cả trong gia đình là người đại diện cho bà Mào trước pháp luật. Do vậy, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bù Gia Mập đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh xét xử phúc thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án của phiên tòa sơ thẩm và giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện xét xử theo thủ tục chung.

Cần lắm một bản án từ lương tâm

Bà Nguyễn Thị Nuôi cho rằng: “Từ trước đến nay, cả 5 chị em sống hòa thuận, vui vẻ, ai cũng chuyên tâm lo lắng cho gia đình. Nhưng từ khi mẹ tôi bị tai biến (năm 2010) thì anh tôi (ông Đạo) hầu như không đoái hoài đến. Đã vậy, anh Đạo còn nghe lời vợ khởi kiện chị em tôi để chiếm toàn bộ tài sản. Tôi và mấy chị em không muốn rơi vào cảnh này. Nếu anh Đạo có lương tâm, có trách nhiệm với mẹ, là người ruột thịt của gia đình thì chúng tôi sẵn sàng giao hết cho anh ấy quản lý sử dụng toàn bộ tài sản của cha mẹ để lại”.

Khi chúng tôi về Long Hà hỏi thăm nhà bà Mào, ai cũng xót xa cho hoàn cảnh người mẹ già một đời tích cóp, lo cho các con nhưng nay phải nằm mà nghe, nhìn cảnh “nồi da xáo thịt”. Chị em bà Dưỡng, Nuôi đều cho rằng: “Phán quyết của tòa cấp sơ thẩm dù không đúng nhưng trong chúng tôi ai cũng bị cắn rứt vì bản án lương tâm. Giá như vợ chồng ông Đạo không tham thì chị em tôi đâu tan đàn xẻ nghé”. Người dân Long Hà cũng chê trách và mong mọi người trong gia đình bà Mào đừng vì một chút lợi mà đánh mất nghĩa tình ruột thịt. 

PV Nội Chính

  • Từ khóa
52015

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu