Thứ 7, 20/04/2024 05:34:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:49, 24/03/2016 GMT+7

Nước đến chân sẽ không nhảy kịp

Thứ 5, 24/03/2016 | 10:49:00 156 lượt xem
BP - 8 giờ sáng nay 23-3, dòng nước đầu tiên bắt đầu chảy trên hệ thống kênh mương của công trình thủy lợi sau thủy điện Cần Đơn. Quyết định được đưa ra sau cuộc họp đại diện lãnh đạo 3 đơn vị:

Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Công ty cổ phần Thủy điện Cần Đơn và UBND huyện Bù Đốp. Lưu lượng xả 0,5m3/s, cung cấp nước cho tuyến kênh chính 4,5km và 3 tuyến kênh nhánh với 5km. Người dân khu vực thị trấn Thanh Bình và xã Thanh Hòa đã được “giải khát” giữa đại hạn.

Đây có lẽ là tin không gì vui hơn với hàng ngàn nông dân đang vật lộn trong cơn khát cả nước sinh hoạt và nước tưới cho những vườn hồ tiêu trị giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc hàng chục tỷ đồng đã được giữ lại trong túi tiền của người dân, gồm giá trị vườn tiêu, chi phí khoan giếng, mua nước tưới với giá 80 ngàn đồng/m3...

Công trình thủy lợi sau thủy điện Cần Đơn xây dựng bằng vốn trái phiếu chính phủ, kinh phí được phê duyệt ban đầu 42,328 tỷ đồng, cung cấp nước tưới cho 4.548 ha và tiêu úng cho 260 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Bù Đốp, gồm 17,96km kênh chính, 32km kênh tưới cấp một, 7,2km kênh tiêu cấp một, 18km kênh tưới nội đồng và 4km kênh tiêu nội đồng.

Xét một cách tổng thể, chỉ với 4,5km tuyến kênh chính và 5km tuyến kênh nhánh có nước - khoảng 25% so với tổng số toàn tuyến kênh tưới, song lợi ích đem lại rất lớn và có thể được xem như đã “lấy lại vốn” đầu tư ban đầu của cả công trình. Điều đó cho thấy giá trị của công trình thủy lợi này lớn như thế nào. Đồng thời, điều đó cũng cho thấy sự lãng phí, tổn thất cho xã hội lớn đến mức nào khi công trình được thi công quá chậm: Năm 2004, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn trình dự án lên Chính phủ, sau đó được Chính phủ phê duyệt. Năm 2006, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn giao UBND tỉnh làm chủ đầu tư, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư và mãi đến năm 2009 công trình mới được khởi công. Nhiều năm chậm tiến độ, đến nay vẫn chưa hoàn thành (hôm nay 23-3 mới chỉ là chạy thử nghiệm và mục đích cứu hạn tạm thời).

Người Việt vốn nhân ái và giàu lòng vị tha. Có lẽ, khi nước về đến các vườn tiêu, hàng ngàn hộ nông dân Bù Đốp sẽ quấn quýt với niềm vui và bận rộn với công việc thường nhật. Họ nhanh chóng quên đi sự bức xúc nhiều năm qua và không còn “chất vấn” về công trình này. Còn đối với những nhà quản lý, liệu đã có thể xếp “vụ việc” này vào ngăn tủ?

Nhận hối lộ 1 triệu đồng có thể bị ngồi tù. Nhưng lãng phí hàng tỷ đồng, thậm chí  hàng trăm tỷ đồng thì chưa được luật hóa. Nhiều chuyên gia đầu ngành đã lên tiếng đề nghị trong Bộ luật Hình sự cần đặt thêm tội lãng phí gây hậu quả nghiêm trọng. Trước khi có quy định về tội lãng phí và trước khi có những chế tài hành chính nghiêm khắc hơn, các cấp lãnh đạo, quản lý cần phải có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này. Trên địa bàn Bình Phước, thực tế không chỉ có một “thủy lợi sau Cần Đơn”. Hy vọng rằng, các cấp lãnh đạo cũng như ngành chức năng có trách nhiệm, kịp thời xử lý. Kẻo một ngày nào đó, Bộ luật Hình sự quy định thêm tội danh lãng phí gây hậu quả nghiêm trọng, đến lúc đó “vắt chân lên cổ” cũng chạy không kịp.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu