Thứ 7, 20/04/2024 06:05:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:07, 17/08/2017 GMT+7

Ốc bươu vàng hoành hành ở Hớn Quản

Thứ 5, 17/08/2017 | 06:07:00 765 lượt xem
BP - Ốc bươu vàng hoành hành đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất của các cánh đồng lúa nước ở huyện Hớn Quản. Không còn cách nào xử lý hiệu quả, Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện phối hợp UBND các xã và người dân ra quân thu gom thủ công các ổ trứng, đồng thời phát thuốc để tiêu diệt ốc trưởng thành đang tồn tại trong ruộng.

Ở đâu cũng... thấy ốc

Ốc bươu vàng xuất hiện với mức độ dày đặc, cắn hại lúa đã gây hệ lụy nghiêm trọng tại các cánh đồng lúa nước ở 2 xã Phước An và An Khương. Nhiều thửa ruộng ở xã An Khương đã xuống giống nhưng đều chung cảnh ốc bám dày đặc mặt ruộng, cắn phá chỉ còn lác đác vài gốc mạ trơ trọi. Mỗi nhà đã chủ động mang bao, bì ni-lon ra ruộng thu gom ốc nhưng không xuể. Có gia đình đã gieo sạ 2 lần nhưng lần nào cũng bị ốc phá.

Người dân sử dụng thuốc sinh học Octigi diệt ốc bươu vàng trên các thửa ruộng chuẩn bị sạ lúa (ảnh lớn). Trứng ốc bươu vàng gom tại cánh đồng xã Phước An (ảnh nhỏ)

Ông Điểu Don, Phó ấp 3, xã An Khương cho hay: “Chưa năm nào ốc bươu vàng nhiều như năm nay. Nhà tôi đã 2 lần sạ, nhưng cứ sạ xuống được ít ngày là ốc ăn trụi hết lá. Giờ lúa giống 15 ngàn đồng/kg nhưng không có để mua. Ruộng trũng nên chỉ canh tác được lúa thôi. Giờ mặc ốc phá, còn bao nhiêu thì người ăn chứ tôi không gieo thêm nữa”.

Cùng hoàn cảnh ông Điểu Don, nhà ông Điểu Trích ở ấp 6, xã An Khương có 6 sào lúa tại cánh đồng ấp 3 cũng bị ốc bươu vàng tấn công. Ông Trích cho biết: Trên ruộng nhà tôi, ốc sinh sôi với mật độ dày đặc, từ 20-40 con/m2. Vừa xuống giống, mạ lên mơn mởn là ốc bò lên ăn. Đợt thu hoạch vụ hè thu cuối tháng 7, người trồng lúa ở An Khương chỉ thu được 3,5 tấn, giảm gần 1 tấn/ha.

Theo báo cáo ban đầu từ Trạm Trồng trọt - Bảo vệ  thực vật huyện Hớn Quản, ốc bươu vàng đã làm thiệt hại hơn 110 ha lúa nước. Trong đó, tập trung nhiều ở 2 xã Phước An và An Khương. Trước tình hình đó, ngày 9, 10 và 14-8, cán bộ kỹ thuật của trạm đã phối hợp người dân các xã Phước An, An Khương ra quân thu gom ốc bươu vàng. Trước mắt bằng phương pháp thủ công là đi nhặt trứng ốc đang đeo bám thân cây, ngọn lúa, sau đó rải thuốc sinh học để diệt ốc trưởng thành.

Ảnh hưởng tới môi sinh

Ốc bươu vàng có thể sống dưới nước lẫn trên cạn, thậm chí sống nhiều tháng trong điều kiện khô hạn bằng cách đóng nắp và vùi sâu trong đất. Khi gặp nước, chỉ sau thời gian ngắn, chúng hoạt động trở lại bình thường. Loại ốc này có thể tồn tại trong môi trường ô nhiễm, thiếu ôxy và có tốc độ sinh sản nhanh, đẻ trứng thành từng ổ, mỗi ổ từ 200-300 trứng trong khoảng 3 giờ, rất khó phòng trừ. Các cánh đồng lúa nước ở Phước An và An Khương là địa điểm lý tưởng cho loại ốc này sinh trưởng. Hiện nay, để diệt trừ ốc bươu vàng trên cánh đồng, người dân chỉ có 2 cách: sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoặc thu gom thủ công. Tuy nhiên, thu gom bằng phương pháp thủ công không xuể, một số hộ phải trộn thuốc vào phân bón rồi phun trực tiếp lên ruộng. Còn ổ trứng chỉ có cách duy nhất là gom thủ công và tiêu hủy.

Bà Nguyễn Thị Linh, cán bộ kỹ thuật Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện Hớn Quản cho biết: Khi sử dụng các loại thuốc hóa học để diệt ốc thì cá, tôm trong ruộng cũng chết theo. Hiện nay, để hỗ trợ người dân, trạm đã cung cấp số lượng lớn thuốc trừ ốc bươu vàng dạng sinh học Octigi 6gr. Thuốc này sẽ thu hút ốc đến ăn và chết mà không ảnh hưởng đến các loại sinh vật khác trong ruộng.

Ốc trưởng thành đã có thuốc tiêu diệt, nhưng chưa có loại thuốc nào xử lý ổ trứng. Điều đó bắt buộc người dân chủ động trong khơi thông hệ thống dẫn nước trước khi sạ vụ mới hoặc chủ động thu gom trứng. Trong 2 ngày huy động người dân thu gom ốc bươu ở xã Phước An, Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện Hớn Quản đã gom được hơn 50kg trứng ốc và hàng tạ ốc trưởng thành. Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện khuyến cáo người dân trồng lúa nước cần quan tâm thu gom các ổ trứng trong ruộng và kênh mương dẫn nước vào ruộng để tiêu diệt ốc, hạn chế đến mức thấp nhất ốc bươu vàng gây hại lúa, ảnh hưởng năng suất, vì như thế sẽ hạn chế sự phát triển của ốc bươu vàng trong mùa vụ tiếp theo.

Thanh Nga

  • Từ khóa
93342

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu