Thứ 4, 24/04/2024 18:29:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:55, 20/01/2016 GMT+7

Nỗi khổ của công nhân khu công nghiệp

Thứ 4, 20/01/2016 | 09:55:00 439 lượt xem

BP - Đời sống của công nhân trong các khu công nghiệp còn hết sức khó khăn. Tiền lương thấp, cường độ lao động cao, bữa ăn không đủ chất, nơi ở còn rất tạm bợ..., thêm vào đó lại bị kẻ xấu dụ dỗ, lừa đảo càng làm cho khó khăn của nhiều công nhân thêm chồng chất. Những ngày đầu năm 2016, giáp tết Bính Thân, việc công nhân của Nhà máy 3 - Chi nhánh Công ty giày da Thái Bình trên địa bàn thị xã Đồng Xoài bị giật hụi, mất sạch tiền gom góp mà Báo Bình Phước đã phản ánh, một lần nữa cho thấy vấn đề chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ công nhân phải được đặt ra cấp bách đối với các cấp chính quyền địa phương và tổ chức liên quan.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có khoảng hơn 20 triệu lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp và khu chế xuất. Họ là lực lượng đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, một nghịch lý đang diễn ra là trong khi kinh tế - xã hội phát triển nhanh, sự đóng góp của công nhân là rất đáng kể nhưng mức sống của đội ngũ này hiện còn quá khó khăn. Mặc dù từ ngày 1-1-2016 công nhân đã được tăng lương cơ bản nhưng kèm theo đó là nhiều thứ đều tăng nên thu nhập vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu chi tiêu tối thiểu. Tính theo nhóm ngành nghề năm 2015, lương cao nhất của công nhân thuộc lĩnh vực giao thông, xây dựng với 3,53 triệu đồng/tháng; thấp nhất là da giày, chỉ 2,58 triệu đồng/tháng. Với mức lương tối thiểu hiện nay thì chỉ công nhân độc thân, không nặng gánh gia đình mới mong có được đồng dư. Còn những người có gia đình, con cái, dù tiết kiệm hết mức vẫn phải lo ăn từng bữa. Nhiều người lao động ở các khu công nghiệp vẫn đang phải từng ngày thắt lưng buộc bụng, thậm chí thường xuyên tăng ca nên không còn thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động.

 Khảo sát thực trạng bữa ăn ca của người lao động trong doanh nghiệp cho thấy, giá trị bữa ăn của công nhân rất thấp, trong khi đó, vệ sinh an toàn thực phẩm lại chưa bảo đảm. Theo số liệu của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), tại các khu công nghiệp những năm gần đây, mỗi năm cả nước có từ 11-20 vụ ngộ độc, trung bình 1.500 công nhân phải nhập viện. Chỗ ở của công nhân khu công nghiệp thì chỉ là nơi để ngả lưng sau những giờ lao động căng thẳng và vất vả. Khi đến nơi ở trọ của công nhân, ai cũng thấy hầu hết đều là phòng có diện tích rất nhỏ, mái tôn thấp lè tè nhưng lại không có la phông. Bên cạnh đó, vấn đề an ninh trật tự nơi có nhiều công nhân ở trọ cũng khá phức tạp. Chính vì vậy, những kẻ bất lương mới có cơ hội để dụ dỗ, mua chuộc công nhân tham gia vào những cuộc chơi như hụi để cướp sạch đồng tiền họ dành dụm được.

Từ thực tế hiện nay, đặt ra cho các ngành, các cấp liên quan vấn đề cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của công nhân khu công nghiệp là rất cấp bách. Trước hết doanh nghiệp phải bảo đảm mức lương tối thiểu để công nhân đủ sống. Tiếp sau đó là các giải pháp liên quan tới việc bảo đảm môi trường làm việc, điều kiện sinh hoạt, nghỉ ngơi, chăm lo đời sống tinh thần cũng cần được các nhà quản lý, doanh nghiệp chú tâm. Nếu không có sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và đặc biệt là doanh nghiệp sử dụng lao động thì đời sống của công nhân các khu công nghiệp vẫn không thể nào khá lên được. Cùng với đó là tiêu cực mà người chịu hậu quả là công nhân sẽ còn xảy ra.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu