Thứ 6, 26/04/2024 03:21:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:19, 20/05/2016 GMT+7

Ông vua mê tín

Thứ 6, 20/05/2016 | 13:19:00 189 lượt xem

BP - Lý Thần Tông là vị vua thứ năm của nhà Lý. Ông có tên húy là Lý Dương Hoán, còn có tên khác là Lý Dương Úc, sinh tháng 6 năm Bính Thân (1116) tại hầu phủ ở kinh đô Thăng Long, cha không rõ tên, có tước phong là Sùng Hiền hầu, em trai vua Lý Nhân Tông, mẹ là người họ Đỗ (không rõ tên). Vua được Lý Nhân Tông nhận làm con nuôi và truyền ngôi vào ngày 12 tháng 12 năm Đinh Mùi (1127). Ngày 26 tháng 9 năm 1138, vua qua đời ở điện Vĩnh Quang, ở ngôi hơn 10 năm, khi đó mới 22 tuổi.

Ông được các sử gia đương thời đánh giá “sáng chói” hơn các vị vua khác trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam ở chỗ rất ưa tin dị đoan. Thời ấy, có giai thoại cho rằng Lý Thần Tông chính là do nhà sư Từ Đạo Hạnh thác hóa đầu thai mà có. Sách “Đại Việt Sử ký toàn thư” có đoạn chép: Vì Lý Nhân Tông không có con nên Từ Đạo Hạnh đầu thai làm con trai Sùng Hiền hầu để duy trì sự nghiệp của nhà Lý. Vị thiền sư đã thoát xác tại chùa Thiên Phúc năm 1116, ngay trước khi Lý Dương Hoán, tức vua Lý Thần Tông sau này, ra đời.

Tuy nhiên, đó chỉ là giai thoại, còn chính sử có chép lại rằng, vào năm Lý Thần Tông 21 tuổi, nhà vua bỗng nhiên mắc bệnh lạ, trên người mọc lông hổ, ngồi xổm chụp người, cuồng loạn, gầm gừ đáng sợ. Các lương y trong thiên hạ vâng chiếu mà đến, kể hàng ngàn hàng vạn đều chịu khoanh tay. Thế nhưng, thiền sư Minh Không với bài thuốc: Nấu một vạc lớn sôi tới cả trăm lần, rồi dùng tay không quấy lên khoảng bốn lần, tắm vua trong đó. Ngay sau đó, bệnh của nhà vua bớt ngay và ít lâu sau thì khỏi hẳn.

Về sự việc này, sử sách ghi lại rằng, việc thiền sư Minh Không chữa bệnh cho Lý Thần Tông đã được ấn định từ trước. Khi sắp viên tịch, thiền sư Từ Đạo Hạnh đã cho gọi Minh Không đến mà dặn rằng: Ta nay sắp xuất thế, ở cái địa vị làm thầy người ta, bệnh trái kiếp sau quyết là khó tránh nổi. Ta với người có duyên nên cứu giúp nhau. Nói xong, đưa cho Minh Không một gói thuốc đã được niệm chú dặn rằng: 20 năm sau, nếu nghe quốc vương bị bệnh thì lập tức đến chữa trị ngay.

Khi vua Lý Thần Tông bị bệnh, triều đình bèn sai sứ đi tìm được Minh Không. Khi được đưa vào gặp vua Lý Thần Tông, Minh Không lớn tiếng hỏi: “Kẻ đại trượng phu được tôn lên ngôi thiên tử, giàu có khắp bốn bể, cớ sao còn phát bệnh cuồng loạn như vậy?”. Vua nghe thấy vậy, rất run sợ, không dám kêu gầm nữa. Minh Không lại sai người lấy một vạc lớn đựng nước nấu sôi tới cả trăm lần, rồi dùng tay không quấy lên khoảng bốn lần, tắm vua trong đó. Ngay sau đó, bệnh của vua bớt ngay và ít lâu sau thì khỏi hẳn. Sau khi khỏi bệnh, cảm phục tài năng của Minh Không và cũng là để cảm tạ ơn cứu mạng của ông, vua Lý Thần Tông phong cho Minh Không là Quốc sư, được đổi từ họ Nguyễn sang họ Lý, cấp cho nhà ở, ban lộc mấy trăm hộ và được miễn thuế.

Nếu câu chuyện trên của vua Lý Thần Tông chỉ dừng ở truyền thuyết thì không có gì để nói tiếp. Thế nhưng, trong cuộc sống thường ngày, nhà vua cũng có thể coi là người siêu mê tín. Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” viết: Nhà vua rất thích những vật lạ, phàm ai có hươu trắng, hươu đen hay chim sẻ trắng, rùa trắng... đều đem dâng vua cả. Lúc ấy, có Đỗ Khánh là lính ở Tả Vũ Tiệp đem dâng con cá xương và con cá công sắc vàng (cá xương là một loại cá biển, cũng gọi là cá hầu. Cá công cũng ở biển, còn gọi là cá chiết, trông gần giống như con cua). Nhà vua cho đấy là điềm lành, bèn xuống chiếu cho bề tôi chúc mừng. Cáp môn sứ là Lý Phụng Ân tâu: Cá là loài nhỏ mọn mà bệ hạ đã lấy làm điềm lành, vậy nhỡ sau này có người đem tới dâng con lân, con phượng thì bệ hạ sẽ làm sao? Bởi lời ấy, việc này mới thôi.

Theo sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, bấy giờ, Vương Cửu là lính ở Tả Hưng Vũ đem dâng con rùa, trên mai có những vết hợp thành nét chữ. Vua liền xuống chiếu cho các học sĩ, nhà sư và đạo sĩ theo hình nét chữ để đoán. Họ tán ra thành tám chữ: Thiên thư hạ thị, thánh nhân vạn tuế. Nghĩa là: sách trời bảo cho biết rằng thánh nhân - đây chỉ vua Lý Thần Tông muôn năm.

Lời bàn:

Theo nội dung của giai thoại trên thì lời can của Cáp môn sứ Lý Phụng Ân kể cũng được xem là lời thẳng thắn, nhưng tiếc là vua vẫn chứng nào tật nấy. Bởi được lên ngôi từ lúc còn quá nhỏ, khi lớn lên vua lại ham việc hưởng lạc, ưa điềm lành, lại quá tin vào những điều dị đoan nên mới dẫn đến cái chết khi còn quá trẻ. Hơn nữa, theo sử sách thì thân phụ của vua Lý Thần Tông là Sùng Hiền hầu - em ruột vua Lý Nhân Tông cũng rất nổi tiếng là người tin dị đoan. Và cha nào con nấy thì cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, xem xét trong cuộc đời và tư cách của Lý Thần Tông, có thể thấy ông là vị vua nổi tiếng hơn người ở chỗ rất ưa tin dị đoan. Và từ thượng cổ đến ngày nay và dù ở phương Đông hay phương Tây cũng đều cho thấy, trong cuộc sống có không ít những người nổi danh chẳng qua chỉ vì họ tầm thường, thậm chí họ càng tầm thường thì lại càng trở nên nổi danh hơn. Vua Lý Thần Tông cũng được các sử gia đương thời cũng như hậu thế xếp vào loại này. Mà vào thời ấy, nếu nhà vua tin dị đoan thì chắc chắn rằng thiên hạ cũng vì thế mà có thêm lắm kẻ tin dị đoan. Song, điều đáng lo ngại khi đó là kẻ tin thật cũng có mà kẻ giả vờ tin cũng không phải là ít. Và tai hại hơn nữa là các học sĩ, nhà sư và đạo sĩ thời ấy để làm vui lòng nhà vua mà buông lời xu nịnh một người để làm hư hại phong hóa một thời.

N.D

  • Từ khóa
109793

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu