Thứ 5, 28/03/2024 16:20:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:54, 28/08/2018 GMT+7

Nói phải làm ngay

Thứ 3, 28/08/2018 | 09:54:00 115 lượt xem

BP - Ngày 23-8-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc. Ngay hôm sau, ngày 24-8, Bộ Y tế phối hợp với Tập đoàn Viettel tổ chức hội nghị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối mạng cơ sở cung ứng thuốc, trực tuyến với 775 điểm cầu trên cả nước, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dự và chủ trì tại điểm chính ở thành phố Hưng Yên.

Đã có một thời chủ trương, chính sách, pháp luật được Đảng, Nhà nước ban hành thường bị ngâm đến nguội mới được triển khai vào thực tế. Thậm chí có trường hợp đến khi hết tính thời sự, hết giá trị vẫn trong ngăn kéo, chưa có “văn bản hướng dẫn”. Vì thế, Thủ tướng ký ban hành chỉ thị hôm trước, ngay hôm sau vấn đề quan trọng nhất đã được các đơn vị liên quan tổ chức triển khai trực tuyến trên cả nước là một dấu hiệu rất tích cực, một cách làm chuyên nghiệp, mới mẻ, rất đáng được hoan nghênh. Điều này nếu được nhân rộng, đặc biệt là đối với các cơ quan cấp dưới, như cấp tỉnh, huyện, xã... thì sẽ tạo hiệu ứng mạnh mẽ và ấn tượng tốt hơn rất nhiều về bộ máy chính quyền, cơ quan của Đảng và Nhà nước. Đó không chỉ là ấn tượng về hình ảnh “nói là làm liền” trong nhận thức của nhân dân, mà còn là một cách làm việc, một ý thức trách nhiệm cao hơn đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Và đó còn là đòi hỏi của kỷ nguyên 4.0 hiện nay.

Tất nhiên, để tạo được hiệu ứng kép về truyền thông, nâng cao tính thời sự nóng hổi, đặc biệt là tạo ấn tượng tốt, góp phần đưa chỉ thị của Thủ tướng lập tức đi vào cuộc sống như vậy, phải có một quá trình chuẩn bị, tính toán kỹ lưỡng, sự phối hợp nhịp nhàng giữa Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng. Cán bộ, công chức, viên chức sẽ phải quen với một cụm từ mới: Nói phải làm ngay.

Nói phải làm ngay là điều rất bình thường ở các nước phát triển. Ở nước ta cũng dần hình thành nhưng hiện chủ yếu nói tới tại các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân trong nước có nhưng chưa nhiều. Trong doanh nghiệp nhà nước, công sở nhà nước, sức ép làm việc chỉ xuất hiện ở một bộ phận rất nhỏ làm nghiệp vụ đặc thù, còn lại hầu hết đều cảm thấy xa lạ và chưa biết đến “hương vị” của nó. Một bộ phận công chức, viên chức quen với nếp nghĩ, nếp làm việc “trời sinh voi sinh cỏ”, thích “ngồi mát ăn bát vàng”, thích hưởng thụ cuộc sống hơn lao động, sợ làm việc nhiều sẽ thiệt thân... Một bộ phận vốn năng lực không có, đánh võng mấy vòng trở thành “ông nọ bà kia”, không thể làm việc trong môi trường sức ép cao. Thậm chí, một bộ phận làm việc kiểu đánh trống ghi tên, lợi dụng quy định của Đảng, Nhà nước chưa chặt chẽ, chưa có chế tài hiệu quả, không bận tâm đến đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới, xung quanh nhìn nhận, đánh giá như thế nào, “mặt dày” tầm gửi, bám chặt nhà nước để được trả lương, trục lợi với lý do “Dại gì không bám?”!

Trong thực tế không khó nhìn thấy, song để giải quyết không dễ. Những trường hợp như vậy thuộc biên chế nhà nước, thâm niên nhiều năm, đảng viên nhiều tuổi đảng... Để kiểm điểm trước tập thể cũng khó. Còn hạ lương, giáng chức, buộc thôi việc thì phải có một loạt thủ tục vô cùng phức tạp, phải chuẩn bị với sự đối phó, thậm chí phá đám, kiện cáo ngược trở lại... Chính vì thế, ngoài số rất ít trường hợp bị khởi tố, vi phạm pháp luật bị xử lý công khai buộc khai trừ đảng, rất hiếm trường hợp bị kỷ luật hạ bậc lương hay cho thôi việc vì năng lực yếu...

Hy vọng điều này sẽ sớm được thay đổi và sức ép làm việc sẽ hiện diện ở mọi nơi trong công sở.

Trần Phương

  • Từ khóa
108942

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu