Thứ 6, 29/03/2024 06:13:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:19, 19/09/2017 GMT+7

Nước sạch về với đồng bào biên giới Thạnh Phú

Thứ 3, 19/09/2017 | 15:19:00 274 lượt xem
BP - Sau gần 1 tháng thi công, ngày 16-9, tại nhà văn hóa ấp Thạnh Phú, xã Lộc Thạnh (Lộc Ninh), UBMTTQVN TP. Hồ Chí Minh phối hợp Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP. Hồ Chí Minh khánh thành và bàn giao công trình “Nước ngọt vùng biên” cho Ban điều hành ấp quản lý, vận hành. Đón nước sạch về tận nhà và được các nhà tài trợ tặng quà, đó cũng là ngày hội của đồng bào dân tộc S’tiêng vùng biên giới Thạnh Phú.

NIỀM VUI TRÊN BIÊN GIỚI

Ngày giữa tháng 9, biên giới vào thu dịu dàng nhờ dư âm của trận mưa rào cuối chiều hôm trước. Để chào đón sự kiện khánh thành, bàn giao công trình “Nước ngọt vùng biên”, chiều 15-9, Chi bộ, Ban điều hành ấp và nhân dân Thạnh Phú đã khẩn trương hoàn thành con đường sỏi đỏ dài hơn 1km, nối đường nhựa - trung tâm và bê tông hóa toàn bộ sân xi măng nhà văn hóa. Ấp trưởng Trần Văn Cáo, người có uy tín trong cộng đồng ấp Thạnh Phú cho biết, với hơn 1km sỏi đỏ, bề rộng mặt đường 6m, tổng kinh phí đầu tư 10,1 triệu đồng; bê tông toàn bộ sân nhà văn hóa ấp tổng kinh phí 88,5 triệu đồng đều do ấp vận động doanh nghiệp, trang trại đứng chân trên địa bàn và nhân dân đóng góp tiền, phương tiện cơ giới, thi công trực tiếp. Đây cũng là công trình chào mừng 20 năm tái lập tỉnh Bình Phước và 45 năm giải phóng Lộc Ninh do ấp biên giới Thạnh Phú đăng ký thực hiện trong năm nay. 

Khánh thành công trình “Nước ngọt vùng biên” ở ấp Thạnh Phú

Công trình “Nước ngọt vùng biên” do UBMTTQVN TP. Hồ Chí Minh và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP. Hồ Chí Minh vận động Công ty Tranh Cát Ý Lan và Công ty TNHH MTV Samco, Tổng công ty Giao thông - Vận tải Sài Gòn tài trợ Quỹ  “Vì biển đảo quê hương - vì tuyến đầu Tổ quốc”. Công trình có tổng kinh phí 300 triệu đồng, gồm giếng khoan công nghiệp 80m, đài nước 10.000 lít; máy bơm, máy đẩy nước tự động; hệ thống đường ống hơn 2.000m, cung cấp nước tận nhà cho 100 hộ, trong đó có 50 hộ dân tộc S’tiêng thuộc các tổ 1, 2, 3 và 4 của ấp Thạnh Phú. Hiện nay, đã có 70 hộ lắp đặt đường ống, đồng hồ nước.

Trong niềm vui vì có nước sạch về tận nhà, được tặng quà, chị Thị Háp (1981) cho biết: “Cũng như nhiều thế hệ người S’tiêng trên biên giới Thạnh Phú, trước đây mùa khô gia đình tôi phải lấy nước ở suối Bà Tám rất xa. 5-7 năm nay, nhờ Nhà nước đầu tư giếng khoan nên lấy nước gần hơn. Nay lại có nước về tận nhà, đồng bào S’tiêng ở Thạnh Phú thấy như đang trong mơ”.

NHỮNG TẤM LÒNG HƯỚNG VỀ BIÊN GIỚI

Ấp trưởng Trần Văn Cáo cho biết, từ năm 2010 Thạnh Phú được Nhà nước đầu tư 5 giếng khoan tập trung, đặt ở 5 tổ dân cư và đang hoạt động có hiệu quả, giải quyết bức xúc nước sinh hoạt cho người nghèo trên biên giới. Các giếng khoan của Nhà nước đều được ấp chọn vị trí thuận lợi, do tổ trưởng quản lý, người dân tự nguyện góp trả tiền điện bơm nước.

Để vận hành công trình “Nước ngọt vùng biên”, Thạnh Phú cũng đã chuẩn bị nhân sự quản lý, thu tiền điện các hộ dân. Tháng đầu tiên từ tiêu hao điện bơm nước ở đồng hồ tổng đặt tại nhà văn hóa, Ban điều hành ấp sẽ tính toán giá 1m3 nước/điện tiêu hao. Theo đó, các hộ dân đóng tiền điện tương đương khối lượng nước sử dụng qua đồng hồ nước của gia đình. Xã hội hóa cấp nước sạch sẽ góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong vận hành, bảo quản công trình cấp nước tập trung.

Bà Triệu Lệ Khánh, Phó chủ tịch UBMTTQVN TP. Hồ Chí Minh cho biết: Năm 2009, UBMTTQVN TP. Hồ Chí Minh thành lập Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu”, năm 2014 đổi thành Quỹ “Vì biển đảo quê hương - vì tuyến đầu Tổ quốc”. Năm 2017, quỹ thống nhất tài trợ 7 công trình “Nước ngọt vùng biên” cho 7 tỉnh biên giới tiếp giáp Campuchia, trong đó có Bình Phước.

Trong niềm vui khánh thành công trình nước sạch, 50 hộ nghèo, khó khăn của ấp Thạnh Phú được Đoàn thanh niên Công ty TNHH MTV Samco tặng mỗi hộ 500 ngàn đồng; 50 học sinh tiểu học, THCS vượt khó học giỏi cũng được trao học bổng, trị giá 500 ngàn đồng/suất.

Bà Triệu Lệ Khánh xúc động: Đầu tháng 7 vừa qua, khi đến khảo sát đặt giếng khoan ở Thạnh Phú cũng là thời điểm giữa mùa mưa, khu vực này rất sình lầy. Chọn được nhà thầu có uy tín nhưng khi vận chuyển máy móc vào thi công gặp nhiều khó khăn. Sau gần 1 tháng cả nhà thầu và nhân dân trên biên giới đều thi đua gấp rút hoàn thành công trình cấp nước, song song với làm đường, bê tông hóa sân nhà văn hóa chào đón lễ bàn giao. Nỗ lực của người dân trên biên giới đóng góp tiền, công sức xây dựng nông thôn mới đã làm các nhà tài trợ xúc động, phấn khởi, yên tâm công trình sẽ được bảo quản tốt và phát huy hiệu quả. Người dân TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể xã hội luôn hướng về biển đảo, biên giới của Tổ quốc. Nhiều hoạt động thiết thực động viên, chăm lo đời sống của cán bộ, chiến sĩ biên phòng và nhân dân trên biên giới góp phần nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nơi đây.

Chủ tịch UBMTTQVN xã Lộc Thạnh Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết: Ấp Thạnh Phú có 68% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người S’tiêng nên rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Thạnh Phú cũng tự hào là ấp văn hóa 7 năm liền, được tỉnh chọn xây dựng mô hình điểm “Toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, mô hình “Tiếng kẻng an ninh trên biên giới”. Cùng với vận hành hiệu quả các công trình cấp nước tập trung do Nhà nước đầu tư nên Thạnh Phú xứng đáng được UBMTTQVN tỉnh, huyện Lộc Ninh chọn để đầu tư công trình “Nước ngọt vùng biên” của Quỹ “Vì biển đảo quê hương - vì tuyến đầu Tổ quốc”.

P.Hà

  • Từ khóa
93363

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu