Thứ 7, 20/04/2024 22:10:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:31, 21/06/2018 GMT+7

KỶ NIỆM 93 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21-6-1925 - 21-6-2018)

Nơi tôi tìm đến

Thứ 5, 21/06/2018 | 06:31:00 1,164 lượt xem
BP - 21 năm trước, khi biết tôi rời tòa soạn một tờ báo đã có 35 năm tuổi để chuyển vào làm việc tại Báo Bình Phước - tờ báo vừa ra đời được 8 tháng với số cán bộ, phóng viên đếm vừa đủ một bàn tay thì bạn bè, người thân đều nói tôi điên. Nhưng tôi đã bỏ ngoài tai mọi lời góp ý và hăm hở với hành trình “Nam tiến” cùng khao khát trải nghiệm nghề ở một vùng đất hoàn toàn mới.

>> Dấu ấn làm báo trên quê hương Bình Phước
>> Phía sau những trang báo

Dù hăm hở thế, nhưng khi bước chân vào cơ quan Báo Bình Phước, tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi không thể hình dung ra sự thiếu thốn, tuềnh toàng quá mức của một cơ quan báo Đảng.

Từ gian khó ban đầu

Khi tôi đến nhận nhiệm vụ, Tòa soạn Báo Bình Phước chỉ là một phòng học rộng 64m2 của Trường Đảng huyện Đồng Phú, được chia làm 3 ô. 1 ô làm phòng nghỉ nam, 1 phòng nữ và 1 phòng làm việc. Không giường chiếu, tất cả đều trải nệm nằm dưới đất dù trời rất nóng và điện đóm phập phù. Có lẽ vì thế nên không ai ngủ được. Nhiều đêm khuya khoắt, đi ra đi vào đụng nhau, thầy trò lấy xoong nồi ra gõ rồi hát hò thâu đêm. Những bữa cơm đạm bạc được trải chiếu dọn ra dưới nền nhà và thủ trưởng, nhân viên vừa ăn vừa bàn công việc. Khó, khổ là thế, nhưng chỉ với 5 cán bộ, nhân viên, số báo 1-1-1997 - số đầu tiên của Báo Bình Phước với 8 trang in hai màu đã được phát hành đúng ngày, phục vụ kịp thời sự kiện tái lập tỉnh Bình Phước. Khi nhìn thấy tờ báo đến được tay cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh, cả 5 anh em trong cơ quan báo đều rưng rưng xúc động, bởi có thể xem đó là sản phẩm văn hóa đọc duy nhất trong ngày đầu tái lập tỉnh.

Ấn phẩm Báo Bình Phước ngày càng đáp ứng nhu cầu cao của bạn đọc

Khi tuyển thêm được 3 phóng viên, báo tăng kỳ phát hành lên 2 số/tuần. Mọi khâu kỹ thuật vi tính, chế bản và in đều phải thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh. Những ngày đầu, đích thân Tổng biên tập Hoàng Lâm phải mang bản thảo (viết tay) về Tòa soạn Báo Thanh Niên để nhập liệu, dàn trang và in. Vạ vật cả đêm ở nhà in, chờ báo in xong thì chở về kịp phát hành vào sáng sớm. Vài tháng sau, công việc vất vả này được giao cho anh Diệp Viên, hiện là Tổng biên tập Báo Bình Phước, khi ấy là Thư ký tòa soạn đảm trách.

Đến sự trưởng thành của lớp trẻ

Những người đặt viên gạch đầu tiên gây dựng nên tờ báo Bình Phước hôm nay, có người đã về cõi vĩnh hằng, có người sắp nhận quyết định nghỉ hưu. Và chỉ 3 năm nữa là lớp cán bộ, phóng viên cũ sẽ nghỉ chế độ hết để trao công việc lại cho lớp trẻ. Điều đáng tự hào là lớp cán bộ, phóng viên trẻ của Báo Bình Phước hôm nay đang chiếm một tỷ lệ áp đảo ở tòa soạn. Nhưng tự hào hơn là cùng với sự hỗ trợ của công nghệ, sự nhanh nhạy và đam mê nghề, lớp phóng viên trẻ ở Báo Bình Phước đang thể hiện năng lực vượt trội của mình. Làm báo là “nghề dạy nghề”, song nhiều người trẻ đã bỏ tiền túi ra để học cao học chuyên ngành báo chí hoặc chính trị nhằm làm nghề tốt hơn. Nhiều người không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại cơ quan mà còn là cộng tác viên của một số tờ báo lớn. Có người không ngại nguy hiểm, trực tiếp thâm nhập đường dây đánh bạc tại casino ở Campuchia để thực hiện loạt phóng sự về nạn cờ bạc làm điên đảo làng quê. Có người thâm nhập vào đường dây “cò đất” để phanh phui nạn xà xẻo đất rừng. Có người vờ tham gia và đăng ký tập huấn để phanh phui những đường dây bán hàng đa cấp mà thực chất là lừa đảo. Có phóng viên trẻ đi điều tra theo đơn thư bạn đọc bị công an xã “mời” về trụ sở, giam lỏng mấy tiếng đồng hồ nhưng họ vẫn trở lại địa bàn mà không ngại ngần gì... Không chỉ xông xáo, có mặt kịp thời ở những nơi xảy ra các sự kiện, điểm nóng để chuyển thông tin chính thống đến bạn đọc mà nhiều người trẻ đã thể hiện khả năng của mình ở nhiều thể loại, từ chính luận, điều tra đến văn học báo chí.

Những năm gần đây, các tác giả trẻ của Báo Bình Phước đã nhiều lần đoạt giải khu vực, giải do các ngành tổ chức. Nhiều cây bút trẻ của Báo Bình Phước thường xuyên đoạt giải cao tại giải báo chí tỉnh Bình Phước. Đặc biệt, từ khi Trung ương tổ chức giải quốc gia Búa liềm vàng, rất nhiều phóng viên trẻ đã đăng ký và thực hiện những loạt bài dài kỳ. Cho dù chưa đoạt giải cấp quốc gia, song các tác phẩm viết về xây dựng đảng của nhiều phóng viên trẻ đã cho thấy họ thực sự trưởng thành, từ nhận thức chính trị đến kỹ năng, bút pháp thể hiện. Những lúc trà dư tửu hậu, lớp người lớn tuổi trong cơ quan thường nói với nhau, bằng tuổi “chúng nó” mình không được như thế!

Và sự bứt phá  trong tuyên truyền Xây dựng đảng

Khi đọc dòng tít phụ này, có người đã chọc tôi là “mèo khen mèo dài đuôi”. Thế nhưng điều này đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhiều lần khen ngợi tại các hội nghị về công tác tuyên truyền và được nhiều báo bạn đánh giá cao.

Hiện Báo Bình Phước là một trong rất ít tờ báo địa phương xây dựng và duy trì đều đặn các chuyên mục mang tính chính luận, tính chiến đấu cao và “dễ đọc” như “Sự kiện và bình luận”, “Nghe, thấy và suy ngẫm” ở tất cả các số báo. Đặc biệt, Báo Bình Phước là báo Đảng địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng và duy trì chuyên mục “Chống diễn biến hòa bình”. Đây thực là sự bứt phá trong tư duy và thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng của Ban biên tập. Ai cũng biết trong các lĩnh vực tuyên truyền thì viết về xây dựng đảng thường được gắn với 3 chữ K, là khó, khô và khổ. Viết “chống diễn biến hòa bình” lại càng khó, nhất là trong phạm vi của một tờ báo địa phương. Sau nhiều lần được cấp trên vừa động viên, vừa “nhắc nhở”, tháng 6-2016 chuyên mục cũng ra số đầu tiên với tên gọi “Sinh hoạt tư tưởng”. Chỉ 3 tháng sau, khi viết đã “nhuyễn tay” hơn, Ban biên tập quyết định tăng lên 2 kỳ/tuần và đổi tên chuyên mục thành “Chống diễn biến hòa bình”. Từ đó đến nay, báo duy trì đều đặn mỗi tuần 2 kỳ chuyên mục này. Những bài viết trong các chuyên mục nói trên đã kịp thời giúp cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, nâng cao trình độ chính trị để nhận diện sự khác biệt giữa quan điểm sai trái với ý kiến đột phá, đổi mới trước “ma trận” thông tin của các thế lực thù địch. Thông qua các chuyên mục này, tờ báo đã góp phần củng cố, xây dựng, chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tạo niềm tin trong nhân dân, góp phần đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đáng nói là không chỉ những bạn đọc lớn tuổi đọc và bình luận, nhiều bạn trẻ cũng đều đặn tìm đọc chuyên mục, nhiều bài được chia sẻ trên Facebook, càng làm tăng hiệu quả tuyên truyền của chuyên mục.

Thời điểm này, Báo Bình Phước đang chuẩn bị cho một cuộc chuyển mình chưa từng có. Đó là chuẩn bị sáp nhập với Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước thành cơ quan báo chí chung của tỉnh theo Đề án 999 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Trung ương. Nghĩa là thời điểm này năm sau, những người nghỉ hưu khi trở lại nơi này thì Báo Bình Phước đã mang một tên gọi khác, với một hình hài khác và quy mô lớn hơn rất nhiều. Nhưng dù với tên gọi gì, quy mô lớn đến đâu, chúng tôi vẫn mãi nhớ nơi này. Nhớ những hôm mất điện, thầy trò phải bò ra trên sàn để viết bài, biên tập, vừa làm vừa lau mồ hôi. Nhớ những đêm không ngủ được vì nóng đã gõ xoong nồi hò hát thâu đêm. Nhớ những buổi tối muộn ở tòa soạn phải bẻ mì tôm ăn sống, chờ kết quả kiểm phiếu bầu cử để lên trang cho kịp ra báo sáng hôm sau. Và cá nhân tôi sẽ nhớ mãi nơi này - nơi tôi đã tìm đến, đã trải nghiệm và đã trưởng thành.                         

Thảo Linh

  • Từ khóa
21169

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu