Thứ 6, 29/03/2024 13:02:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:25, 06/03/2018 GMT+7

Nỗi lo của người trồng điều

Thứ 3, 06/03/2018 | 08:25:00 166 lượt xem
BP - Hiện giá thu mua hạt điều tươi trên địa bàn tỉnh khoảng 40-45 ngàn đồng/kg, tương đương với mức giá bình quân trong khoảng 5 năm qua, nhưng so với đầu mỗi vụ thu hoạch thì cao hơn đáng kể. Dự báo thị trường để bán sản phẩm của mình với giá tốt nhất chưa bao giờ là bài toán dễ dàng với người nông dân và với người trồng điều việc này càng khó khăn hơn.

Thời điểm này năm trước, người trồng điều cũng đã ở cuối vụ thu hoạch. Khi ấy nông dân thiệt đơn thiệt kép vì không chỉ mất mùa do bị sâu bệnh hại, sương muối, mưa trái mùa..., mà còn bị mất giá. Việc mất mùa, mất giá không chỉ phụ thuộc thị trường, mà còn bởi lý do khá đơn giản là do chất lượng hạt điều. Việc đó dẫn tới đến nửa cuối năm 2017 - khi cơ sở, doanh nghiệp sử dụng hết nguyên liệu dự trữ, giá hạt điều mới nhích lên. Rất tiếc, lúc này lượng hạt điều chẳng còn bao nhiêu, bởi người trồng điều đã bán trước đó để trang trải cuộc sống và tái đầu tư cho mùa sau. Vì thế, vụ điều 2016-2017, không ít nông dân thua lỗ nếu như đầu tư nhiều nhưng bị mất mùa, bán giá không đúng thời điểm.

Năm nay, dự báo năng suất điều cả nước cũng như Bình Phước sẽ cao hơn vụ 2016-2017. Song, so với những năm được mùa, dự báo sản lượng, năng suất vụ 2017-2018 vẫn còn kém xa. Nhiều năm liên tục không được mùa, nên lượng hạt điều trữ trong kho của doanh nghiệp cũng chỉ còn không đáng kể... Những thông tin, con số này có lợi cho người trồng điều, bởi nó sẽ dẫn tới giá tốt hơn những vụ trước, đặc biệt là cuối tháng 11-2017, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) dự báo kim ngạch và sản lượng xuất khẩu điều năm 2018 sẽ cao hơn năm 2017.

Tuy nhiên, tin vui này nhanh chóng khựng lại sau đó 2 tháng, vào cuối tháng 1-2018, Vinacas lại đưa ra mục tiêu kim ngạch và sản lượng xuất khẩu năm 2018 sẽ thấp hơn năm 2017. Cụ thể, Vinacas đặt mục tiêu năm 2018 xuất khẩu 300 ngàn tấn điều nhân và kim ngạch 3 tỷ USD; trong khi năm 2017 đạt 353.268 tấn điều nhân, kim ngạch 3,52 tỉ USD, (tăng 1,9% về lượng, tăng 23,8% về kim ngạch so với năm 2016) và Việt Nam tiếp tục chiếm trên 50% tổng giá trị xuất khẩu điều nhân toàn cầu (khoảng 5,5 tỷ USD), năm thứ 12 liên tiếp giữ vị trí số 1 thế giới về chế biến, xuất khẩu nhân điều.

Trong kim ngạch 3,52 tỷ USD năm 2017, riêng thị trường Mỹ chiếm 1,22 tỷ USD. Việc chiếm lĩnh được thị trường Mỹ và giữ quyền chi phối toàn cầu cho thấy sự lớn mạnh của ngành điều Việt Nam. Cộng với thuận lợi danh tiếng hạt điều Việt Nam chất lượng số 1 thế giới, nếu khéo léo, Vinacas sẽ chi phối giá điều và thị trường điều toàn thế giới. Ngành điều Việt Nam đang quyền lực và rất sáng lạn như thế. Các doanh nghiệp điều đang đứng trước cơ hội làm giàu lớn như thế... Nhưng vì sao nông dân trồng điều của Việt Nam vẫn luôn canh cánh trong lòng chuyện được - mất mùa? Vì sao các vựa điều không được đầu tư chăm sóc chống sâu bệnh xâm nhập, nâng cao năng suất? Vì sao khi họ mất mùa, được gieo hy vọng xuất khẩu tăng (kéo theo giá tăng) để không cưa điều trồng cây khác (dẫn tới mất vùng nguyên liệu), nhưng khi vừa chớm có tín hiệu thu hoạch khả quan, hy vọng đó lại trở nên bấp bênh khi được thông tin ngược lại? Nông dân trồng điều băn khoăn liệu có phải họ đang bị “dụ giá”? Người trồng điều có đáng phải bươn chải trong sự âu lo và nghi ngờ ấy không?

Trần Phương

  • Từ khóa
108826

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu