Thứ 6, 29/03/2024 09:32:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:10, 12/06/2016 GMT+7

Ô danh muôn thuở

Chủ nhật, 12/06/2016 | 14:10:00 255 lượt xem

BP - Trần Ích Tắc không thể nào ngờ nổi, chỉ mấy tháng sau khi ông ta đầu hàng giặc, đại quân Nguyên Mông đã bị đánh tan tác, Thoát Hoan tháo chạy về nước, Trần Ích Tắc và những kẻ đầu hàng khác lóc cóc chạy theo. Không cam lòng, chưa đầy một năm sau, nhà Nguyên lại một lần nữa đưa quân vào Đại Việt, với lý do đưa “An Nam quốc vương” là Trần Ích Tắc lên ngai vàng. Rồi chỉ ít lâu sau, vị vương gia của nhà Trần lại theo quan thầy chạy trối chết về phương Bắc, không một lần còn thấy lại quê hương. Thực ra sau lần đó, vào cuối năm 1293, nhà Nguyên vẫn có kế hoạch đưa Trần Ích Tắc về nước một lần nữa trong đợt xâm lược thứ tư nhưng vào đầu năm 1294, hoàng đế Hốt Tất Liệt qua đời nên việc này bị hủy và không bao giờ được nhắc đến nữa.

Số phận của Ích Tắc trong thời gian sống trên đất Trung Quốc đã được sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chỉ viết một câu ngắn gọn: “Sau khi quân Nguyên thất bại, Ích Tắc trong lòng hổ thẹn, chết ở đất Bắc”. Tuy nhiên, sách “Nguyên sử” của Trung Quốc lại chép khá nhiều thông tin về nhân vật này, với nội dung hoàn toàn khác. Theo đó, trong hơn 40 năm dằng dặc sống trên đất khách, Trần Ích Tắc làm quan cho nhà Nguyên. Ông ta giữ chức Hồ Quảng bình chương chính sự, sống tại Ngạc Châu (nay thuộc Hồ Bắc), được lần lượt gia phong đến chức Ngân Thanh vinh lộc đại phu rồi Kim tử quang lộc đại phu, nghi đồng tam tư. Thậm chí một năm sau khi ông ta chết ở tuổi 76, nhà Nguyên còn truy phong vương tước cho ông ta, gọi là Trung Ý vương.

Kể ra, một kẻ hàng thần ở xứ nhược tiểu, lại đã “hết hạn sử dụng”, được đối xử như thế kể cũng không bạc, nhất là nếu so với thân phận thảm hại của vua Lê Chiêu Thống mấy trăm năm sau. Nhưng nếu so với thân phận một vương gia, một hoàng tử trên đất nước mình, sống tiêu dao tự tại, được muôn người kính ngưỡng, thì cái thân phận hàng thần lơ láo của kẻ man di bán nước cầu vinh nơi xứ lạ hẳn khiến Trần Ích Tắc giày vò, nhục nhã. Là một người đọc sách, một người kiêu căng và từng có thân phận tôn quý, ông ta không thể không cảm nhận được nỗi nhục ấy.

Còn ở đất Việt, hoàng thất nhà Trần cũng không quên được vết nhơ mang tên Trần Ích Tắc. Vào năm 1289, sau khi định công ban thưởng cho những anh hùng trong cuộc kháng chiến, Trần Nhân Tông cũng đưa ra hình phạt với những kẻ phản bội. Theo đó, những người trong tôn thất nếu phạm tội này ngoài việc kết án đi đày hay tử hình, tịch thu điền sản đều bị tước bỏ quốc tính (họ Trần), đổi sang họ Mai. Chẳng hạn, Trần Kiện (con trai Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang) dù bị bắn chết trên đường chạy theo quân Nguyên về Trung Quốc từ mấy năm trước vẫn bị kết án và đổi họ thành Mai Kiện. Riêng với Trần Ích Tắc, vì là chỗ cốt nhục quá gần (chú ruột đương kim hoàng đế) nên không nỡ đổi họ xóa tên, mà gọi là Ả Trần, có ý chê ông ta hèn nhát như đàn bà vậy.

Về thân thế của Ích Tắc, có một huyền thoại được chép trong “Đại Việt sử ký toàn thư” như sau: Khi Ích Tắc sắp ra đời, Trần Thái Tông mộng thấy một vị thần ba mắt từ trên trời xuống, nói với nhà vua rằng, ông ta bị thượng đế quở trách bắt xuống trần, vậy xin làm con vua, sau sẽ lại về phương Bắc. Khi Ích Tắc ra đời, vua thấy trên trán con trai mình cái vết lờ mờ giống như con mắt thứ ba. Và mấy chục năm sau, khi Trần Ích Tắc theo giặc sang Trung Quốc, người ta mới hiểu cái ý “sau lại về phương Bắc” mà vị thần kia đã nói. Người đời sau cho rằng, câu chuyện trên có lẽ chỉ được đặt ra để “chữa ngượng” phần nào cho hoàng thất mà thôi.

Lời bàn:

Theo sử sách còn lưu truyền đến ngày nay, khác hẳn với cha, anh và cháu ruột của mình, Trần Ích Tắc là người thuộc làu kinh sử nhưng lại cũng là người chẳng biết gì về thời thế, uyên bác mà hẹp hòi, ích kỷ đến độ quên hết giang sơn, bán rẻ xã tắc. Song chỉ vì Trần Ích Tắc là bậc đại tôn thất nên không bị đổi thành họ Mai như Trần Kiện là Mai Kiện, nhưng lại bị gọi là Ả Trần, ý nói nhát gan như đàn bà vậy. Thế mới hay rằng, nhà Trần và các sử thần đương thời đã quá nương tay không phải chỗ. Bởi lẽ, đàn bà thời Trần dũng cảm đánh giặc chẳng hề thua kém nam nhi. Và đã có biết bao phụ nữ thời Trần trở thành gương sáng cho đời sau noi theo, nào ai hèn nhát và cam tâm theo giặc như Trần Ích Tắc đâu. Ngay đến cả công chúa An Tư cũng sẵn sàng làm vợ Thoát Hoan, với mục đích làm chậm bước tiến của kẻ thù, để quân dân nhà Trần có thời gian củng cố lực lượng và thực hiện kế sách chống giặc.

Từ thượng cổ cho tới ngày nay, chúng ta đã từng nghe nói nhiều về những cái chết, như: Chết trận, chết bệnh, chết già, chết đói, chết rét hoặc chết vì uất ức hay như ngày nay là chết vì tai nạn giao thông, chết vì ngộ độc thực phẩm..., thì qua giai thoại trên chúng ta lại biết thêm về một cái chết nữa, đó là chết vì nỗi nhục, vì hổ thẹn. Và cũng từ nỗi nhục mang tên “Ả Trần” mà vào đầu thế kỷ XX, nhà yêu nước Phan Bội Châu trong tác phẩm “Thiên vấn phú” đã đặt ra câu hỏi: Một nhà Trần, ông cháu cha con hùn sức lùa beo cọp trăm bầy, há để giống nào lai, sao cắc cớ sinh thằng Trần Ích Tắc

N.D

  • Từ khóa
109803

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu