Thứ 6, 29/03/2024 08:38:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 19:29, 12/06/2019 GMT+7

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Nhiều quy định bất cập ảnh hưởng đến quyền lợi của lao động nữ

Thứ 4, 12/06/2019 | 19:29:00 695 lượt xem
BPO - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, chiều nay 12-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Trong phiên thảo luận, đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho rằng, qua hơn 4 năm áp dụng thực hiện, Bộ luật Lao động hiện hành có nhiều quy định đã không còn phù hợp với thực tế, một số điều khoản mâu thuẫn nhau nhưng trong luật sửa đổi này chưa thấy ban soạn thảo đề cập, nhất là những quy định gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, đặc biệt là lao động nữ và lao động nghỉ thai sản.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang phát biểu thảo luận tại hội trường chiều 12-6

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang dẫn chứng: Theo quy định, lao động nữ được đảm bảo việc làm cũ khi trở lại làm việc sau thời gian thai sản. Đồng thời, nếu trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho lao động nữ và phải trả mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản. Đây là quy định hoàn toàn phù hợp và mang tính nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, tại điều 29 quy định lao động chuyển sang làm công việc khác được trả lương theo công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ, nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Như vậy nội dung giữa hai điều trong cùng bộ luật đang có sự vênh nhau, làm cho quy định của luật vẫn đứng ngoài cuộc sống.

Bộ luật Lao động sửa đổi có nhiều đổi mới trong đó có những quy định liên quan đến hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, nhưng đại biểu Sang cho rằng những quy định trong dự thảo chưa đề cập rõ thế nào là hành vi quấy rối tình dục nơi công sở. Vấn đề này đã và đang xảy ra hằng ngày nhưng việc giải quyết lại đang mắc phải những khó khăn. Hành vi này ở Việt Nam thường bị bỏ qua nếu chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng và hậu quả của hành vi này rất khó để chứng minh. Thực tế nhiều năm qua cho thấy chỉ có những vụ án hiếp dâm, cưỡng dâm bị tố cáo và có tang chứng vật chứng thì mới được đưa ra xét xử hình sự, còn chủ yếu chỉ phạt hành chính, song cũng ít người bị xử lý.

Theo đại biểu Sang, nếu không quy định cụ thể, chi tiết thì một số quy định trong dự thảo luật vẫn tiếp tục đứng ngoài cuộc sống như bộ luật hiện hành. Do vậy, ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh đảm bảo tính khả thi của bộ luật và các văn bản dưới luật trong thực tiễn.

Trần Thể

  • Từ khóa
28360

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu