Thứ 4, 24/04/2024 13:27:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:17, 31/12/2014 GMT+7

Ô nhiễm bãi rác tập trung của huyện Bù Đăng: “Quýt làm, cam chịu”

Thứ 4, 31/12/2014 | 07:17:00 478 lượt xem
BP - Hàng chục năm qua, người dân thôn 2, xã Đoàn Kết (Bù Đăng) phải sống chung với ô nhiễm môi trường do bãi rác tập trung của huyện gây ra. Trong đó, rác chủ yếu từ chợ và sinh hoạt của người dân thị trấn Đức Phong. Do quá tải, rác tràn sang vườn điều của người dân, ảnh hưởng đến sản xuất. Người dân và chính quyền xã đã nhiều lần “kêu cứu” lên cấp có thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

RÁC TRÀN VÀO VƯỜN NHÀ DÂN

Bãi rác của huyện Bù Đăng cách quốc lộ 14 gần 200m, nằm lọt thỏm giữa vườn điều, cao su của người dân ở thôn 2, xã Đoàn Kết. Rác xả dọc hai bên đường và tràn xuống vườn điều của dân. Lại gần, mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Ông Trần Đăng Khoa, Trưởng thôn 2 cho biết: Bãi rác này đã tồn tại hơn 10 năm qua nhưng không được xử lý dẫn đến quá tải. Do đặt ở vị trí cao nên mỗi khi mưa lớn, rác bị nước cuốn trôi xuống suối Đắk Wua phía dưới, chảy ra các nhánh sông suối khác, gây ô nhiễm nghiêm trọng về không khí và nguồn nước. Thậm chí, xe chở rác cũng không che chắn cẩn thận làm rơi rớt rác dọc đường, làm cả đoạn đường luôn ngập ngụa rác.

Bãi rác quá tải, tồn ứ nhiều năm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Hộ bà Thị Mai (dân tộc Xêtiêng) ở sóc Bù Đăng Sarây, thôn 2 có 1,4 ha điều nằm sát bãi rác. Theo tập quán của đồng bào, sáng nào đi làm cũng nắm cơm mang theo, trưa ở lại ăn, chiều tối mới về. Do bãi rác đã đầy ứ, tràn xuống vườn điều của gia đình nên mấy năm gần đây, gia đình bà không ở lại ăn trưa như trước. Hiện không chỉ riêng nhà bà mà các hộ khác có vườn rẫy gần bãi rác cũng chỉ làm tranh thủ mỗi ngày vài tiếng đồng hồ khi trời mát. Nắng lên, mùi hôi thối gây cảm giác khó chịu, buồn nôn. Bà Thị Mai bức xúc nói: Rác tràn sang hơn 1 sào điều của gia đình, mùi hôi thối bốc lên không chịu được. Vào vườn sợ nhất là giẫm phải mảnh thủy tinh hay kim tiêm. Vì thế không dám cho con đi làm cùng. Mùa khô, xe chạy bụi đất đỏ mịt mù bám đầy trên ngọn, cành cây điều, làm cho điều ra bông đậu trái kém, dẫn đến năng suất giảm. Khổ vậy, nhưng bao năm qua, tôi vẫn không dám bỏ bê vườn. Vì đây là nguồn thu nhập chính của gia đình.

Theo đường chim bay, bãi rác chỉ cách sóc Bù Đăng Sarây khoảng 500m. Sóc có 85 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Mùa khô, gió thổi tạt xuống khu dân cư, mùi hôi thối gây cảm giác khó chịu, dẫn đến nhức đầu, sổ mũi. Không chỉ vậy, ruồi, nhặng, muỗi cũng bay về nhiều hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt của người dân. Bà Ka Hồn (dân tộc Châu Mạ) than phiền: Bãi rác hôi lắm, gây ngột ngạt. Gần đây, tôi có biểu hiện của bệnh viêm xoang, các con bị sổ mũi. Tôi phải đặt miếng dán diệt ruồi khắp nhà và đậy kín chum nước.

VẪN PHẢI... “CHỜ”

Trước đây bãi rác chỉ rộng mấy sào, đến nay đã tràn ra hơn 1 ha. Dân số càng tăng cao thì rác thải càng nhiều. Thực tế bãi rác gây ô nhiễm đã rõ. Rất nhiều lần người dân phản ánh, kiến nghị về việc rác tràn, gió thổi bay sang vườn rẫy nhưng chưa được cấp ngành hữu quan giải quyết thỏa đáng. Năm 2013, huyện đã khảo sát, quy hoạch bãi rác đến địa điểm mới nhưng vẫn chưa rõ di dời về đâu.

Bà Bùi Thị Thúy Kiều, Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết

Do xã chưa có đội thu gom rác nên các hộ dân tự đào hố chôn lấp, xử lý ngay tại vườn để tránh gây ô nhiễm. Bà Nguyễn Thị Thắm, Bí thư thôn 2 nói: Bãi rác có từ đầu những năm 2000. Hiện mỗi ngày có 1-2 xe rác đổ về đây với đủ thứ hỗn độn. Mặc dù tình trạng quá tải đã diễn ra một thời gian dài, gây bức xúc trong khu dân cư nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp xử lý hoặc di dời bãi rác đi nơi khác. Không lẽ bao nhiêu đồ thừa, rác thải của thị trấn, người dân thôn 2 phải “lãnh” hoài?

Bà Bùi Thị Thúy Kiều cho biết: Trước mắt, chính quyền xã đã làm việc trực tiếp với đơn vị thu gom rác thải yêu cầu khi vận chuyển phải che chắn kín, đổ đúng nơi tập kết, tránh làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân khu vực lân cận. UBND xã và người dân mong cơ quan chức năng huyện sớm có giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, tránh tác động xấu đến sức khỏe và gây thiệt hại kinh tế cho dân. 

Hải Châu

  • Từ khóa
92538

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu