Thứ 5, 25/04/2024 19:33:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:38, 30/01/2019 GMT+7

Nông, lâm, thủy sản và những kỳ vọng

Thứ 4, 30/01/2019 | 09:38:00 489 lượt xem

BP - Năm 2018, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta đạt 40,02 tỷ USD. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, ngành hàng, nhà nông và sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước cùng địa phương. Với Bình Phước, dù thời tiết diễn biến bất thường, giá các mặt hàng nông sản chủ lực giảm sâu, nhưng tỉnh cũng đã đóng góp rất lớn vào thành tích chung của cả nước, nhất là những mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao như cao su, điều, cà phê. Bên cạnh đó, một số mặt hàng mới như gỗ rừng trồng, trái cây, thịt heo, gà... cũng đang từng bước chiếm lĩnh các thị trường khó tính của thế giới.

Từ những tiềm năng, lợi thế sẵn có và kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong năm 2019 đạt từ 42-43 tỷ USD. Đây là chỉ tiêu không dễ đối với ngành nông nghiệp, bởi thị trường thế giới đang có nhiều biến động, giá nông, lâm, thủy sản diễn biến thất thường. Trong khi vấn đề cốt lõi là sản phẩm phải đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu lại không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt (Vinafruits), 10 tháng năm 2018, xuất khẩu rau quả của nước ta đạt khoảng 3,3 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2017 tăng khoảng 15,4%. Trong khi đó, năm 2017 chỉ riêng trái kiwi của New Zealand có giá trị xuất khẩu 3,5 tỷ USD, bằng xuất khẩu của cả ngành rau quả Việt Nam. Thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam vẫn chủ yếu sang Trung Quốc với trên 70%, các thị trường cao cấp tiếp theo chỉ chiếm khoảng 15%. Nếu Việt Nam tập trung đầu tư phát triển sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường Mỹ, Eu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc... thì giá trị sẽ tăng lên nhiều. Nhưng muốn như thế, chúng ta phải thay đổi mạnh mẽ tư duy sản xuất, kinh doanh.

Để đạt các mục tiêu Thủ tướng đề ra cho năm 2019, việc đầu tiên là sản phẩm phải đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường xuất khẩu, nhất là yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, minh bạch thông tin. Hiện Trung Quốc được coi là thị trường lớn nhất của Việt Nam, cũng là thị trường “dễ tính” nhất, nhưng thời gian qua, phía bạn cũng đã yêu cầu phải có chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua đó cho thấy, sản xuất sạch, có nguồn gốc rõ ràng chính là nhu cầu của thị trường và cũng là hướng đi mà các doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản phải hướng tới. Kế đến là việc tổ chức liên kết, gắn với chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng đòi hỏi các doanh nghiệp, địa phương chung tay kết nối vùng nguyên liệu và các nhà máy chế biến. Đặc biệt, các nhà máy chế biến phải liên kết với nông dân để đảm bảo nguyên liệu đầu vào và nông dân luôn bảo đảm được bao tiêu sản phẩm.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần tăng cường tìm kiếm thị trường xuất khẩu, giữ ổn định thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường tiềm năng, hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Đồng thời nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường, kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản, vấn đề phát sinh đối với hàng hóa xuất khẩu. Tích cực giới thiệu sản phẩm ở các thị trường trọng điểm và tiềm năng; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng nông sản, nhất là tăng cường quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, như GAP, HACCP, ISO... 

Lâm Phương

  • Từ khóa
109041

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu