Thứ 7, 20/04/2024 08:36:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:13, 09/05/2018 GMT+7

Nông dân Long Thủy thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi

Thứ 4, 09/05/2018 | 08:13:00 100 lượt xem
BP - “Hội Nông dân phường Long Thủy là đơn vị điển hình trong phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh (SX-KD) giỏi với nhiều cách làm hay, mô hình sản xuất hiệu quả. Không chỉ tuyên truyền, phổ biến ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, hội còn thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống” - ông Đoàn Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Phước Long cho biết.

Hiệu ứng tích cực từ một phong trào

Bà Nguyễn Thị Minh Phương, Phó chủ tịch Hội Nông dân phường Long Thủy cho biết: Hội hiện có 5 chi hội và 23 tổ hội với 369 hội viên. Trong đó, khoảng 30% có mức sống khá, giàu, không còn hội viên nghèo, cận nghèo. Năm qua, hội có 156 hội viên đạt danh hiệu nông dân SX-KD giỏi các cấp, đạt 100% chỉ tiêu. Trong đó nhiều hội viên có mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: trồng cây công nghiệp kết hợp chế biến hạt điều, nuôi chim yến; trồng rau sạch trong nhà lưới theo hướng sinh học, sản xuất sản phẩm rau an toàn cung cấp cho người tiêu dùng... Nhiều nông dân SX-KD giỏi đã thành lập doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông thôn hoặc là sáng lập viên thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm liên kết mở rộng quy mô, tăng hiệu quả SX-KD.

Ông Bùi Ngọc Anh đưa đàn dê trở về chuồng sau một ngày chăn thả

Đến thăm trại nuôi rắn hổ vằn của hội viên Lê Hữu Mong ở khu phố 4, chúng tôi nhận thấy đây là mô hình phát triển kinh tế nhiều triển vọng với những hội viên ít đất sản xuất. Trong khuôn viên khoảng 60m2, ông xây 50 chuồng nuôi rắn, mỗi chuồng có 5 rắn cái và 1 rắn đực. Thức ăn chủ yếu là nhái, ếch, chim cút, đầu gà... Ông xây chuồng nuôi bằng xi măng, bên trong để vỉ gỗ cho rắn nằm, mặt trên lợp bằng lưới tạo sự thoáng mát, sạch và êm cho rắn nghỉ ngơi... Sau 1 năm, rắn đạt trọng lượng 1,5-2kg/con, có thể sinh sản hoặc bán thương phẩm. Hiện với giá bán bình quân 500 ngàn đồng/kg, mỗi năm gia đình ông thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ông Mong chia sẻ: Năm 2016, được hội cho vay 50 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân, tôi đầu tư nuôi rắn hổ vằn vì loại rắn này không độc, lớn nhanh, kháng bệnh tốt và được giá. Gia đình đang tiếp tục đầu tư xây thêm chuồng trại để mở rộng quy mô nuôi rắn.

Còn hội viên Bùi Ngọc Anh ở tổ 1, khu phố 5 cho hay: Năm 2015, được hội hỗ trợ 30 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, tôi mua 10 con dê lai bách thảo sinh sản về nuôi. Đây là giống dê dễ nuôi, ít kén thức ăn và có sức kháng bệnh tốt. Hằng ngày, tôi chăn thả dọc bờ sông thủy điện Thác Mơ. Hiện ngoài nguồn thu 40-50 triệu đồng/năm từ bán dê thương phẩm và dê sinh sản, sau khi trừ chi phí gia đình vẫn còn đàn dê 44 con và phần lớn là dê sinh sản. Phân dê được tận dụng chăm sóc 2 ha rẫy trồng cao su, điều. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ngày càng ổn định, bản thân không còn phải đi làm thuê, các con cũng có điều kiện ăn học đầy đủ.

Đa dạng hình thức hỗ trợ nông dân

Bà Nguyễn Thị Minh Phương cho biết thêm: Năm qua, hội phối hợp các công ty mua phân bón trả chậm, giúp nông dân trong phường đầu tư chăm sóc cây trồng với số tiền 450 triệu đồng. Ngoài nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân giúp 14 hội viên vay phát triển sản xuất trên 154 triệu đồng, hội còn tranh thủ nguồn vốn của Trung ương Hội cho 10 hộ vay 300 triệu đồng phát triển chăn nuôi bò và 150 triệu đồng từ nguồn Thị hội phân bổ cho 5 hộ vay nuôi dê. Kết hợp Ngân hàng Chính sách xã hội cho 99 hội viên vay tín chấp trên 3 tỷ đồng phát triển sản xuất. Cùng Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thị xã và các công ty phân bón tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hội viên được 7 lớp với 475 lượt người tham gia, chủ yếu về chăm sóc điều và cao su.

Năm qua, hội đã vận động hội viên SX-KD giỏi giúp hội viên khó khăn 125 triệu đồng, 250 cây điều ghép và 40 ngày công lao động; vận động 20 con em hội viên tham gia học các nghề sửa xe gắn máy, sửa chữa điện cơ, sửa chữa ôtô, may, cắt tóc... tại các cơ sở sản xuất ở địa bàn. Cán bộ, đảng viên trong hội đang tiết kiệm 1.000 đồng/ngày, hội viên 500 đồng/ngày nuôi heo đất giúp hội viên khó khăn phát triển sản xuất.

Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, hội viên đã đóng góp 25 ngày công, 5 xe đá và hơn 60 triệu đồng làm 200m đường bê tông với trên 100 triệu đồng; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu; thành lập 2 mô hình tuyến đường nông dân tự quản. Hội cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động con em có trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự địa bàn khu dân cư; ký kết với Công an phường giáo dục con em hội viên không để xảy ra vi phạm pháp luật. Hiện có 15 hội viên tham gia các tổ an ninh nhân dân, kịp thời phát hiện, tố giác và ngăn chặn mâu thuẫn xảy ra trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở địa bàn.

Như Thảo

  • Từ khóa
42687

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu