Thứ 7, 20/04/2024 06:23:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 13:32, 14/06/2018 GMT+7

Nuôi heo công nghệ cao để tồn tại và phát triển

Thứ 5, 14/06/2018 | 13:32:00 416 lượt xem
BP - Sau một năm rưỡi “chạm đáy”, từ ngày 11-4 heo hơi tăng giá đã khởi động thị trường thịt heo. Đầu tháng 6 đến nay, giá heo hơi bắt đầu chững lại nhưng vẫn ở mức cao. Khác với những năm trước, đợt tăng giá lần này, nông hộ nuôi heo trên địa bàn tỉnh rất cẩn trọng trong tái đàn, tăng đàn. Thực tế cho thấy, trong khi thị trường không bình ổn và nhạy cảm về an toàn vệ sinh thực phẩm thì để tồn tại và phát triển chăn nuôi heo, người nuôi phải theo hướng chuyên nghiệp.

Người NUÔI THỜ Ơ  VỚI GIÁ HEO TĂNG 

Năm 2017, giá heo hơi chạm đáy, thấp nhất trong 10 năm, chỉ 28 ngàn đồng/kg. “Cơn lốc” giá giảm trong năm 2017 đã làm hàng ngàn hộ nuôi heo nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh thua lỗ, nợ nần nên có khoảng 80% hộ phải “treo chuồng”.  Từ giữa tháng 4 đến nay, giá heo hơi bắt đầu tăng từ 40-41 ngàn đồng/kg, chạm ngưỡng 50 ngàn đồng/kg vào cuối tháng 5. Tuần đầu tháng 6 đến nay, giá heo “hạ nhiệt” nhưng vẫn ở mức cao. Ở Bình Phước, heo hơi được thương lái thu mua tại hộ dân, giá dao động từ 46-48 ngàn đồng/kg, thấp hơn khoảng 2.000 đồng/kg so với giá niêm yết của các công ty trong khu vực Đông Nam bộ.

Chăn nuôi hộ truyền thống giảm sâu nên giá heo hơi tăng

Giá heo hơi tăng đột biến và trên các kênh thông tin đại chúng, chuyên gia kinh tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên tục cảnh báo hộ chăn nuôi cẩn trọng khi tái đàn ồ ạt vì thị trường thịt heo tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn. Giá heo hơi tăng cũng đã đẩy giá con giống tăng 2-3 lần. Cụ thể, đầu năm 2018, heo con có trọng lượng 8-10kg, giá 500 ngàn đồng/con nhưng nay đã tăng lên 1-1,2 triệu đồng/con, cám tăng giá 10 ngàn đồng/bao (trong tháng 5). Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, nếu không chủ động được con giống và phải thuê người chăm sóc heo, thì với mức giá 42-45 ngàn đồng/kg heo hơi, trọng lượng 80-90kg/con, người chăn nuôi chỉ lời bình quân 500-600 ngàn đồng/con.

Giữa năm 2016 (thời điểm giá heo 52-55 ngàn đồng/kg), anh Phan Tám ở xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp nuôi 20 con heo nái, 100 heo thịt/lứa. Nhưng đợt heo rớt giá sau năm 2017 đã làm gia đình anh rơi vào nợ nần và phải “treo chuồng”. Anh Tám cho biết, thị trường thịt heo đang sôi động trở lại nhưng “hội” nuôi heo theo hộ ở Bù Đốp không ai dám mạo hiểm tái đàn, tăng đàn.

Đàn heo nái và heo thịt của gia đình bà Nguyễn Thị Hoa ở xã Lộc Thuận (Lộc Ninh) sau khi giá heo chạm đáy năm 2017, nay quy mô chỉ còn 1/3 so với năm 2015-2016. Phải giảm đàn nhưng bà Hoa cũng là một trong số ít hộ chăn nuôi ở Lộc Ninh không “treo chuồng” hoàn toàn nhờ tận dụng khí biogas, nấu rượu có hèm cho heo ăn thêm để “cầm cự”. Bà Hoa cho biết: “Giá heo tăng nhưng ở Lộc Thuận chỉ những hộ nấu rượu, làm khuôn đậu phụ và lấy công làm lời như gia đình tôi mới dám nuôi khoảng 5 con heo nái và vài chục heo thịt nhờ có bã hèm, bã đậu và tự bỏ công để giảm giá thành chăn nuôi. Riêng những hộ đã “treo chuồng” đều không dám tái đàn”.

Theo nhận định của Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá tăng là do chăn nuôi heo nông hộ thua lỗ lớn trong năm 2017 nên giảm đàn. Thị trường nhỏ lẻ ở các chợ đều nhờ nguồn cung cấp heo nông hộ. Khi giá tăng trở lại, các tập đoàn, công ty chăn nuôi lớn sẽ thu lợi. Cục Chăn nuôi cho biết, tổng đàn heo chỉ giảm 5,4% so với năm 2017 và heo nái giảm từ 4,3 triệu con xuống 3,9 triệu con. Thời điểm này giá heo hơi ở Trung Quốc và các nước lân cận đang thấp hơn Việt Nam (Trung Quốc dao động 36-37 ngàn đồng/kg heo hơi).

NUÔI HEO THEO HƯỚNG CÔNG NGHIỆP

Thịt heo là thực phẩm chính trong bữa cơm hằng ngày của người Việt nhưng 10 năm qua, người chăn nuôi luôn “phập phồng” bởi thị trường bất ổn và dịch bệnh tai xanh “đến hẹn” lại lên. Năm 2017 được ví như “đại hạn” của người nuôi heo do nông dân rơi vào “bẫy” tăng giá đột biến thời điểm tháng 5-2017. Nhà nhà tăng đàn nên “cung vượt cầu” khi Trung Quốc tăng cường kiểm tra xuất khẩu tiểu ngạch và ngừng nhập khẩu heo từ Việt Nam. Bên cạnh đó, người tiêu dùng lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm bởi nhiều hộ nuôi heo lạm dụng thuốc kháng sinh, an thần và chất kích thích độc hại.

Trại heo giống Lộc Phát 2 (xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh) hiện đại nhất Đông Nam Á

Để khơi thông thị trường và tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng, các công ty, tổ hợp tác nuôi heo an toàn và nông hộ mở các quầy hàng bán thịt heo sạch. Cửa hàng cung ứng thịt heo an toàn sinh học do ông Phùng Văn Bảo, số nhà 66, đường Ngô Quyền, khu phố Phú Bình, phường An Lộc (Bình Long) được cấp giấy phép hoạt động từ ngày 9-8-2017. Ông Bảo là thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi heo An Phát (phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long) đã có giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng chăn nuôi theo quy trình VietGAP. Cửa hàng đã đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và mở ra chuỗi liên kết đi thẳng từ trang trại đến người tiêu dùng, không qua trung gian.

Trong khi hộ nuôi heo trên địa bàn tỉnh dần “teo tóp” thì nuôi trang trại theo hướng công nghiệp an toàn lại tăng. Tính đến tháng 10-2017, toàn tỉnh có 571.235 con heo, trong đó nuôi trang trại với tổng 455.150 con (217 trang trại). Chăn nuôi công nghiệp ở Bình Phước chiếm hơn 82%/tổng đàn chăn nuôi toàn tỉnh (tăng 20% so với năm 2014).

Việc đầu tư nuôi theo quy mô tập trung, ứng dụng công nghệ cao đã góp phần tích cực vào sự phát triển chăn nuôi theo đúng định hướng, chủ trương của tỉnh; tạo ra chuỗi khép kín trong các khâu chăn nuôi như: Giống, thức ăn, thuốc thú y, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương và tạo ra lượng phân bón hữu cơ lớn. Nuôi heo theo quy mô công nghiệp đã và đang mở rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi bền vững bảo đảm thịt heo an toàn từ trang trại chăn nuôi đến bàn ăn.

Bình Phước thuận lợi trong phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung nhờ đất rộng, thoáng. Phát triển chăn nuôi công nghiệp hiện đại bảo đảm an toàn vùng dịch bệnh nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường. Trong thời điểm nhạy cảm về an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ muốn tồn tại và phát triển cần phải liên kết trong tổ hợp tác chăn nuôi xây dựng quy trình đạt chuẩn VietGap tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng. Đạo đức người chăn nuôi là yếu tố khơi thông thị trường tiêu dùng trong nước để chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển bền vững...

Phương Hà

  • Từ khóa
42778

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu