Thứ 6, 29/03/2024 08:35:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 10:34, 19/11/2015 GMT+7

Nông thôn mới gắn với xây dựng gia đình văn hóa

Thứ 5, 19/11/2015 | 10:34:00 255 lượt xem

BP - “Trong buổi họp dân lấy ý kiến lắp đặt đèn đường chiếu sáng nhằm giảm tệ nạn xã hội, ban điều hành ấp triển khai phương án “Mỗi người nhịn ăn một tô phở buổi sáng để thắp sáng đường thôn” đều nhận được sự nhiệt tình hưởng ứng từ phía người dân. Chỉ trong một tháng, người dân tự đóng góp mua 110 trụ điện, dựng trên các tuyến đường liên thôn, với tổng trị giá 66 triệu đồng. Từ khi có đèn đường, bộ mặt thôn như khoác thêm màu áo mới” - ông Dương Khá, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn 4, xã Đoàn Kết (Bù Đăng) hồ hởi khoe.

Đồng lòng xây dựng nông thôn mới

“Muốn dân nghe, dân tin và làm theo thì cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, xung phong làm trước. Đặc biệt phải biết phát huy vai trò người cao tuổi, cựu chiến binh có uy tín trong thôn tham gia vào ban vận động thì phong trào mới có sức lan tỏa. Từ khi có đèn đường, người dân trong xóm đi lại nhộn nhịp, không còn cảnh nhà nào biết nhà nấy như trước. Không chỉ thuận tiện đi lại vào ban đêm, người dân còn an tâm ngủ ngon giấc vì không phải lo lắng các tệ nạn xã hội. Cuối năm nay, từ tiền đóng góp của người dân và nhà nước hỗ trợ xi măng, ấp 4 sẽ hoàn thành tuyến đường liên thôn dài 200m, với kinh phí dự kiến khoảng 90 triệu đồng. Trong đó, người dân đã đóng góp 42,5 triệu đồng. Đây là những việc làm thiết thực, góp phần thực hiện tiêu chí về môi trường, đường giao thông nông thôn trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và xây dựng nông thôn mới của xã” - ông Nguyễn Văn Thám, Bí thư Chi bộ thôn 4 cho biết.

Các gia đình văn hóa tiêu biểu ở thôn 4, xã Đoàn Kết 3 năm liền được tuyên dương nhằm nhân rộng tổ ấm hạnh phúcCác gia đình văn hóa tiêu biểu ở thôn 4, xã Đoàn Kết 3 năm liền được tuyên dương nhằm nhân rộng tổ ấm hạnh phúc

Các tuyến đường liên thôn sạch sẽ, không có rác là nhờ ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Việc thu gom rác thải, vệ sinh môi trường trở thành nếp sống của mỗi gia đình. Từ cách “cầm tay chỉ việc”, người dân đã dần thay đổi nhận thức, từng hộ tự quét dọn sạch sẽ, tập trung đốt rác đúng nơi quy định, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Thôn 4 hiện có 174 hộ với 761 người. Nhờ phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo mà tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Thôn hiện chỉ còn 3 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo. Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc của các đoàn thể. Người dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức như: Chi hội phụ nữ có phong trào “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”, Chi hội nông dân với phong trào “Gia đình nông dân hạnh phúc”, “Giúp nhau làm giàu”... Từng phong trào gắn với các hoạt động cho vay vốn giúp nhau xóa nghèo. Điển hình như: Chi hội cựu chiến binh cho 5 hội viên vay vốn với số tiền 25 triệu đồng; Chi hội nông dân cho 7 hội viên vay phát triển kinh tế với số tiền 18 triệu đồng; Chi hội phụ nữ xây dựng nguồn quỹ được 21 triệu đồng cho 2 hội viên vay, xây dựng “Hũ gạo tình thương” 530kg, nuôi heo đất được 830 ngàn đồng hỗ trợ hộ nghèo; Chi hội người cao tuổi góp vốn xoay vòng được 14 triệu đồng cho 7 hội viên vay; Chi hội chữ thập đỏ cho 5 hội viên vay số tiền 13 triệu đồng...

Bí quyết giữ vững gia đình văn hóa

Trong số 174 hộ đăng ký gia đình văn hóa đầu năm, đến cuối năm, qua bình xét 174 hộ đều đạt gia đình văn hóa. Trong đó có 163 hộ đạt gia đình văn hóa 3 năm liền và không có gia đình sinh con thứ ba.

Gia đình ông Trần Văn Lân (73 tuổi) có 5 người con và 11 cháu nội, ngoại. Gia đình ông là điển hình trong phong trào ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, được hàng xóm quý mến. Đối với ông, việc giữ gìn và phát huy truyền thống luôn là việc làm cần thiết để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc. Vì vậy, ông tâm niệm phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng bản thân và giáo dục con cháu không ngừng học tập, tu dưỡng đạo đức, lối sống. Nhờ hòa thuận, đồng cảm và sẻ chia giữa các thành viên nên không khí gia đình ông luôn vui vẻ, đầy ắp tiếng cười.

Nói về bí quyết để xây dựng gia đình hạnh phúc, ông Đỗ Văn Bé cho biết: “Để gia đình trên thuận dưới hòa, các thành viên cần tôn trọng nhau, biết nhường nhịn và giữ hòa khí: “Chồng giận, vợ phải bớt lời/Cơm sôi bớt lửa mấy đời nào khê”. Vợ chồng phải biết lắng nghe, hỗ trợ khi cần thiết, nhất là cha mẹ cần gương mẫu để các con học tập, noi theo. Làm sao để mỗi thành viên ý thức được việc xây dựng gia đình văn hóa là nền tảng cốt lõi xây dựng xã hội tiến bộ.

Ai cũng có cách nghĩ, cách làm như gia đình ông Lân, ông Bé thì phong trào xây dựng gia đình văn hóa không còn khó. Việc tuyên dương, khen thưởng gia đình văn hóa hằng năm ở khu dân cư rất cần kịp thời nhân rộng những tổ ấm hạnh phúc, biết chung tay phát triển kinh tế. Từ nền tảng gia đình hạnh phúc thì khu dân cư mới ổn định, hạn chế và đẩy lùi tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng nông thôn giàu đẹp, văn minh.

Ngân Hà

  • Từ khóa
53881

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu