Thứ 5, 28/03/2024 15:45:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 18:59, 06/09/2018 GMT+7

Nông nghiệp hữu cơ đã được đặt lên bệ phóng

Thứ 5, 06/09/2018 | 18:59:00 138 lượt xem

BP - Ngày 29-8-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15-10-2018, quy định về sản xuất, chứng nhận, ghi nhãn, lô-gô, truy xuất nguồn gốc, kinh doanh, kiểm tra nhà nước sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản và chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đây là tin vui rất lớn đối với hàng chục triệu nông dân và các tập thể, doanh nghiệp chân chính.

Một trong những điểm nổi bật của Nghị định số 109/2018/NĐ-CP là quy định về chính sách hỗ trợ đối với trường hợp sản xuất sản phẩm hữu cơ, cụ thể như doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ được hỗ trợ 100% kinh phí xác định vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ; hỗ trợ 100% chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam... Nguồn hỗ trợ bao gồm từ ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước...

Sản phẩm nông nghiệp hầu hết sát sườn và tác động trực tiếp tới sinh hoạt, cuộc sống của con người, đặc biệt là các sản phẩm lương thực, thực phẩm. Thời gian qua, vấn đề an toàn sức khỏe từ các sản phẩm nông nghiệp là một trong những mối lo thường trực của tất cả người dân, được đề cập từ mỗi câu chuyện hằng ngày của cuộc sống, đến công sở, nghị trường. Và dù ngành nông nghiệp cùng một số ngành chức năng liên quan có nhiều nỗ lực, song đến nay mối lo này vẫn chưa nguôi trong lòng người tiêu dùng Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, bên cạnh một bộ phận vẫn vì lợi ích cá nhân bất chấp nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người khác, phần lớn mỗi nông dân đến doanh nghiệp sản xuất đã ý thức được trách nhiệm xã hội cũng như hiệu quả của sản xuất sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch còn rất nhiều điểm nghẽn. Đơn giản như chủ một vựa trồng rau muốn sản phẩm của mình được chứng nhận là rau sạch, rau hữu cơ thì không chỉ phải vượt qua một loạt thủ tục hành chính, kèm theo đó là thời gian và kinh phí, họ còn không nhận được sự hỗ trợ nào cả trong quá trình sản xuất lẫn chứng nhận, tiêu thụ sản phẩm... Chính vì thế, những trường hợp như vậy chỉ có thể dựa vào uy tín cá nhân hoặc đành chấp nhận “sống chung với lũ”.

Điều đó không tạo động lực cho những người sản xuất nông nghiệp chân chính và tạo cơ hội cho những người sản xuất không chân chính lợi dụng. Còn người tiêu dùng, vẫn không thể biết sản phẩm mình mua về, những thứ bày trên bàn ăn liệu có an toàn hay không. Nghị định số 109/2018/NĐ-CP sẽ khắc phục được những vấn đề cơ bản đặt ra về tình trạng này. Đặc biệt quy định về hỗ trợ 100% kinh phí xác định vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ, chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ sẽ là đòn bẩy để cả nhà nông, nhà doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng đều hướng đến mục tiêu chung: Chỉ có sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ mới tồn tại được. Khi đó, những sản phẩm không đủ điều kiện, không được chứng nhận cũng sẽ tự nhiên bị loại khỏi đời sống.

Đã được đặt lên bệ phóng, nhưng khi nào sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ thật sự lên ngôi, là điều kiện đương nhiên khi ra thị trường? Cách đơn giản nhất là đưa ngay Nghị định số 109/2018/NĐ-CP đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu