Thứ 6, 26/04/2024 09:49:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 11:32, 23/03/2016 GMT+7

Oan án trong phủ chúa

Thứ 4, 23/03/2016 | 11:32:00 1,045 lượt xem

BP - Cũng trong chuyên mục này và ở kỳ trước, chúng tôi đã giới thiệu cùng độc giả về việc chúa Trịnh Sâm đã bị Quận Huy và Tuyên phi Đặng Thị Huệ qua mặt trong việc vu cáo Trịnh Tông làm phản. Sau khi bàn kỹ với Quận Huy, chúa Trịnh Sâm lập tức y phê vào danh sách các đại thần được đưa ra xử trong vụ án binh biến và chuyển sang triều đình xin vua Cảnh Hưng ra sắc dụ. Trọng trách xét xử được giao cho Đốc đồng trấn Kinh Bắc Ngô Thời Nhậm cùng với các quan là Ngạn Hầu Triều, Dương Trung Hầu và Án Trung Hầu.

Cầm chỉ dụ của vua, Ngô Thời Nhậm đang lúc chịu tang cha là Ngô Thời Sĩ nên  cáo thoát tham gia xét xử. Chúa Trịnh Sâm lập tức cử ngay Đồng tham tụng Nghĩa phái hầu Lê Quý Đôn thay cho Nhậm. Không thể thoái thác nhiệm vụ chúa giao, Lê Quý Đôn đành cho tiến hành xét xử. Và một cuộc điều tra liền được mở ra, khi ấy có rất nhiều chứng cứ gian dối có hại cho Trịnh Tông được tung ra nhằm khép ông vào tội nặng.

Lê Quý Đôn biết rõ: Đây chỉ là chuyện trong gia đình của chúa Trịnh Sâm. Trịnh Sâm là cha nên có thể đứng ra thu xếp mọi việc được. Hơn nữa, vụ việc có liên quan đến một số triều thần, song cũng là người trong phủ chúa cả hoặc cũng là tay chân cũ của chúa, việc gì phải bắt đến triều đình can thiệp? Trong chuyện này hẳn phải chứa đựng mưu đồ bẩn thỉu gì đó. Song trong thời điểm ấy, ý chúa là ý trời. Ngay đến hoàng thượng cũng phải “chắp tay, rũ áo” nghe theo. Thế nên chúa muốn như thế nào thì xử như thế cho êm chuyện. Vụ án này chẳng qua do người nhà chúa dựng lên thì người nhà chúa phải gánh chịu cả mà thôi.

Thế là các chứng cứ được sắp đặt đầy đủ và có phần quá nhiều nữa là đằng khác. Đón ý Trịnh Sâm ghét Tông yêu Cán, muốn lập Cán bỏ Tông nên phe Tông thì im hơi lặng tiếng, phe Cán thì ra sức tô vẽ, tội trạng tập trung vào Trịnh Tông và các quyền thần như Nguyễn Khản, Nguyễn Khắc Tuân, Chu Xuân Hán.

Việc truy án hoàn tất, Trịnh Sâm bèn gọi các chính thần vào cung và khóc lóc, than thở: “Quả nhân không may gặp phải thằng con bất hiếu, lũ bầy tôi bất trung, chúng ngầm mưu việc phản nghịch, hình tích cũng giống như vụ Thừa Kiền nhưng tâm địa thì tệ hơn nhiều nên việc bỏ con cả lập con thứ là việc bất đắc dĩ. Các ngươi cũng nên hiểu rõ bụng ta, cứ theo phép nước mà trị tội chúng”.

Trước ý chúa, các quan trong triều bàn bạc và tâu rằng: Mấy tên tội phạm thì cứ xử tử”, riêng thế tử Trịnh Tông thì không dám bàn tới bởi đó là dòng giống tiên rồng, là con đẻ của chúa. Lời bàn đó được ghi thành sớ dâng lên, chúa Trịnh Sâm mừng rỡ cầm bút phê ngay. Cứ xét theo nghĩa của kinh Xuân Thu thì phải trị tội tên Trịnh Tông thật nặng. Nhưng vì nghĩa tình cha con ruột thịt nên truất xuống làm con út. Viên trấn thủ Kinh Bắc và Khê Trung Hầu đặc ân cho được tự lo liệu nấy. Riêng anh của Bảo Quận Công là người thật thà, không tham dự vào âm mưu đó nên được tha tội chết nhưng phải cách xuống làm dân thường.

Thấy nhiều người bị án oan, trong triều ai nấy đều ái ngại nhưng không dám nói ra. Bấy giờ, chỉ có viên Tri châu là Lê Vĩ, dâng thư xin tội cho Trịnh Khải nhưng thư ấy không được chúa Trịnh Sâm xem xét. Ngay trong năm này, mặc dù Trịnh Cán chỉ mới 4 tuổi nhưng vẫn được lập làm thế tử và Quận Huy được cử làm A phó để phò tá.

Mệnh lệnh ban xuống, Khê Trung Hầu có viên thư lại là Nguyễn Quốc Trấn cũng bị tội lây như chủ, phải chịu án tử hình. Đó là vào ngày 15-8-1780 (năm Canh Tý), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41. Lúc sắp bị chém, Nguyễn Quốc Trấn quát lớn: Trời không có mắt, triều đình không có quan, nỡ để Quốc Trấn mắc oan! Nói xong, Nguyễn Quốc Trấn quay sang dặn người thân thuộc để giấy bút vào tay áo mình và nói thêm: Sống đã không bày tỏ nỗi oan được, chết phải kiện ở âm phủ!

Nhân dân nghe vậy, ai cũng rớt nước mắt. Các quan lại trong triều nhiều người cảm thương nhưng không dám bày tỏ thái độ vì sự an nguy của bản thân và gia đình.

Lời bàn:

Các chúa Trịnh cầm quyền từ năm 1545-1786, tổng cộng 241 năm. Và họ Trịnh suy tàn bắt đầu từ thời Trịnh Giang lên nắm quyền hành. Trịnh Giang ăn chơi trác táng, giết vua này, lập vua kia, tư thông với cung nữ của cha, xây dựng nhiều chùa chiền làm hao tổn sức dân. Khi lên thay, Trịnh Sâm lại đi theo vết xe đổ, luôn đố kị người hiền, kiêu căng ngạo mạn, ăn chơi xa xỉ khiến đất nước kiệt quệ. Vì thế, cơ đồ của họ Trịnh suy vong đến mức Trịnh Khải phải dùng dao cắt cổ tự tử.

Và cứ theo nội dung của giai thoại trên thì ngay sau khi vụ án oan kết thúc có không ít người không phục, nhưng cũng có lắm kẻ hả hê. Song hệ quả cuối cùng của vụ án này là làm cho sự nghiệp của họ Trịnh cũng như nội bộ triều đình nhà Lê - Trịnh ở đàng Ngoài càng thêm rạn nứt và suy yếu. Thế mới hay rằng, ở đâu và thời nào cũng vậy, người đứng đầu mà không gương mẫu, không quy tụ được hiền tài... thì sự nghiệp sẽ sớm thành mây khói.   

ND

  • Từ khóa
109772

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu