Thứ 5, 25/04/2024 21:56:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:28, 02/02/2017 GMT+7

Nữ cựu tù chính trị và bí quyết đại thọ

Thứ 5, 02/02/2017 | 08:28:00 2,027 lượt xem

BP - Nghe có khách đến chơi, cụ cố gắng ngồi dậy, hai tay run rẩy chống gậy bước ra. Con gái thứ tư Kiều Thị Thơm năm nay 65 tuổi đến giúp cụ. Thấy chúng tôi, cụ cười móm mém: “Bà yếu lắm rồi. Không biết sống được bao lâu nữa...” Cụ là Nguyễn Thị Thuấn ở thôn 1, xã Nghĩa Trung (Bù Đăng). Theo chứng minh nhân dân do Công an tỉnh Sông Bé cấp ngày 7-5-1979 thì cụ sinh năm 1914, nguyên quán Quảng Ngãi, tức năm nay cụ bước sang tuổi 103. Điều đặc biệt, dù là nữ cựu tù Bà Rá, từng bị đày ải cả thể xác lẫn tinh thần nhưng đến nay cụ vẫn còn minh mẫn đến khó tin.

KHÔNG QUÊN THUỞ TÙ ĐÀY

Bên ly trà nóng, cụ kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời đầy gian nan, vất vả của cụ và gia đình. Năm 1963, cùng với 5 hộ nghèo ở xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), gia đình cụ Thuấn di cư vào ấp Văn Đức 2, xã Tân Thuận, quận Đôn Luân, tỉnh Phước Long, nay thuộc thôn 1, xã Nghĩa Trung (Bù Đăng). Cụ Thuấn sinh được 7 người con (3 trai, 4 gái). Con trai cả Kiều Hường (1946) và con gái thứ Kiều Thị Quýt (1948) của cụ đều tham gia cách mạng. Năm 1972, trong một trận đánh địch ở Phước Long, con trai của cụ là Kiều Hường bị thương và đã mất trên đường ra miền Bắc chữa trị. Ngày đất nước thống nhất, chồng và con gái cụ trở về nhưng không bao lâu, cụ ông mất vì bệnh hiểm nghèo. Cụ Thuấn nói: “Những năm tháng sống trong rừng sâu, ăn đọt mây, uống nước suối đã cướp đi sinh mạng 3 người con của tôi. Hiện tôi chỉ còn 3 người con và đều đã lên chức ông bà. Tất cả tôi có 18 cháu và 16 chắt, các cháu đều chăm ngoan, học giỏi và có việc làm ổn định”.

Đồng chí Trần Tuyết Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thăm, tặng quà cụ Thuấn nhân Ngày quốc tế người cao tuổi 1-10-2016

Trong câu chuyện đầu xuân, cụ kể rành mạch từ chuyện lập làng, chống chọi với thiên tai, dịch bệnh, chống giặc ngoại xâm đến xây dựng cuộc sống mới... Trong đó, ấn tượng nhất với tôi là chuyện cụ bị bắt và giam ở nhà tù Bà Rá (Phước Long). Cụ Thuấn nhớ lại: “Năm 1971, khi tôi đang gặt lúa thì có người đàn ông tay cầm súng tiến lại gần nói: “Lên đây!”. Tôi hỏi đi đâu thì chúng nói đi chút tí rồi về. Nhưng chúng trói tay rồi dẫn tôi lên máy bay đưa về nhà tù Bà Rá. Bị bắt với tôi hôm đó còn có ông Nghị, ông Minh, ông Dữ và ông Nhì là những người cùng xã. Ở tù, ngày hai bữa, chúng đút 1 cục cơm với vài hạt muối trắng vào buồng giam qua cửa nhỏ cho người tù ăn. Ông Nghị, ông Minh chuyên đi chợ nấu cơm tù, lâu lâu lén lút cho tôi chút mắm cá sặc. Hôm bị bắt, trong túi có 2 đồng, tôi nhờ mua 2 cái chén. Một cái để đựng cơm, cái đựng muối. Ông Nghị, ông Minh phải đi xin quần áo cũ cho tôi mặc... Hằng ngày, chúng còn đổ nước vào mũi tra tấn. Chúng hỏi tôi tiếp tế bao nhiêu lần, đem bao nhiêu gạo, mấy cái nồi... cho bộ đội nhưng tôi kiên quyết không khai. Năm 1973, tôi được tha về”.

Uống ngụm trà nóng, hướng đôi mắt già nua về phía xa xăm, cụ kể tiếp: “Những ngày mới vào tỉnh Phước Long cũ, cuộc sống khổ cực trăm bề. Năm nào mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, không bị chim muông phá thì còn lúa gạo, khoai mì để ăn. Gặp năm mất mùa, cả nhà phải ăn củ chụp thay cơm”.

...VÀ BÍ QUYẾT ĐẠI THỌ

Chị Trần Thị Lan, con dâu út và là người đang phụng dưỡng cụ cho hay: “Hơn 100 tuổi nhưng mỗi ngày cụ vẫn ăn được 2-3 chén cơm, uống 2 ly sữa bột dành cho người già. Đặc biệt, cụ chỉ thích ăn cơm với mắm cá, uống nước chè xanh và nghe hát cải lương”. Nhà chị Lan hai tầng, hằng ngày cụ vẫn một mình lên xuống cầu thang để tự ăn uống, vệ sinh cá nhân. Hơn 40 năm qua, chỉ duy nhất một lần cụ lâm bệnh, phải cấp cứu tưởng không qua khỏi nhưng cụ đã vượt qua cho đến hôm nay.

Cụ Nguyễn Thị Thuấn bên con cháu

Khi được hỏi về bí quyết sống thọ, cụ Thuấn cười hiền hậu nói: “Bà không có bí quyết gì đâu, chỉ là nhờ trời cho sống thọ cùng con cháu. Nhưng bà hay uống nước chè xanh, mỗi lần bà uống chè là thấy mình rất tỉnh táo. Bà ăn uống điều độ, nếu thấy còn sức khỏe, đỡ đần cho con cháu việc gì thì làm. Lúc 90 tuổi, bà vẫn quét dọn nhà, tự giặt giũ. Nay hơn 100 tuổi bà vẫn đi lại một mình, khi nào khỏe bà lại cầm chổi quét sân”. Đặc biệt, cụ hiện nay chỉ hơi nặng tai nhưng đầu óc thì rất minh mẫn. Chị Lan kể: “Cụ ít khi bị bệnh, chỉ lâu lâu cảm cúm, hắt hơi sổ mũi vài ba bận, rất ít khi phải uống thuốc. Có lẽ nhờ chăm chỉ vận động, môi trường sống trong lành, con cháu hiếu thảo, tinh thần thoải mái mà cụ có sức khỏe như vậy. Từ hồi tôi về làm dâu chưa thấy cụ to tiếng với ai bao giờ. Cụ sống được đến nay là phúc rất lớn của gia đình và là niềm tự hào của cả dòng họ”.
Theo thống kê của Hội Người cao tuổi tỉnh, Bình Phước hiện có 303 cụ tròn 90 tuổi, 27 cụ tròn 100 tuổi và 74 cụ trên 100 tuổi. Cụ ông Nguyễn Văn Bò ở thôn 3, xã Thiện Hưng (Bù Đốp) là người cao tuổi nhất tỉnh (111 tuổi). Cụ Phạm Thị Thung ở khu phố 3, phường Long Thủy (Phước Long) hiện 110 tuổi.

“Đã mấy chục năm nay, mỗi khi tết đến xuân về, cụ lại mang di ảnh liệt sĩ Kiều Hường ra lau sạch rồi lại đặt trang trọng lên bàn thờ. Nỗi đau mất con khiến cụ sống mạnh mẽ, gương mẫu hơn để xứng danh mẹ liệt sĩ. Cụ còn dặn các con: “Mẹ đã sống 2 thế kỷ, chứng kiến nhân sinh hơn 100 năm, mẹ biết được hết ngọn nguồn của sự buồn vui. Có được cuộc sống như hôm nay, các con phải nhớ ơn Đảng, ơn Bác Hồ, công lao của các anh hùng đã ngã xuống vì độc lập dân tộc” - bà Kiều Thị Thơm, con gái cụ cho biết thêm. Vâng lời mẹ, các con của cụ đều hăng hái lao động sản xuất, trở thành những nông dân sản xuất giỏi của xã. Gia đình cụ năm nào cũng được công nhận danh hiệu văn hóa. Chính điều này đã nhân lên niềm vui tuổi già cho cụ.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn có chính sách quan tâm, hỗ trợ người cao tuổi. Chỉ thị số 59 ngày 27-9-1995 của Ban Bí thư về chăm sóc người cao tuổi đã góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về người cao tuổi; khơi dậy tiềm năng, sức mạnh, trách nhiệm của mỗi gia đình, cộng đồng, các tổ chức xã hội và nhà nước đối với người cao tuổi. Ông Đặng Khắc Lộc, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Nghĩa Trung cho biết: “Nghĩa Trung là xã có nhiều người sống thọ nhất huyện Bù Đăng. Hiện nay, xã có trên 20 cụ thọ từ 90-100 tuổi. Cụ Thuấn là một trong 2 cụ thọ hơn 100 tuổi ở xã. Hằng năm, vào các dịp lễ, tết, Hội Người cao tuổi xã tổ chức đi thăm và chúc tết, động viên các cụ. Để nâng cao tinh thần sống vui, sống khỏe, hội thành lập các câu lạc bộ thơ ca, cờ tướng, tạo sân chơi để các cụ gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm sống và nuôi dạy các con. Đó cũng là bí quyết giúp các cụ sống lâu trăm tuổi.

Minh Luận

  • Từ khóa
17261

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu