Thứ 7, 20/04/2024 08:00:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:14, 26/07/2015 GMT+7

Nỗi oan của nhà sư

Chủ nhật, 26/07/2015 | 08:14:00 611 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, nhà sư Huyền Quang khi tuổi còn trẻ đã nổi tiếng là vị chân tu, tên tuổi lừng vang khắp nước. Nhưng nhà vua Trần Anh Tông thì vẫn chưa thật tin điều này. Vua quyết thử xem thực hư, bèn ban cho Huyền Quang 10 dật vàng có dấu quốc khố. Huyền Quang không nhận nhưng vua cứ ép, bảo cầm 7 dật về nuôi mẹ còn 3 dật thì giữ lại phòng khi lỡ làng. Huyền Quang bất đắc dĩ nhận vàng về tu ở chùa Hoa Yên, núi Yên Tử.

Theo sách “Tam tổ thực lục”, sự việc này xảy ra thời vua Trần Anh Tông. Một hôm vua hỏi các quan hầu cùng đạo tăng: Huyền Quang lão sư sống như tấm gương trong không mờ bụi, thế là dồn lấp tình dục hay không có dục tình? Nho thần Mạc Đỉnh Chi tâu: Vẽ hổ chỉ vẽ ngoài da, khó vẽ trong xương, xin hãy cho thử mới biết... Vua nghe theo, liền sai cung nhân Điểm Bích, đẹp người lại thông kinh sử đến dặn dò: Vị tăng kia vốn giới hạnh cao nghiêm, ngươi hãy đến Yên Tử tìm hiểu cho trẫm. Nếu vị tăng ấy còn quyến luyến dục tình thì ngươi hãy tìm cách xin Kim tử bằng vàng về cho ta...

Sau đó, Điểm Bích giả làm người đi lễ lên chùa một đêm trăng đẹp và xin nhà sư cho ngủ đỡ một lần. Sư Huyền Quang cho phép Điểm Bích nghỉ ở nhà phương trượng. Đêm hôm ấy, Điểm Bích lần tới phòng sư lân la chuyện trò, tìm cách trêu ghẹo. Nhưng Huyền Quang lòng trần không bợn. Điểm Bích không sao lay chuyển được kẻ tu hành. Bí quá hóa liều, Điểm Bích đành sáp đến gần co tay, kéo áo khiến cho nhà sư vô cùng lúng túng. May mắn lúc ấy có người bên ngoài gõ cửa xin thuốc, sư mới thoát được ra. Điểm Bích dụ không nổi Huyền Quang vừa thẹn mình vừa sợ mệnh vua, nên định ra sau núi tự tử.

Huyền Quang hết lòng can ngăn. Điểm Bích nói rõ sự tình khiến Huyền Quang ái ngại. Nhà sư liền vào phòng lấy ba dật vàng đưa cho, để nàng khỏi tội trước nhà vua. Điểm Bích mang được vàng về dâng vua, lại còn nghĩ được một bài thơ Nôm tuyệt hay và nói là của sư Huyền Quang làm để trêu ghẹo mình buổi ấy:

Vằng vặc trăng mai ánh nước,

Hiu hiu gió trúc ngâm sênh

Người hòa tươi tốt, cành hòa lạ

Mâu thích ca, nào thú hữu tình !

Bài thơ Nôm quả là rất tình tứ. Vua Trần Anh Tông lại nhận đúng là mấy dật vàng có dấu quốc khố mình ban cho nhà sư, nên nổi giận cho Huyền Quang là sư hổ mang, định trị tội. Nhưng nhờ có bà lão xin thuốc kể lại và đối chất cùng Điểm Bích, mãi sau vua mới biết Huyền Quang bị nghi oan. Nhà sư tiếp tục đường tu và trở thành vị tổ thứ 3 của phái Trúc Lâm.

Sư Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái, người ở làng Vạng Ty, huyện Gia Bình (nay là huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh). Ông sớm đỗ cao, mới 19 tuổi đã là trạng nguyên và làm quan đời vua Nhân Tông (1279-1293). Hồi chưa đỗ đạt, gia cảnh Đạo Tái bần hàn đến mức người trong họ ai cũng coi thường, không thèm đỡ đần, cứu giúp, đành phải bỏ làng đi học nơi xa. Đến khi Lý Đạo Tái đỗ trạng nguyên, rồi ra làm quan lại có nhiều người đến nhận họ, khiến ông cảm thấy buồn. Có câu thơ truyền rằng, Lý Đạo Tái nói về chuyện này như sau: Khó khăn thì chẳng ai nhìn; Đến khi đỗ trạng chín nghìn anh em.

Vì cám cảnh đời đen bạc, Lý Đạo Tái cố tìm cách giải đáp. Sau đó, ông theo đạo Phật và hiểu ra được về nỗi thống khổ của con người, từ đó ông quyết chí đi tu. Trong lịch sử nước Nam ta chỉ có Lý Đạo Tái là nhà sư có học vị cao nhất.

Lời bàn:

Theo sách “Tam tổ thực lục”, Lý Đạo Tái lại có dung mạo vô cùng xấu xí. Vừa nghèo lại vừa xấu nên Lý Đạo Tái thường xuyên bị những người xung quanh hắt hủi. Ông từng đi hỏi vợ ở nhiều nơi nhưng đều bị người ta từ chối vì dung mạo ông quá xấu xí. Tuy nhiên, bù lại với vẻ bề ngoài không lấy gì làm khôi ngô tuấn tú của mình, Lý Đạo Tái lại sở hữu một trí thông minh hơn người. Năm ông 20 tuổi, Lý Đạo Tái đỗ kỳ thi Hương rồi năm sau đỗ thi Hội. Tới năm Giáp Tuất 1274, Lý Đạo Tái đã đỗ Trạng nguyên ở tuổi 28. Tới lúc này, nhiều gia đình giàu có mới lân la tới nhà ông để xin gả con gái cho vị tân khoa trạng nguyên, song Lý Đạo Tái đều từ chối và buồn vì thói đời đen bạc.

Là vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, thiền sư Huyền Quang được hậu thế tôn xưng là một Đại thiền sư Việt Nam. Tấm gương và tư tưởng nhập thế của ngài khiến người đời khâm phục và giai thoại này chính là phép thử của người đương thời đối với vị chân tu. Và có lẽ cũng chính là Phật như vậy nên người đương thời mới tạo nên huyền thoại Điểm Bích cung nữ để mãi mãi về sau đạo hạnh ấy của ngài được sáng mãi... Tiếc rằng, nhà sư thời nay không phải là nhiều, nhưng người có được đức hạnh chân tu như Lý Đạo Tái thì không ít. Bởi thế, trên mạng xã hội có không ít hình ảnh nhà tu mà người đời không thể chấp nhận, thật buồn thay.

N.D

  • Từ khóa
109688

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu