Thứ 6, 29/03/2024 00:52:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:23, 05/10/2018 GMT+7

Nút thắt trong phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số - Bài 1

Thứ 6, 05/10/2018 | 06:23:00 180 lượt xem
BP - Năm 2017, toàn tỉnh Bình Phước có 2.168 đảng viên người dân tộc thiểu số (DTTS) trên tổng số 32.450 đảng viên toàn Đảng bộ. Để phát triển đảng viên khu vực này, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách từ đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đến hỗ trợ cán bộ đi học; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng... để đội ngũ cán bộ DTTS không ngừng tăng lên, làm nhân tố quan trọng trong phát triển Đảng. Nhưng do vùng đặc thù, nhân lực, vật lực chưa đáp ứng yêu cầu nên công tác phát triển đảng viên người DTTS còn gặp nhiều trở ngại.

NÚT THẮT TRÌNH ĐỘ VÀ NHẬN THỨC

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX); Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX; Chương trình hành động số 20-CTr/TU ngày 16-3-2003 về công tác dân tộc; Kế hoạch số 83-KH/TU ngày 4-1-2010 và Chỉ thị số 28-CT/TU ngày 3-7-2013 của Tỉnh ủy về tăng cường thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững… đang giúp đời sống kinh tế - xã hội người dân khu vực khó khăn ở Bình Phước đổi thay. Nhưng qua thực tế phát triển đảng viên người DTTS đã xuất hiện nhiều nút thắt, trong đó trình độ là vấn đề cấp bách cần tháo gỡ.

Nhận thức về Đảng còn nhiều hạn chế

“Là cán bộ dân tộc - tôn giáo, thường xuyên tiếp xúc với người dân, tôi luôn tranh thủ vận động những người biết làm kinh tế, nhiệt tình với công tác xã hội đi học lớp nhận thức về Đảng. Tuy nhiên, mọi người đều hỏi: “Vào Đảng để làm gì?”. Tôi giải thích đúng theo Điều lệ Đảng thì người ta nói: “Vào Đảng vừa phải gương mẫu vừa gò bó, tôi không vào đâu”. Ở những thôn tập trung đồng bào DTTS, tìm được người trình độ văn hóa giới thiệu học lớp nhận thức về Đảng đã khó, vận động họ đi học còn khó hơn. Nhiều người chỉ lo làm kinh tế, luôn thoái thác việc đi học. Việc viết lý lịch đảng viên phải qua nhiều lần chỉnh sửa, viết lại cho đúng cũng khiến họ nản lòng mà bỏ ngang...” - Ông Điểu Hoàng, cán bộ dân tộc - tôn giáo xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng chia sẻ.

Bí thư chi bộ Hà Thị Tâm và Trưởng thôn Điểu Thanh ở thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn (Bù Đăng) tranh thủ bàn việc thôn khi thăm rẫy của Trưởng thôn

Theo khảo sát chưa đầy đủ tại vùng tập trung đồng bào DTTS của chúng tôi, hầu hết đảng viên người DTTS đều là cán bộ. Đa số công việc ổn định mới phấn đấu vào Đảng. Xã Phú Sơn vừa chuyển 2 hồ sơ đảng viên người DTTS về Huyện ủy Bù Đăng xét duyệt kết nạp là Điểu Khó (1982) làm thôn đội và Điểu Đình (1986), Bí thư Chi đoàn thôn Sơn Lang; 2 trường hợp được chuyển hồ sơ cho cấp trên thẩm định ở xã Đức Liễu là Điểu HLeo đang làm Thôn đội trưởng và Thị The, Chi hội trưởng phụ nữ thôn...

Người DTTS chiếm 20,14% dân số mà tỷ lệ hộ nghèo tới 48,83% tổng số  hộ nghèo toàn tỉnh cũng là “nút thắt” đáng lưu ý. Cư trú ở vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém nên nhiều người DTTS, trong đó có lớp trẻ là nguồn quan trọng, hùng hậu nhất của Đảng nhưng lại chỉ lo vấn đề cơm áo, không tham gia sinh hoạt ở các tổ chức chính trị - xã hội, không nâng cao trình độ, thiếu lý tưởng... Chính vì thế rất khó để giới thiệu nguồn cho Đảng. Không nghề nghiệp, đất sản xuất, trình độ nên nhiều thanh niên đã phải ly hương tới các khu công nghiệp làm công nhân khiến nguồn quần chúng ưu tú giảm...

Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND các cấp và ban, ngành trong tỉnh tập trung triển khai nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, địa phương về công tác dân tộc. Không thể phủ nhận sau hơn 20 năm tái lập, đời sống vật chất, tinh thần và an sinh xã hội vùng sâu, xa, vùng đồng bào DTTS ở Bình Phước được đảm bảo, đổi thay từng ngày. Với 40 thành phần DTTS phân bố đều ở 107/111 xã, phường, thị trấn làm nên bức tranh đa sắc màu văn hóa, điều kiện sống... Hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh từng bước phát triển, nhất là hệ thống giao thông, thông tin liên lạc và điện lưới quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh có trên 500 tuyến đường với chiều dài hơn 8.000km; quốc lộ 13, 14 đang tiếp tục được nâng cấp, mở rộng; các tuyến đường tỉnh ĐT741, 322... nhựa hóa gần 99%. Đường nhựa đến trung tâm xã đạt 100%; tỷ lệ hộ có điện trên 98%, gấp 6 lần so với năm tái lập tỉnh. Giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và các lĩnh vực xã hội khác từng bước được chăm lo, phát triển...Tuy vậy, nơi tập trung đồng bào DTTS điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhận thức của một bộ phận không nhỏ người DTTS còn hạn chế khiến công tác phát triển đảng viên người DTTS rất ỳ ạch.

vận động tuyên truyền yếu kém

Nhận thức hạn chế cũng làm nhiều người DTTS chưa thiết tha với tổ chức đảng. Họ không chỉ nhìn nhận việc vào Đảng là khuôn mẫu, gò bó, đòi hỏi họ phải chấp hành đúng điều lệ, tuân thủ nhiều nội quy, quy định mà còn cho rằng, vào Đảng sẽ không được tự do tín ngưỡng, mất nhiều thời gian, công sức họp hành. Họ chưa hiểu rõ khi được tôi luyện ở môi trường này sẽ giúp nâng cao hiểu biết, bản lĩnh, sống tốt hơn cho bản thân, gia đình và cộng đồng. “Vận động thanh niên vào hoạt động chi đoàn còn khó, nói gì tới vào Đảng hả chị? Khi vận động, ai cũng hỏi vào Đảng để làm gì? Đưa giấy mời học lớp nhận thức về Đảng, họ cũng thoái thác bởi không có thời gian. Nhiều người khác lại sợ vào Đảng thì phải bỏ đạo. Vì đa số người DTTS ở đây theo đạo Tin lành, Công giáo. Khi em vào Đảng, có người thắc mắc: Có phải “ra đạo” không?”. Người lớn thì thị uy: Vào Đảng nhưng không được bỏ đạo đó. Em giải thích vào Đảng vẫn sinh hoạt đạo bình thường mà nhiều người vẫn bán tín bán nghi: Chắc nó ghi trong lý lịch là không tôn giáo. Em phải thú thật rằng, vận động người DTTS vào Đảng rất vất vả mà hiệu quả chưa cao” - Thị Na, Bí thư Chi đoàn thôn 6, xã Đồng Nai (Bù Đăng) cho biết.

Chi bộ thôn Sơn Lang, xã Phú Sơn (Bù Đăng) họp bàn giải pháp phát triển đảng viên người DTTS trong thôn

Cũng vì sợ vào Đảng phải bỏ đạo mà anh Điểu Thanh (1981) thâm niên 4 năm làm Phó thôn và đang làm Trưởng thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn (Bù Đăng) nhiệm kỳ thứ 5 cũng chỉ mới vào Đảng được gần 1 năm. Chị Hà Thị Tâm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thọ Sơn kiêm Bí thư thôn Sơn Hòa cho biết: “Anh Điểu Thanh làm việc rất năng động lại nhiệt tình, hội đủ các tiêu chí kết nạp Đảng. Gần 15 năm làm phó và trưởng ở thôn 89% dân số là đồng bào DTTS, anh Thanh được bà con rất tin cậy, quý mến. Cuối mỗi tuần, anh đều tranh thủ đến các hộ dân trò chuyện, vận động làm ăn, giáo dục trẻ em không bỏ học, thanh niên không sa vào các tệ nạn xã hội... Nhưng bản thân anh Thanh lại không chịu vào Đảng luôn là dấu hỏi lớn của chi bộ. Qua tìm hiểu, anh Điểu Thanh không dám nói thật bản thân sợ vào Đảng phải bỏ đạo. Khi chi bộ làm rõ thắc mắc của trưởng thôn thì Đảng đã có thêm một thành viên ưu tú”.

Bí thư Chi bộ thôn Sơn Lang (xã Phú Sơn) Trần Văn Đẳng cho biết: “Nhiều quần chúng, mình xác minh đủ điều kiện nhưng hỏi đến văn bằng, chứng chỉ lại trả lời đánh mất, đành chịu. Có trường hợp học tại trường dân tộc nội trú, nhiệt tình tìm kiếm nhiều lần vẫn không ra. Thấy tội người ta nhưng quy định hồ sơ Đảng phải là bằng, không phải giấy xác nhận nên phải gác lại. Tôi đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên về bất cập đó nhưng vẫn chưa thấy có hướng giải quyết”.

Điểu Nhê, Xã đội trưởng An Khương (Hớn Quản) bật ngay câu than thở “Khổ lắm chị ơi!”, khi chúng tôi hỏi về công tác vận động, tuyên truyền quần chúng ưu tú vào Đảng. “Nhiều cán bộ xã đến tuyên truyền ở các hộ dân bị “lạnh nhạt” thấy mà tủi lắm chị! Còn kêu gọi thanh niên đến tuổi đăng ký nhập ngũ thì cũng bị phản ứng thái quá. Giải trình mãi người ta mới hiểu cho” - anh giãi bày thêm.

Văn kiện Đại hội Đảng X đã khẳng định: “Đảng ta luôn coi vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc là chiến lược cơ bản, lâu dài của sự nghiệp cách mạng nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ; cùng nhau thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Chính vì thế, đổi mới đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội; nâng cao nhận thức người dân về công tác xây dựng đảng vùng DTTS rất cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Đặc biệt chú trọng khâu đào tạo, phổ cập THCS để rộng đường phát triển đảng viên người DTTS, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của công tác dân tộc trong tình hình mới.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
94450

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu