Thứ 4, 24/04/2024 03:44:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thế giới 14:08, 26/08/2014 GMT+7

Quốc hội mãn nhiệm Libya tuyên bố thành lập chính phủ

Thứ 3, 26/08/2014 | 14:08:00 133 lượt xem
BPO - Ngày 25-8, Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC) - tức Quốc hội mãn nhiệm của Libya đã nhóm họp trở lại và chỉ định một nhân vật ủng hộ Hồi giáo thành lập "một chính phủ cứu rỗi."
Quốc hội Libya

Theo kênh truyền hình địa phương al-Nabaa, trong phiên họp được tổ chức tại thủ đô Tripoli, các nghị sỹ của GNC đã chỉ định ông Omar al-Hasi làm thủ tướng mới, đồng thời không công nhận Quốc hội Libya, mới nhậm chức hồi đầu tháng 6. 

Ông Omar al-Hasi là giảng viên về khoa học chính trị tại Đại học Benghazi và từng thất bại trong một cuộc bỏ phiếu của GNC hồi tháng 6 cho vị trí thủ tướng.

Kênh al-Nabaa không nêu số nghị sỹ GNC tham gia bỏ phiếu, song trong một bản tin trước đó, kênh này cho biết phiên họp đã không triệu tập đủ 94 đại biểu cần thiết. Động thái trên của GNC, tổ chức do phe Hồi giáo chiếm đa số, được cho sẽ đẩy Libya vào tình trạng bế tắc với cuộc giao tranh giữa các phe phái và tình trạng hai chính phủ, hai quốc hội. 

Do tình hình chiến sự ác liệt tại Tripoli và Benghazi, các phiên họp của Quốc hội Libya đã phải dời về thành phố Tobruk, miền Đông nước này. Trước đó, Quốc hội Libya đã bầu ông Abdullah al-Thinni làm Thủ tướng tạm quyền, nhưng quyết định đó bị Tòa án hiến pháp coi là vi hiến.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, nhiều nước tham gia Hội nghị bộ trưởng các nước láng giềng của Libya được tổ chức tại Ai Cập đã nhất trí với đề xuất của Cairo kêu gọi giải giáp các nhóm vũ trang của Libya trong nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng xung đột đẫm máu tại quốc gia Bắc Phi này.

Hội nghị có sự tham gia của Ngoại trưởng các nước Algeria, Chad, Sudan, Tunisia và một quan chức cấp cao của Niger. Phát biểu tại phiên họp, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukri cho biết ngoài đề xuất trên, Cairo kêu gọi các nước ủng hộ Quốc hội mới được bầu của Libya, xây dựng lại các cơ quan lập pháp nhà nước nhằm ổn định tình hình Libya.

Theo ông Shoukri, tình hình tại Libya đe dọa đến sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như sự ổn định tại các quốc gia láng giềng. Diễn biến tại Libya có thể ảnh hưởng tới lợi ích của các nước bên ngoài khu vực, dẫn tới việc can thiệp vào nội bộ Libya.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Libya Mohamed Abdelaziz nhấn mạnh cần sự can thiệp của cộng đồng quốc tế, song không nhất thiết là can thiệp quân sự. Libya đã đề nghị quốc tế hỗ trợ nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng lan sang các nước láng giềng. Theo ông Abdelaziz, quốc tế có thể hỗ trợ huấn luyện quân đội, tạo điều kiện chống các phần tử vũ trang và xây dựng lộ trình chính trị cho giai đoạn chuyển tiếp.
  
Ngoài ra, Ngoại trưởng Libya cũng bác bỏ thông tin Ai Cập can thiệp quân sự tại nước này, khẳng định Cairo đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Libya.

Tuyên bố trên được ông Abdelaziz đưa ra trong bối cảnh trước đó, các nhóm vũ trang Hồi giáo tại Libya cáo buộc Ai Cập cùng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đứng đằng sau các vụ không kích gần đây nhằm vào các căn cứ quân sự gần sân bay quốc tế Tripoli làm 11 tay súng thiệt mạng.

Nguồn TTXVN

  • Từ khóa
71749

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu