Thứ 4, 24/04/2024 02:18:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:23, 06/12/2017 GMT+7

Nỗi lo giá tăng cuối năm

Thứ 4, 06/12/2017 | 08:23:00 106 lượt xem
BP - Theo quyết định của Bộ Công Thương, từ ngày 1-12-2017, giá điện bán lẻ bình quân chính thức tăng 6,08%. Các mặt hàng thiết yếu tăng giá vào dịp cuối năm hầu như diễn ra thường xuyên, mặc dù đã được nói rất nhiều lần nhưng cứ “đến hẹn lại lên”. Năm nay cũng không ngoại lệ, giá xăng, gas... giá điện đã cùng tăng, khiến người dân và doanh nghiệp lo lắng.

Giá xăng, dầu tăng từ ngày 20-11, đồng thời giá gas cũng tăng thêm 1.000 đồng/bình 12kg và hiện là giá điện. Xăng dầu, gas được điều chỉnh theo giá thế giới và theo chu kỳ, có tháng tăng, tháng giảm. Còn điện thì theo các chuyên gia kinh tế, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động chọn thời điểm tăng, giảm sao cho đồng bộ với chủ trương chung của Chính phủ, với tình hình thị trường và tính chu kỳ trong hoạt động của doanh nghiệp. Điện, xăng, dầu, gas là những mặt hàng thiết yếu tác động lớn đến sản xuất của doanh nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân, đồng thời nó ảnh hưởng đến sự biến động giá hàng hóa tiêu dùng trên thị trường. Cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất. Tăng giá điện thời điểm này khiến chi phí doanh nghiệp tăng lên, đẩy giá thành tăng cao và từ đó sẽ khiến lạm phát tăng. Điện và xăng dầu là yếu tố đầu vào quan trọng đối với toàn bộ nền kinh tế. Khi hai mặt hàng này tăng giá sẽ tác động tới tất cả hàng hóa và kéo mặt bằng giá nhích lên. Điều đó đồng nghĩa với việc khi điện tăng 6,08%, các cơ sở tiêu thụ điện lớn cũng sẽ tăng giá hàng hóa ở mức tương ứng. Còn với người dân, dù ở nông thôn hay thành thị cũng đều phải chịu sự tác động sau việc giá điện tăng. Vì nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng nên chắc chắn sẽ khiến người dân phải chịu nhiều áp lực.

Từ thực tế đó, nhiều chuyên gia đề nghị ngành điện phải giải trình minh bạch, thuyết phục lý do tăng giá điện cũng như phải đề ra lộ trình để doanh nghiệp và người dân có sự chuẩn bị. Tại buổi họp báo thông tin về việc quyết định tăng giá điện do Bộ Công Thương tổ chức chiều 1-12, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tăng giá điện là để từng bước bù vào khoản lỗ gần 600 tỷ đồng của ngành. Các đại biểu tại buổi họp báo cho rằng, việc giải trình lý do tăng giá điện chưa thỏa đáng, đặc biệt về khoản lỗ trong sản xuất - kinh doanh chưa được EVN lý giải rõ ràng. Các chuyên gia kinh tế yêu cầu việc tăng giá điện phải có một lộ trình cụ thể, thay vì “hôm nay thông báo, ngày mai tăng” gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, khiến họ rơi vào thế bị động vì đã xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh hằng quý và cả năm. Về lâu dài, tăng giá điện sẽ tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, nhất là việc cải thiện sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường quốc tế. Cùng với đó, tăng giá điện vào thời điểm cuối năm chắc chắn sẽ tác động đến mặt bằng giá tiêu dùng đầu năm 2018. Đây lại là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tết Nguyên đán tăng cao nên sẽ khó tránh khỏi những kẻ lợi dụng “té nước theo mưa”.

Tăng giá bất cứ mặt hàng nào vào dịp cuối năm cũng là vấn đề “nhạy cảm”, bởi nó sẽ tác động vào sinh hoạt của người dân, cùng với đó là doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí để hoàn thành chỉ tiêu. Hiện giá xăng, dầu, gas, điện đã tăng, vì vậy cơ quan quản lý cần có giải pháp tích cực ngăn chặn việc đầu cơ, tích trữ, “ăn theo” lợi dụng để tăng giá các loại mặt hàng khác, nhất là hàng phục vụ tiêu dùng tươi sống trong thời gian tới.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu