Thứ 6, 26/04/2024 04:28:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:30, 24/07/2014 GMT+7

Nữ tướng làm hoàng hậu

Thứ 5, 24/07/2014 | 13:30:00 1,722 lượt xem

BP - Theo sách “Tây Sơn võ tướng” thì Bùi Thị Nhạn là một trong Tây Sơn ngũ phụng thư. Sau này, khi trở thành vợ chính thức của vua Quang Trung, bà được tấn phong làm Chính cung Hoàng hậu và sau đó là Hoàng thái hậu khi con bà là Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi nhà Tây Sơn.

Bùi Thị Nhạn là người thôn Xuân Hòa, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Bà là con út của Bùi Đức Lương, một người rất giàu có. Bà có 3 anh trai là Bùi Đắc Chí, Bùi Đắc Trung, Bùi Đắc Tuyên và chị gái là Bùi Thị Loan. Bà là chị em cùng mẹ khác cha với vợ cả của hoàng đế Quang Trung là bà Phạm Thị Liên.

Đối với nữ tướng Bùi Thị Xuân (con của Bùi Đắc Chí và cũng là cháu nội của ông Bùi Đức Lương) thì Bùi Thị Nhạn vừa là cô ruột (tuy tuổi đời có kém hơn) vừa là thầy dạy võ khi bà gia nhập vào đoàn nữ binh trong phong trào khởi nghĩa Tây Sơn. Ở đây, Bùi Thị Nhạn cùng Bùi Thị Xuân phụ trách việc luyện quân và xây dựng kinh tế.

Là người giỏi võ nghệ, tính nết lại nhu hòa nên Bùi Thị Nhạn được người đương thời tôn vinh là một trong Tây Sơn ngũ phụng thư. Do chung một ngọn cờ, lại phù hợp tính tình nên sau lần bà và thủ lĩnh Tây Sơn là Nguyễn Huệ gặp gỡ nhau thì cả hai dần trở nên thân thiết. Chính vì vậy mà khi người vợ lớn là Phạm Thị Liên mất vì bạo bệnh, Nguyễn Huệ đã cưới bà làm vợ.

Sau khi xuất giá, Bùi Thị Nhạn rời quân ngũ về chăm lo gia đình bên chồng. Sau đó bà sinh được 3 người con trai và 2 người con gái. 3 trai là Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Quang Thiệu, Nguyễn Quang Khanh. Còn 2 người con gái không rõ tên, chỉ biết sau này có một người được gả cho tướng Nguyễn Văn Trị.

Năm 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời, Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi (tức vua Cảnh Thịnh), bà được tôn làm Hoàng thái hậu. Vì vua còn nhỏ nên mọi quyền hành trong triều nhanh chóng rơi vào tay người cậu là Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Kể từ đó, triều đình Tây Sơn sinh ra lục đục mãi. Lợi dụng thời cơ này, từ Gia Định, chúa Nguyễn Phúc Ánh tiến quân ra đánh phá nhà Tây Sơn.

Năm Tân Dậu - 1801, chúa Nguyễn đánh tới kinh thành Phú Xuân. Vua Cảnh Thịnh cùng Đô đốc Bùi Thị Xuân và nhiều tướng lĩnh khác đều phải cầm quân ra trận. Mọi việc trị an nơi kinh thành đều do Thái hậu Bùi Thị Nhạn lo liệu. Khi Phú Xuân thất thủ, bà và vua Cảnh Thịnh bỏ chạy ra Bắc.

Năm Nhâm Tuất - 1802, Nguyễn Phúc Ánh đem quân lần lượt đánh chiếm Nghệ An, Thanh Hóa... rồi tiến ra Bắc thành. Lực lượng Tây Sơn ở Bắc thành bấy giờ rất suy yếu, bởi bao nhiêu tinh binh đều đã được vua Cảnh Thịnh đem đi đánh lũy Trấn Ninh, Nhật Lệ (Quảng Bình) và đều bị tan tác.

Khi quân Nguyễn Phúc Ánh rầm rộ kéo đến Thăng Long, quân Tây Sơn nghe tin bỏ thành trốn gần hết. Liệu không thể chống giữ nổi, Đại đô đốc Nguyễn Văn Tuyết và vợ đưa vua Cảnh Thịnh cùng cung quyến sang sông Hồng chạy lên vùng núi phía Bắc... Đoàn ngự giá đến Xương Giang và nghỉ lại đêm ở nhà dân địa phương thì bị cáo giác. Quân nhà Nguyễn kéo đến vây đánh. Vợ chồng Đô đốc Tuyết phá được vòng vây, phò xa giá chạy được mươi dặm thì quân nhà Nguyễn do Lê Chất chỉ huy đuổi kịp... Đang khi ác chiến, Đô đốc Tuyết bị trúng đạn tử trận. Vợ Đô đốc Tuyết là Trần Thị Lan hết sức chống cự nhưng vì yếu thế nên cả đoàn đều bị bắt. Không thể để đối phương làm nhục, Thái hậu Bùi Thị Nhạn cùng Trần Thị Lan đều tự sát vào ngày 16 tháng 6 năm Nhâm Tuất -1802.

Lời bàn:

“Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, đó là truyền thống anh hùng và kiên cường chống ngoại xâm, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Và điều này đã được lịch sử chứng minh. Bởi trong tất cả các cuộc chống ngoại xâm, dân tộc ta đã sản sinh ra biết bao nữ anh hùng, trong số đó có không ít người trở thành bất tử với cái chết trung liệt mà ngàn đời sau mãi mãi tôn vinh. Đó là Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Chân, Bùi Thị Xuân... Trong lịch sử các triều đại phong kiến ở Việt Nam thì sau triều đại Hai Bà Trưng, Tây Sơn là thời đại xuất hiện nhiều nữ tướng có võ nghệ cao cường, trong đó đứng đầu là nữ tướng Bùi Thị Nhạn, Bùi Thị Xuân. Hai bà đã cùng chồng mang lại những chiến công hiển hách cho nhà Tây Sơn và lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

Thế nhưng có điều đáng buồn là khi nhắc đến những phụ nữ thân cận vua Quang Trung, người ta thường nói đến Ngọc Hân công chúa với bài “Ai tư vãn” khóc vua Quang Trung, ít ai nhắc đến Bùi Thị Nhạn, một phụ nữ đã cầm quân chinh chiến trước khi trở thành hoàng hậu, giúp chồng con trị quốc. Nguyên nhân dẫn đến việc quên lãng công trạng của bà có thể vì hậu thế oán hận anh trai của bà là Thái sư Bùi Đắc Tuyên, người đã lộng quyền dẫn đến sự sụp đổ của triều đại Tây Sơn. Vâng, nếu quả đúng như thế thì hậu thế cần phải trả lại sự công bằng đối với bà. Ngày nay, nữ tướng Bùi Thị Xuân được vinh danh bằng việc đặt tên bà cho nhiều tuyến phố và trường học ở khắp nơi trong nước. Tuy nhiên, Hoàng hậu Bùi Thị Nhạn vẫn chưa có được chỗ đứng như thế.

K.N

  • Từ khóa
109561

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu