Thứ 5, 28/03/2024 18:16:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:55, 20/08/2014 GMT+7

Nơi nông dân cùng làm giàu

Thứ 4, 20/08/2014 | 08:55:00 440 lượt xem
BP - Sau gần 3 năm thành lập, Câu lạc bộ (CLB) PTD ở thôn Phước Lộc, xã Phước Tín (TX. Phước Long) thực sự là nơi sinh hoạt thiết thực của nhiều nông dân. Họ không chỉ có cơ hội gặp gỡ, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm làm ăn mà còn chủ động đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giúp nhau làm giàu.

Hiệu quả cao nhờ ứng dụng kỹ thuật

Thành viên của CLB PTD là 20 nông dân ham học hỏi và hiểu giá trị của việc áp dụng khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp. Theo đúng tên gọi, PTD là phương pháp tiếp cận khoa học - công nghệ có sự tham gia của người dân, CLB đã giúp nông dân không tiếp thu kiến thức thụ động mà cùng nhà khoa học chủ động đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Song song đó, mỗi nông dân lại dễ dàng truyền kinh nghiệm thực tế cho nhau khi có thành viên gặp khúc mắc liên quan đến kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Từ các cuộc họp định kỳ mỗi tháng và đột xuất đã tạo mối liên kết khăng khít tự nhiên. Họ nhận thấy mỗi người đều là thầy của mình theo từng khía cạnh. Điều đó cũng từng bước giải quyết vướng mắc chung của CLB theo phương pháp PTD. Ông Nguyễn Ba, Chủ nhiệm CLB PTD thôn Phước Lộc cho biết: “Nhờ tham gia CLB, được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông mà tôi biết khai thác hiệu quả mảnh vườn của mình. Tôi hiểu rằng, lợi nhuận không phải ở diện tích nhiều mà ở cách khai thác cây trồng hợp lý. Nguồn thu từ điều khoảng 3 tấn/ha hiện so 1,5-2 tấn/ha trước khi tham gia CLB là minh chứng rõ nhất”.

Các thành viên CLB PTD cùng chia sẻ kinh nghiệm

 
Đi thăm vườn cao su và điều của ông Ba, chúng tôi cảm nhận được thành quả lao động của người nông dân này. Tham gia CLB PTD, ông đã mạnh dạn cải tạo, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăm sóc vườn cây. Nhờ đó, gia đình có thu nhập ổn định mỗi năm khoảng 200 triệu đồng từ 3 ha điều và 1 ha cao su. “Tôi mừng vì được hiểu hơn về cách trồng, chăm sóc cây. Càng ngày tôi càng mê làm vườn, coi đó như một thú vui. Nếu không ra vườn, chứng kiến sự đổi thay của nó thì thấy thiêu thiếu. Vui nhất là từ vườn mà có nguồn thu ổn định lo cho hai con học đại học” - ông Ba khẳng định.

Tương tự như mô hình của ông Ba, ông Nguyễn Đình Nam cũng là một điển hình nông dân sản xuất giỏi sau khi tham gia CLB PTD để nhiều người trong thôn học hỏi. Ông Nam cho biết, trước đây, do chưa nắm phương pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây cao su nên năng suất, chất lượng không cao. Từ sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và sự chia sẻ của các thành viên trong CLB, ông Nam đã thay đổi dần phương thức chăm sóc như phòng trừ sâu bệnh, bón phân hợp lý. Đặc biệt, ông đã thành công trong khắc phục bệnh chết miệng cạo trên cây cao su. “Nếu không tham gia CLB thì tôi chỉ có cách cưa bỏ thôi. Nhìn cây hồi sức, cho mủ trở lại, không vui nào bằng” - ông Nam chia sẻ.

Khi nông dân làm chủ

Nhiều thành viên CLB PTD đều thừa nhận từ khi gắn bó với CLB, kinh tế gia đình khá lên rõ rệt, thu nhập tăng 15-30%. Hiện mỗi tháng CLB tổ chức họp một lần để thảo luận và đưa ra kinh nghiệm trồng, chăm sóc các loại cây đang canh tác, các con vật đang chăn nuôi; ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất cho gia đình. Để kịp thời nắm bắt được những phương pháp hay, hữu ích, Ban chủ nhiệm CLB PTD thôn Phước Lộc thường xuyên mời cán bộ cơ sở cùng tham gia. Thành viên sẽ được cán bộ phổ biến kịp thời diễn biến dịch bệnh theo mùa vụ, những phát sinh mới và cùng nhau trao đổi kiến thức phòng tránh. Ai có mô hình hay, phương pháp tốt có dịp đem ra chia sẻ.

Qua 3 năm, CLB PTD thôn Phước Lộc đã thực hiện thành công nhiều mô hình như: “Trình diễn thâm canh, phòng bệnh tổng hợp trên cây điều với diện tích thử nghiệm đối chứng trên 1 ha”, “Trồng đối chứng 1 ha cao su do đại diện Công ty cổ phần môi trường quốc tế RAINBOW hỗ trợ”. Đây chỉ là 2 trong nhiều mô hình cho 2 loại cây chủ lực của địa phương, tạo điều kiện để các thành viên CLB và nông dân ở xã Phước Tín tham quan học tập, áp dụng vào thực tế.

CLB đã hoạt động theo quy chế và tạo được quỹ mỗi năm khoảng 10 triệu đồng. Ngoài in ấn tài liệu, tổ chức họp, quỹ còn kịp thời hỗ trợ những thành viên khó khăn vay nóng để phun thuốc, mua giống kịp thời...

Ông Võ Đình Hùng, thành viên CLB PTD cho biết: “Tham gia CLB PTD, nông dân đóng vai trò làm chủ từ học tập đến thực hành. Vì thế, nông dân cảm thấy dễ hiểu, nhớ lâu và thích thú. Đặc biệt, cách làm này đã nâng cao sự tương tác giữa nông dân, khuyến nông viên và nhà khoa học. Người nông dân hiểu ra chân lý: Ít đất nhưng biết cách khai thác vẫn làm giàu”.                        

Bảo An

  • Từ khóa
37669

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu