Thứ 5, 25/04/2024 03:33:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:21, 20/11/2016 GMT+7

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 34 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20-11-1982 - 20-11-2016)

Nỗi lòng Cao Bá Quát

Chủ nhật, 20/11/2016 | 13:21:00 1,741 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Cao Bá Quát là người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội). Ông là con Cao Tửu Chiếu, tuy không đỗ đạt nhưng là một nhà nho khá nổi danh và là em song sinh với Cao Bá Đạt.

BP  - Thuở nhỏ, Cao Bá Quát sống trong cảnh nghèo khó, nhưng nổi tiếng là trẻ thông minh, chăm chỉ và văn hay chữ tốt. Năm 14 tuổi, ông trúng tuyển kỳ thi khảo hạch ở Bắc Ninh. Năm Tân Mão (1831) đời vua Minh Mạng, ông thi hương đỗ Á Nguyên tại trường thi Hà Nội, nhưng đến khi duyệt quyển thì bị bộ Lễ kiếm cớ xếp ông xuống hạng cuối cùng trong số 20 người đỗ cử nhân. Sau đó trong 9 năm, cứ 3 năm một lần, Cao Bá Quát vào kinh đô Huế dự thi Hội, nhưng lần nào cũng bị đánh hỏng.

Năm 1841, lúc này ông đã 32 tuổi, mới được quan tỉnh Bắc Ninh tiến cử lên triều đình và được triệu vào Huế để nhận một chức tập sự ở bộ Lễ. Tháng 8 năm đó, ông được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên, thấy một số bài thi hay nhưng có chỗ phạm trường quy, ông bàn với bạn đồng sự là Phan Nhạ rồi lấy son hòa muội đèn chữa giúp 24 quyển. Việc bị phát giác, Giám trường thi là Hồ Trọng Tuấn đàn hặc, ông bị bắt giam, tra tấn rồi bị kết vào tội chết. Nhưng khi án đưa lên, vua Thiệu Trị đã giảm cho ông từ tội trảm quyết xuống tội giảo giam hậu, tức được giam lại đợi lệnh.

Đến nay, đã hơn 170 năm kể từ ngày ông qua đời, nhưng ở quê ông vẫn còn tồn tại nhiều giai thoại liên quan đến nhân cách và tài thơ văn của Cao Bá Quát. Trong cuốn giai thoại văn học Việt Nam có chuyện kể về ông như sau: Có một lần Cao Bá Quát đi thăm bạn ở xa. Bạn đi vắng, ông phải trở về, bụng đói mà tiền thì đã hết nhẵn. Đang đi lang thang thất thểu, chợt nghe gần đấy có kèn trống đám ma. Quát theo chừng lần tới nơi. Hỏi ra biết là đám tang một ông cụ già nhà khá giả. Quát liền bước vào nhà thấy quan viên ngồi chật ních trong rạp; ở chính giữa rạp thấy có dăm bảy ông râu dài, ngồi chễm chệ trên ghế cạp điều, đang ngất ngưởng nói chuyện chữ nghĩa; lại thấy hiếu chủ chắp tay bẩm báo chầu chực, nên Quát đoán là văn thân hào mục, hay cử tú gì đó. Nghĩ vậy nên Quát liền tới gần hiếu chủ và nói: Tôi là khách qua đường, nghe nói cụ nhà phúc đức lắm, nay chẳng may cụ hai năm mươi về chầu Phật, bụng tôi lấy làm cảm động vô cùng. Nên xin được vào phúng cụ vài câu rồi đi.

Khi ấy, có mấy vị ngồi chiếu cạp điều nghe Quát nói thế thì muốn lên mặt đàn anh, vừa rung đùi vuốt râu vừa hất hàm hỏi: Thế nhà thầy ở đâu qua đây? Làm nghề gì?

Nghe hỏi vậy, Quát thưa: Bẩm các quan, tôi ở làng bên đi dạy học về qua đây!

Nghe Quát nói thế, các ông lại tranh nhau hỏi: Dạy học à? Thế đã thi cử khoa nào chưa?

Quát đáp: Bẩm cũng có theo đòi vài ba khoa, nhưng đều hỏng cả. Về nhà văn dốt vũ dát nên đành phải đi gõ đầu trẻ!

Các quan viên lại hỏi luôn: Thế nhà thầy định phúng câu đối Nôm hay chữ đấy?

Quát trả lời: Bẩm có mấy chữ đã dạy trẻ hết mất rồi, giờ xin làm Nôm thôi ạ!

Các ông đàn anh được thể lại lên giọng: Ừ, thế thì làm đi rồi các cụ sẽ phủ chính cho! Quát bèn hắng giọng rồi ngâm nga rằng:

Thấy xe thiên cổ xịch đưa ra, không thân thiết nhẽ đâu mà khóc mướn? Tưởng sự bách niên đừng nghĩ đến, động can tràng nên nỗi phải thương vay!

Các quan viên nghe xong đều thè lưỡi thán phục, kéo ngay Quát lên chiếu cạp điều mời cùng đánh chén. Đến sau rượu đã ngà, mấy ông cứ gạn hỏi mãi, Quát đành phải xưng tên thật. Thế là ông nào ông nấy giật mình thon thót, đứng vội dậy chắp tay xin lỗi Quát rối rít.

Lời bàn:

Từ cuộc đời và sự nghiệp của ông cũng như những giai thoại về Cao Bá Quát cho thấy, ông là nhà thơ rất có bản lĩnh. Ông sống nghèo, nhưng khinh bỉ những kẻ khom lưng uốn gối để được giàu sang, và tin rằng mình có thể tự thay đổi đời mình. Đến khi làm quan, ông muốn đem tài năng ra giúp đời, nhưng rồi Cao Bá Quát sớm nhận ra rằng vấn đề không hề đơn giản như ông tưởng. Vì thế, đã có những lúc ông cảm thấy bất lực trước bất công trong xã hội, nhưng nghĩ đến những người cùng khổ bị áp bức, ông đã quyết tìm cho mình một con đường khác. Và con đường mà ông chọn là khởi nghĩa chống lại triều đình.

Tư tưởng yêu nước, thương dân của Cao Bá Quát ở buổi ban đầu được thể hiện rõ trong sự khâm phục và ngưỡng mộ những người anh hùng cứu nước và ông đã viết các bài thơ vịnh Phù Đổng Thiên Vương, vịnh Trần Hưng Đạo. Thông qua việc ca ngợi những người anh hùng trong lịch sử, Cao Bá Quát bộc lộ ước muốn cứu dân, cứu nước của mình bằng hành động thay đổi thời cuộc và chuyển vần số mệnh. Thế mới hay rằng, chỉ có ước muốn và tấm lòng nhiệt huyết với dân, với nước là chưa đủ, mà phải có đường lối đúng đắn và quy tụ được lòng dân thì mong muốn hay ước mơ mới thành hiện thực.

N.D

  • Từ khóa
109861

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu