Thứ 4, 24/04/2024 03:02:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:44, 14/09/2018 GMT+7

Nói không với công nghệ lạc hậu

Thứ 6, 14/09/2018 | 08:44:00 490 lượt xem
BP - Tại hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ 9 về sức khỏe nghề nghiệp và môi trường vừa qua, PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho rằng: Qua hơn 30 năm đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đã có nhiều thành tựu, nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ biến Việt Nam thành bãi rác công nghiệp.

Nhận định này không phải không có cơ sở, bởi trong một báo cáo gần đây của Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI), 75% doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam đang sử dụng máy móc hết khấu hao. Các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn loay hoay không thể thoát ra được những máy móc có công nghệ lạc hậu 2-3 thế hệ. Công nghệ sản xuất và chế biến lạc hậu, lại thiếu sự đầu tư dẫn đến thất thoát, lãng phí tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường, đồng thời từng bước đưa nước ta trở thành “túi rác” máy móc, thiết bị lạc hậu của thế giới.

Sản xuất bằng công nghệ lạc hậu kéo theo hệ lụy, hàng hóa kém chất lượng, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, đầu tư... Thực tế cho thấy, thời gian qua ngành chức năng liên tục phát hiện nhiều doanh nghiệp chỉ xây dựng hệ thống xử lý chất thải, khí thải, nước thải cho có mà không vận hành, dẫn đến ô nhiễm môi trường và gây bức xúc dư luận. Hàng hóa kém chất lượng làm ảnh hưởng đến các nhà đầu tư chân chính, các nhà đầu tư công nghệ cao do chi phí sản xuất thấp, hàng bán ra với mức giá thấp hơn so với giá của các loại hàng hóa chất lượng, nhưng vẫn thu lời cao...

Bình Phước có 13 khu công nghiệp với diện tích 4.686 ha. Trong đó, 8 khu công nghiệp với 97 doanh nghiệp đang hoạt động, diện tích 1.191 ha, thu hút 164 dự án cùng trên 4.200 doanh nghiệp và 30 cụm công nghiệp, góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Để duy trì phát triển bền vững, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, hiện tỉnh đang từng bước đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, hiện đại, tăng nhanh giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời thực hiện tái cơ cấu công nghiệp, ưu tiên phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp; tăng cường hợp tác đầu tư với các tỉnh bạn, các tập đoàn kinh tế, hợp tác quốc tế...

Tuy nhiên, muốn thực hiện thành công những định hướng đã đề ra thì ưu tiên hàng đầu của tỉnh là phải lựa chọn những doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, công nghệ cao phục vụ sản xuất và nói không với công nghệ lạc hậu. Muốn vậy, các cấp và ngành chức năng cần có những quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị với những tiêu chuẩn đủ sức ngăn chặn công nghệ lạc hậu, lỗi thời; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến trong hoạt động sản xuất, khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên khoáng sản. Các cơ quan trung gian trong việc thẩm định, kiểm tra công nghệ phải thực hiện nghiêm vai trò, trách nhiệm khi xác nhận các loại máy móc, thiết bị trước khi cho nhập khẩu. Ngành chức năng phải tăng cường quản lý nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu máy móc, thiết bị; xử lý nghiêm những doanh nghiệp sản xuất bằng máy móc, thiết bị lạc hậu gây ô nhiễm môi trường... Đồng thời tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ, thân thiện với môi trường, phát triển các công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải để bảo vệ môi trường bền vững.

 Lâm Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu