Thứ 6, 29/03/2024 03:20:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:34, 09/10/2018 GMT+7

Nút thắt trong phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số - Bài cuối

Thứ 3, 09/10/2018 | 06:34:00 2,866 lượt xem

>> Bài 1: Nút thắt trình độ và nhận thức
>> Bài 2: Dùng chưa “khéo” và “đúng” cán bộ ở vùng đặc thù

GIẢI PHÁP CĂN CƠ

BP - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng về chính sách dân tộc khẳng định: “Củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); động viên, phát huy vai trò của những người tiêu biểu trong các dân tộc. Thực hiện chính sách ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trí thức là người DTTS. Cán bộ công tác ở vùng DTTS phải gần gũi, hiểu phong tục tập quán, tiếng nói của đồng bào dân tộc, làm tốt công tác dân vận. Chống các biểu hiện kỳ thị, hẹp hòi, chia rẽ dân tộc”. Nếu vận dụng đúng chủ trương của Đảng, chúng ta có quyền tin vào tính khả quan của công tác phát triển đảng viên người DTTS.

Củng cố hệ thống chính trị vùng đặc thù

Ông Điểu Điều, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho biết: “Trên cơ sở các văn bản của Trung ương và tình hình thực tế, Ban Dân tộc tỉnh, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng lãnh đạo, quản lý, điều hành của hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, coi trọng công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người DTTS; phát huy vai trò của già làng và người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Từ đó, không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh mà còn tạo đòn bẩy để quần chúng ưu tú người DTTS tin tưởng, tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Đảng”.

Dân vận khéo của cả hệ thống chính trị góp phần quan trọng phát triển đảng viên vùng DTTS. Trong ảnh: Người dân ấp Bình Ninh 1, phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư

Tuy nhiên, xuất phát điểm về kinh tế - xã hội vùng DTTS của tỉnh thấp, đặc điểm kinh tế, văn hóa tại cơ sở từng huyện khác nhau nhưng trên địa bàn tỉnh chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù. Đa số các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho vùng DTTS do Trung ương hỗ trợ. Trong khi đó, các thế lực thù địch luôn ráo riết thực hiện “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để chống đối Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc... Vì vậy, ngày 15-9-2010 của UBND tỉnh về tăng cường biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, cầm cố đất, bán đất trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Phước thì cần có chính sách hỗ trợ đặc thù để đẩy mạnh thực hiện giảm nghèo, rút ngắn chênh lệch trình độ, giàu - nghèo giữa các vùng và cách tiếp cận, bồi dưỡng quần chúng người DTTS.

Một trong những giải pháp hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS là phát triển đảng viên người DTTS tại chỗ. Anh Điểu Dũng, Bí thư Chi bộ thôn 4, xã Đức Liễu (Bù Đăng) cho biết: “Tôi là người DTTS nên lợi thế trước hết là hiểu và dễ truyền đạt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào. Đồng thời cũng dễ tác động và kịp thời tìm ra khúc mắc để giúp đỡ quần chúng là người DTTS phấn đấu vào Đảng”. Điều đó đồng nghĩa quan tâm tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc để làm tốt tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện chính sách.

Làm gì để thay đổi cuộc sống vùng đồng bào DTTS?

Thôn 4, xã Đức Liễu có hơn 90% dân số đồng bào S’tiêng nhưng từ năm 1992 đến nay, cả thôn chỉ có 4 đảng viên. Bí thư Chi bộ thôn 4 Điểu Dũng cho biết: “Nguồn phát triển đảng viên ở nông thôn chủ yếu dựa vào lực lượng thanh niên. Nhưng số thanh niên đủ tiêu chuẩn vào Đảng thì đi học nghề hoặc làm ăn xa. Số ít thanh niên ở nhà trình độ, năng lực hạn chế, lại thiếu ý chí phấn đấu, ngại tham gia sinh hoạt các đoàn thể nên khó có thể bồi dưỡng trở thành quần chúng ưu tú giới thiệu cho Đảng”.

Ông Điểu Minh ở thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng (Bù Đốp), đảng viên có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong vùng đồng bào DTTS chia sẻ. Muốn gây dựng được niềm tin của dân với Đảng, đảng viên trong chi bộ phải nhiệt tình “đi từng ngõ, gõ từng nhà” động viên, tuyên truyền, thuyết phục, vận động quần chúng tham gia các tổ chức hội, đoàn thể và giao đảng viên có kinh nghiệm theo dõi, giáo dục, giúp đỡ quần chúng. Song song đó, ban điều hành thôn đẩy mạnh các phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao thu hút đông đoàn viên, hội viên tham gia, hưởng ứng. Sau thời gian nếu thấy quần chúng thực sự có mục tiêu, ý chí phấn đấu vào Đảng thì giới thiệu chi bộ xem xét, làm các thủ tục kết nạp.

Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên người DTTS cũng là giải pháp nâng “chất” cán bộ khu vực tập trung đồng bào DTTS. Văn kiện Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) khẳng định chủ trương của Đảng: “Xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS tại chỗ có phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu của địa phương”. Và đến Quyết định số 122/2003/QĐ-TTg ngày 12-6-2003 của Thủ tướng Chính phủ một lần nữa chỉ rõ hơn: “Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ cơ sở và cấp huyện là người DTTS;... sử dụng có hiệu quả số học sinh, sinh viên đã được đào tạo từ các trường, số thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự là con em đồng bào DTTS làm nguồn cán bộ bổ sung cho cơ sở”. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”. Song song đó, nhiều văn bản cũng được ban hành nhằm ưu tiên, động viên, khuyến khích cán bộ người DTTS tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên môn, lý luận chính trị để đạt chuẩn chức danh, từng bước đáp ứng và nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ.

Ông Điểu Điều cho rằng: “Nên khôi phục các lễ hội truyền thống ở những xã, thôn trên 50% số dân là đồng bào DTTS sinh sống. Lễ hội sẽ giúp gắn kết nhân dân, tạo không khí vui tươi thiết thực và cũng dễ tìm ra các nhân tố tích cực trong cộng đồng. Cùng với đó là tuyên truyền vận động nhân dân tích cực xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa ở khu dân cư... Diện mạo của thôn, ấp thay đổi, phát triển kinh tế thuận lợi sẽ kéo theo tư duy thay đổi tích cực. Khi đó, cán bộ cơ sở tác động tới tư tưởng đồng bào DTTS cũng thuận lợi hơn”.

“Người dân vùng DTTS đề đạt nguyện vọng với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, ngành hữu quan quan tâm đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm phù hợp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; gắn xây dựng chính sách với khuyến khích phát triển ngành nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, đan lát, nấu rượu cần...). Đây cũng là cách giúp nhiều thanh niên DTTS ly nông không ly hương, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và dễ có điều kiện phấn đấu, được cấp ủy cơ sở theo dõi, bồi dưỡng phấn đấu vào Đảng” - Trưởng ban công tác mặt trận kiêm an ninh thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn (Bù Đăng) Điểu VRên nói.

Công tác dân tộc luôn đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với tỉnh có đông đồng bào DTTS như Bình Phước thì công tác này càng đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đảng viên người DTTS. Khi chỉ thị, nghị quyết đi vào cuộc sống, người dân tự nhận ra sự cần thiết để tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Đảng; chấp nhận khó khăn, thử thách để trở thành người gương mẫu, biết sống vì mọi người trong cộng đồng thì khi đó các nút thắt trong phát triển đảng viên người DTTS mới từng bước được tháo gỡ.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
94453

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu